Hết thời livestream, phát ngôn bừa bãi trên mạng xã hội

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) vừa ban hành dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng và Nghị định số 27/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 72 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng. Nhiều người kỳ vọng, với quy định mới sẽ quản lý chặt chẽ hơn hoạt động của các mạng xã hội hiện nay.

Hãy chọn lọc, kiểm chứng thông tin trước khi xem và chia sẻ trên mạng xã hội. Ảnh: Hoàng Triều
Tràn lan thông tin sai sự thật, phân biệt vùng miền
Kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện ở Việt Nam, mạng xã hội đã và đang là một trong những công cụ có đóng góp hiệu quả vào việc tuyên truyền phòng, chống dịch. Tuy nhiên, song hành với khía cạnh tích cực, vẫn còn tình trạng lan truyền thông tin sai sự thật, tin giả gây hoang mang cho cộng đồng. Điển hình cho trường hợp trên là vụ việc hơn 300 giảng viên, sinh viên Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương vào TP Hồ Chí Minh chống dịch mới đây. Thay vì động viên, cổ vũ những người trẻ xung phong vào tâm dịch, trên mạng xã hội có hàng hoạt ý kiến “bới lông tìm vết” như: Các sinh viên không được mặc áo blouse trắng đi ngoài đường, lên máy bay; được bố trí ăn ở tại hàng loạt khách sạn 4 - 5 sao thuộc hệ thống của SaigonTourist...

Đỉnh điểm cho những chỉ trích “mù quáng” ở trên là các phát biểu mang đậm tính phân biệt vùng miền đã xuất hiện và đáng ngạc nhiên lại xuất phát từ một người có thể tạm gọi là “nổi tiếng” hay “người của công chúng” - Vũ Hoài Phương, còn được biết đến với nghệ danh Trác Thúy Miêu. Cụ thể, vào ngày 3/7 vừa qua, trên tài khoản Facebook có tên “Phuong Vu” của đối tượng trên, đã xuất hiện bài đăng với nội dung liên quan đến đoàn sinh viên y Hải Dương vào TP Hồ Chí Minh chống dịch. Bài viết có đoạn: "Mấy em tình nguyện viên Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương ơi, đoàn mấy trăm người chắc chắn có người này kẻ khác nhưng giờ nói gộp luôn cho lẹ. Sinh viên y dược Sài Gòn, kể cả tình nguyện viên từ thanh niên, nghệ sĩ, y bác sĩ, khỏi có ở đâu rần rần máu chiến như Sài Gòn. Tụi em nhắm học hỏi, cảm thụ được thì làm, còn cà chớn như cách tụi em đã làm ở Gò Vấp thì ở chơi thêm mấy bữa cho biết rồi về, Sài Gòn đang bận dữ lắm...".

Ngay sau khi được đăng tải, bài viết trên đã nhận được hàng nghìn ý kiến phản đối từ cộng đồng mạng cũng như vô vàn chỉ trích lên án Trác Thúy Miêu đã lợi dụng tình hình dịch bệnh đang phức tạp để đưa ra quan điểm gây mâu thuẫn, kích động, phân biệt vùng miền, gây khó khăn thêm cho công tác phòng, chống dịch. Nhiều ý kiến còn cho rằng đây là chiêu trò của người này để nhằm tăng thêm sự nổi tiếng, bởi lĩnh vực chính của đối tượng này là hoạt động trong ngành giải trí.

Trước những phát ngôn phản cảm của Trác Thúy Miêu, mới đây, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT&TT) đã có yêu cầu gửi Sở TT&TT TP Hồ Chí Minh nhanh chóng vào cuộc để xử lý đối tượng này. Theo nhận định của Cục, bài viết của Trác Thúy Miêu có dấu hiệu gây mâu thuẫn, kích động về việc các cán bộ, giảng viên, sinh viên Đại học Ky thuật y tế Hải Dương triển khai nhiệm vụ hỗ trợ chống dịch Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh.

Những trường hợp người nổi tiếng có phát ngôn hoặc hành động tiêu cực đối với công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên mạng xã hội như Trác Thúy Miêu không phải là hiếm. Có thể kể đến như ca sĩ Phan Ngọc Luân có bình luận mang đậm phân biệt vùng miền: “Đúng là ngoài đó luôn làm mệt mỏi cả nước" khi Hải Dương và Quảng Ninh phát hiện ra nhiều người mắc Covid-19 trong ngày 28/1. Hay như Á hậu doanh nhân Việt Nam toàn cầu Nguyễn Ngọc Thúy bị phạt hành chính 7,5 triệu đồng vì đăng tải lên mạng clip xúc phạm người dân Đà Nẵng khi địa phương này xuất hiện ổ dịch...

Nói về những trường hợp trên, chuyên gia truyền thông Nguyễn Văn Long cho rằng, đang có không ít nghệ sĩ, người nổi tiếng không hề quan tâm đến tác động xã hội từ những phát ngôn của mình, đặc biệt là khi những phát ngôn đó được đăng tải trên môi trường ảo như mạng xã hội. "Đừng làm khó, bới móc, buông lời mạt sát, chê bai đối với những người đang cố gắng làm điều tốt đẹp cho cộng đồng chính là sự tử tế cần có" - ông Nguyễn Văn Long đưa ra quan điểm.

Ngăn chặn tận gốc vi phạm

Tính đến hết tháng 6, Facebook có khoảng 65 triệu thành viên Việt Nam, YouTube có khoảng 60 triệu người dùng và TikTok khoảng 20 triệu người dùng. Nhiều cá nhân, tổ chức lợi dụng mạng xã hội để hoạt động báo chí, tổ chức livestream nhằm cung cấp thông tin sai sự thật, xúc phạm uy tín, nhân phẩm của tổ chức, cá nhân khác…

Nói về quan điểm của cơ quan quản lý Nhà nước đối với những phát ngôn, hành vi phản cảm, gây bức xúc trên mạng xã hội, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử Lê Quang Tự Do khẳng định rằng đã, đang và sẽ có những biện pháp mạnh để chấn chỉnh lại tình trạng này cũng như dọn sạch sẽ “rác” trên môi trường trực tuyến Việt Nam. Cụ thể, Bộ TT&TT đã tham mưu Chính phủ ban hành một số nghị định sửa đổi để bổ sung các quy định, thêm chế tài xử phạt nhằm tăng hiệu quả của công tác quản lý mạng xã hội, đồng thời phù hợp hơn với những thay đổi mạnh mẽ theo từng ngày của những nền tảng này.

Nhận thấy việc chưa xử lý được triệt để tình trạng “rác hóa” mạng xã hội thông qua tin giả, tin xấu độc có nguyên nhân lớn đến từ thái độ hợp tác hời hợt của các mạng xã hội xuyên biên giới, trong thời gian qua, Bộ TT&TT đã có những hành động cụ thể nhằm đưa ra điều chỉnh về mặt pháp luật để chấn chỉnh tình trạng này. Có thể thấy rõ quyết tâm trên thông qua những quy định mới trong dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 72/2013/NĐ-CP và Nghị định số 27/2018/NĐ-CP. Theo đó, các DN cung cấp dịch vụ thông tin xuyên biên giới phải tuân thủ quy định pháp luật Việt Nam, phải thực hiện trong vòng 24 tiếng khi có yêu cầu từ cơ quan quản lý có thẩm quyền của Việt Nam trong việc ngăn chặn, xử lý, gỡ bỏ các thông tin vi phạm xuất hiện trên nền tảng của mình.

Ở phía người dùng mạng xã hội, có quyền thông báo vi phạm yêu cầu DN cung cấp xuyên biên giới xử lý. Người dùng thông báo cho Bộ TT&TT về những vi phạm nội dung trên các website cung cấp dịch vụ xuyên biên giới cho người sử dụng tại Việt Nam và khởi kiện nếu DN cung cấp xuyên biên giới gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Bên cạnh đó, dự thảo cũng quy định, chỉ các tài khoản đã được định danh 2 lớp (xác thực tài khoản với tên thật và số điện thoại) mới được viết bài, đăng bình luận, livestream trên mạng xã hội, nếu không thì chỉ được xem tin, bài. Đặc biệt, các kênh/tài khoản tại Việt Nam có lượng người sử dụng theo dõi/đăng ký từ 10.000 người trở lên thực hiện thông báo thông tin liên hệ với Bộ TT&TT.

Với các nền tảng xuyên biên giới như Facebook, Google… những năm gần đây, Bộ TT&TT đã có nhiều cuộc làm việc để yêu cầu họ phải tuân thủ pháp luật Việt Nam và đã đạt được nhiều bước tiến lớn. Tuy nhiên, do khác biệt về văn hóa, pháp luật và chính trị nên giữa hai bên vẫn còn khoảng cách, Bộ TT&TT đang tìm giải pháp để thu hẹp khoảng cách này.

Phó Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử Lê Quang Tự Do
Sự bùng nổ các hoạt động livetream thời gian qua có tác động tích cực và tiêu cực tới xã hội. Bộ TT&TT cần sớm đưa ra khuôn khổ pháp lý với các nền tảng mạng xã hội, livestream hay các ứng dụng trực tuyến để dự phòng rủi ro thông tin xấu.

Giám đốc Trung tâm an ninh mạng Athena Võ Đỗ Thắng