[Hiểm họa bóng cười không thể làm ngơ] Bài 4: Phải cấm, đừng để quá muộn

Đạt Lê - Đức San - Nhật Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, Bộ Công an và các lực lượng chức năng của Hà Nội đã và đang triển khai nhiều biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý tình trạng kinh doanh, sử dụng bóng cười, bởi đây là hiểm họa không thể làm ngơ. Dưới đây là ý kiến của một số chuyên gia, nhà quản lý đề xuất chế tài xử lý việc kinh doanh, sử dụng bóng cười.

Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hồng Sơn - Trưởng Ban chỉ đạo 138 TP Hà Nội: Xử lý hình sự đối với các hành vi vi phạm
 Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hồng Sơn
UBND TP sẽ tiếp tục đề xuất với liên bộ: Công an - Công Thương - Y tế kiến nghị Quốc hội, Chính phủ bổ sung quy định xử lý hình sự đối với các hành vi vi phạm liên quan đến quản lý và sử dụng khí N2O, shisha… và quy định cụ thể trách nhiệm của các đơn vị liên quan. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần tiếp tục nghiên cứu, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định hoạt động nhập khẩu, kinh doanh, sử dụng đúng mục đích đối với khí N2O và shisha, trong đó đưa shisha vào danh mục sản phẩm thuốc lá nhập khẩu, kinh doanh có điều kiện để tạo cơ sở pháp lý, điều kiện thuận lợi trong công tác kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật, góp phần gìn giữ , đảm bảo trật tự an toàn xã hội…
Thường xuyên thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm phòng ngừa, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi kinh doanh, buôn bán, tổ chức sử dụng bóng cười trên địa bàn Hà Nội. Đối với các trường hợp vi phạm nghiêm trọng hoặc tái phạm (từ 2 lần trở lên) thì kiến nghị các cấp thẩm quyền kiên quyết thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, hộ kinh doanh; giấy phép đủ điều kiện kinh doanh… hoặc tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở không đủ điều kiện kinh doanh; trường hợp có dấu hiệu tội phạm phải chuyển hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền truy cứu trách nhiệm nhiệm hình sự.
Qua công tác thanh, kiểm tra, kịp thời phát hiện những tồn tại thiếu sót, tiêu cực, thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý, xuất, nhập khẩu, kinh doanh khí N20; trong công tác quản lý Nhà nước đối với các loại hình kinh doanh có điều kiện lợi dụng để hoạt động mua bán, chứa chấp, tổ chức sử dụng bóng cười… để có biện pháp quản lý, khắc phục hiệu quả. Thủ trưởng các sở, ban ngành, Chủ tịch UBND các quận huyện, thị xã chịu trách nhiệm trước UBND TP nếu để các cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn quản lý vi phạm mà không được phát hiện, xử lý kịp thời gây hậu quả nghiêm trọng, bức xúc trong quần chúng nhân dân.
Đại tá Nguyễn Thanh Tùng - Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội: Xem xét đưa N2O vào danh mục chất cấm kinh doanh
 Đại tá Nguyễn Thanh Tùng - Phó Giám đốc Công an Hà Nội 
Sau 2 năm thực hiện kế hoạch Kế hoạch số 110/KH-UBND ngày 6/5/2017 của UBND TP về tăng cường công tác quản lý, xử lý vi phạm liên quan đến bóng cười, shisha, tem giấy… Công tác tuyên truyền về pháp luật, những phương thức, thủ đoạn hoạt động mới, tác hại của việc sử dụng ma túy nói chung, bóng cười, shisha nói riêng... được chú trọng, qua đó nâng cao ý thức, vai trò, trách nhiệm của cộng đồng và người dân.
Tuy nhiên, để ngăn chặn triệt để nạn sử dụng bóng cười, shisha... đề xuất các cơ quan có thẩm quyền cấm sản xuất, kinh doanh khí N2O (dùng để bơm vào bóng cười) trong vui chơi giải trí… Công an TP đã tham vấn ý kiến chuyên môn của Viện Sức khỏe Tâm thần - Bệnh viện Bạch Mai về xác định tác động của khí N2O đến sức khỏe con người để có căn cứ kiến nghị đề xuất các bộ, ngành liên quan và UBND TP.
Qua đó, tham mưu UBND TP ban hành Chỉ thị về việc tăng cường quản lý sản xuất, kinh doanh và sử dụng khí N2O trên địa bàn TP Hà Nội và chủ trì xây dựng dự thảo lấy ý kiến các sở, ngành liên quan… Công an TP cũng đề xuất thành phố kiến nghị Bộ Y tế khuyến cáo, khi sử dụng khí N2O sai mục đích sẽ có hại cho sức khỏe; xem xét đưa vào danh mục chất cấm kinh doanh và sử dụng vào cơ thể con người sai mục đích... Từ đó, mới có căn cứ, chế tài để xử lý hình sự.
Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Lê Mai Trang: Tăng cường kiểm tra, siết chặt quản lý
Thực hiện chỉ đạo của UBND TP về việc quản lý, xử lý vi phạm liên quan đến bóng cười, shisha… UBND quận Thanh Xuân đã xây dựng kế hoạch do Công an quận tham mưu. Trên cơ sở đó, quận đã tổ chức hội nghị triển khai tới tất cả các phường, hệ thống chính trị trên địa bàn. Cùng đó, quận tổ chức hội nghị thông tin chuyên đề cho các tổ trưởng dân phố, thế nào là bóng cười, shisha…, cung cấp kiến thức, tác hại của các loại này.
 Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Lê Mai Trang
Ngoài ra, UBND quận giao Công an quận chủ trì, phối hợp với các đoàn thể chính trị tổ chức tuyên truyền, vận động Nhân dân, phát thanh tuyên truyền trên hệ thống loa văn hóa thông tin, nội dung do Công an quận cung cấp. Cùng đó, cung cấp những tài liệu liên quan đến tác hại của bóng cười, shisha… cho MTTQ, các đoàn thể, và tài liệu được phát trực tiếp đến từng khu dân cư, tổ dân phố.
Bên cạnh đó, để tăng cường công tác quản lý Nhà nước trên địa bàn, UBND quận Thanh Xuân đã giao Công an quận kiểm tra đột xuất tất cả các cơ sở kinh doanh, bán hàng xung quanh trường học bởi bóng cười rất dễ có khả năng được bán ở đây. Đến nay, cơ quan công an đã kiểm tra được 80% cơ sở, qua kiểm tra chưa phát hiện được các cơ sở này có bán bóng cười.
UBND quận cũng giao Phòng VHTT quận phối hợp Công an quận kiểm tra tất cả các cơ sở, nhà hàng kinh doanh karaoke trên địa bàn, đến nay đã kiểm tra xong 100% cơ sở nhưng chưa phát hiện được các cơ sở này có bán bóng cười và khách đến hát có sử dụng bóng cười, shisha… UBND quận Thanh Xuân đánh giá, bóng cười, shisha… có khả năng xuất hiện trên địa bàn nên quận tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra đột xuất, chia nhỏ các đoàn để kiểm tra đồng thời cùng lúc các cơ sở. Quận cũng đã yêu cầu các cơ sở kinh doanh karaoke ký cam kết không sử dụng bóng cười, shisha…, đồng thời, phải tuyên truyền khách không được sử dụng bóng cười trong nhà hàng.
Luật sư Nguyễn Đào Tơ - Trưởng Văn phòng Luật sư Hoàng Huy: Việc mua bán, sử dụng bóng cười cho người là sai phạm
Điều 33 Hiến pháp 2013 quy định: “Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm”. Trong khi đó, theo Điều 6 Luật Đầu tư 2014, các ngành, nghề bị cấm đầu tư kinh doanh hiện nay gồm có: Kinh doanh các chất ma túy; Kinh doanh mẫu vật các loại thực vật, động vật hoang dã; Kinh doanh mại dâm; Kinh doanh pháo nổ… và không cấm kinh doanh mặt hàng chứa hóa chất N2O. Có thể thấy, sản xuất, kinh doanh bóng cười không nằm trong danh mục hàng hóa bị cấm tại Việt Nam.
Tuy nhiên, khí N2O có trong bóng cười lại nằm trong danh mục hàng hóa hóa chất bị hạn chế sản xuất, kinh doanh quy định Phụ lục 2 Nghị định 113/2017/NĐ-CP. Được biết, hiện nay, khí N2O chỉ được phép sử dụng tại các cơ sở y tế.
 Luật sư Nguyễn Đào Tơ
Hành vi, vi phạm pháp luật về sản xuất, kinh doanh N2O được xử lý theo các quy định tại Nghị định 115/2016/NĐ-CP ngày 8/7/2016 của Chính phủ; Nghị định số 163/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ. Cụ thể, tại điều 10 Nghị định số 163/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định hành vi vi phạm quy định về Giấy phép hạn chế sản xuất, kinh doanh, hóa chất thuộc danh mục hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh quy định.
Theo đó, phạt tiền từ 12 - 20 triệu đồng đối với các hành vi sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh mà không có giấy phép hạn chế sản xuất, kinh doanh hóa chất theo quy định; sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh khi giấy phép hạn chế sản xuất, kinh doanh hóa chất được cấp đã hết hiệu lực. Phạt tiền từ 20 - 25 triệu đồng đối với hành vi tiếp tục hoạt động sản xuất, kinh doanh khi đã bị cơ quan quản lý có thẩm quyền đình chỉ hoạt động sản xuất, kinh doanh, tước quyền sử dụng hoặc thu hồi giấy phép hạn chế sản xuất, kinh doanh hóa chất.
Do đó, có thể thấy việc sử dụng bóng cười (chứa chất N2O) tuy chưa có điều luật cụ thể nào quy định cấm, song việc mua bán, sử dụng bóng cười cho người là sai phạm, gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người sử dụng và chất N2O cũng không được cấp phép để mua bán, sử dụng cho người. Việc nhập khẩu, mua bán chất N2O để sử dụng trong công nghiệp, phát triển kinh tế - xã hội… vẫn được thực hiện, nhưng phải đảm bảo đúng những quy định chặt chẽ của pháp luật. Vì vậy, đối với cá nhân tổ chức kinh doanh khí N20 thì phải đáp ứng các điều kiện quy định tại nghị định 113/2017/NĐ-CP.
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên - Phụ trách Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai: Đừng để khi quá muộn mới cấm!
 Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên
Ở Mỹ, cơ quan quản lý thuốc và thực phẩm (FDA) đã cấm sử dụng N2O cho mục đích giải trí. Ở Anh, N2O cũng đã được đưa vào danh sách cùng với các chất ma túy và cấm sử dụng để giải trí. Chất 5F-MDMB-PICA là một trong những loại cần sa tổng hợp có trong “cỏ Mỹ” đã được Nhật Bản và Singapore đưa vào danh mục quản lý về ma túy.
Tại Việt Nam, tôi thấy cần phải đưa khí N2O vào dạng chất cấm không cho phép sử dụng cho mục đích giải trí. Cho tới nay, trong y văn chưa khẳng định có thể chữa khỏi hoàn toàn các tổn thương trên tủy sống, dây thần kinh cho các trường hợp ngộ độc do sử dụng khí N2O hay không. Tôi được biết, các đơn vị chức năng nghiên cứu, báo cáo đề xuất cơ quan có thẩm quyền đề nghị Chính phủ bổ sung chất 5F-MDMB-PICA cùng với một số chất ma túy mới khác vào danh mục các chất ma túy tại Việt Nam theo quy định tại mục 3, Điều 3 Nghị định số 73/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ. Với tốc độ xuất hiện nhanh chóng các chất ma túy mới và lây lan như hiện nay, chúng ta cần liên tục cập nhật danh mục các chất ma túy mới của các nước khác và có biện pháp chuẩn bị trước, không nhất thiết phải đợi cho tới khi phát hiện có ở Việt Nam thì đã quá muộn.
Với tính chất nguy hiểm của nó, chúng tôi khuyến cáo các bạn trẻ không sử dụng các khí này, vì dễ gây nghiện, nghiện rồi lại khó bỏ, ảnh hưởng nghiêm tọng đến sức khỏe, thậm chí tử vong.