Tiềm ẩn nguy hiểm
Tại khu tập thể có tuổi đời hàng vài thập kỷ trên địa bàn TP Hà Nội như: Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy), Giảng Võ, Thành Công (quận Ba Đình), Trung Tự, Kim Liên (quận Đống Đa), Thanh Xuân (quận Thanh Xuân)..., hầu hết hộ gia đình sinh sống tại đây đều lắp đặt bồn nước inox trên nóc của tòa nhà, nhằm cung cấp, trữ nước sinh hoạt cho gia đình.
Tuy nhiên, những bồn nước inox với chức năng cung cấp nước sinh hoạt cho người dân lại lắp đặt không theo bất cứ quy định cụ thể nào, đủ mọi kích cỡ dung tích khoảng 1.000 - 2.000 lít tùy nhà (tương đương với 1 - 2 tấn nước). Trong khi đó, những khu tập thể đã xuống cấp nặng, đang phải oằn mình "cõng" thêm khoảng hơn 50 bồn nước tương đương với 100 tấn.
Đặc biệt nguy hiểm hơn, theo quan sát của phóng viên, tại các khu tập thể cũ như H3 (Nguyễn Công Trứ, quận Hai Bà Trưng) hay khu tập thể Thành Công (quận Ba Đình) thay vì lắp đặt trên nóc của tòa nhà, những bồn nước này được treo trên bề mặt tường, với dung tích trữ nước lớn. Nhưng khi lắp đặt những bồn chứa nước này chỉ được gia cố bằng các khung sắt, sau nhiều năm "dầm mưa, dãi nắng" đã hoen gỉ, có thể nứt gãy bất cứ lúc nào.
Nhiều người dân sinh sống tại các khu tập thể cũ này cho hay, mặc dù biết nguy hiểm nhưng do hệ thống bể chứa nước đã xuống cấp, còn phải bơm theo giờ không đủ đáp ứng nhu cầu, diện tích nhà nhỏ... "cực chẳng đã" mới lắp đặt bồn nước.
Anh Nguyễn Quang Hưng (sinh sống tại khu tập thể Thành Công, quận Ba Đình) thông tin, những gia đình đã ở lâu thì lắp đặt bồn chứa nước trên mái nhà, tiết kiệm không gian và không cần sử dụng máy bơm tăng áp.
"Nhiều gia đình chuyển đến sau thì có người lắp luôn ở bề mặt tầng họ sống. Tuy rằng biết nguy hiểm nhưng nếu không có nước gia đình cũng khó có thể sinh hoạt" - anh Hưng bày tỏ.
Chưa có cơ chế
Theo chị Phạm Bảo Châu (trú tại khu tập thể dốc Thọ Lão, quận Hai Bà Trưng), việc đặt mua, vận chuyển các bồn nước này hoàn toàn dựa vào thỏa thuận của người dân với nhà phân phối, không hỗ trợ việc lắp đặt, mà chỉ kéo bình lên vị trí yêu cầu là xong, còn muốn lắp đặt phải trả thêm tiền thuê đội thợ hoặc tự mình làm.
"Nhưng họ cũng chỉ trát xi măng vào phần chân đế, rồi đặt bình nước lên. Do cũng được cảnh báo nếu lắp đặt ở vị trí không chắc chắn sẽ khiến bồn bị đổ gãy chân, méo bẹp nên gia đình tôi phải hàn thêm, đổ bê tông vào chân đế" - chị Châu chia sẻ.
KTS Ngô Tâm - Công ty CP đầu tư tư vấn xây dựng COVIC cho rằng, hiện tại chưa có quy định mua bảo hiểm bồn nước để nâng cao trách nhiệm của nhà sản xuất. Khi lắp đặt đều chỉ tính tới vị trí thuận lợi nhất cho người sử dụng, nhưng không nằm trong thiết kế kết cấu tải trọng chịu lực của tòa nhà.
"Dù chỉ là phụ trong công trình nhưng việc quá nhiều bồn nước trên mái tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm mất an toàn cho người dân. Đặc biệt tại các khu tập thể cũ mái chéo độ cứng đã hao mòn theo thời gian, vị trí chịu lực không còn bằng nhau. Do đó, nếu gặp phải mưa bão lớn có thể gây gãy chân khung lắp đặt dù đã có gia cố" - KTS Ngô Tâm phân tích.
Nhiều chuyên gia lĩnh vực xây dựng cho biết, hiện nay chưa có văn bản hay quy định nào quy định cụ thể về quy chuẩn xây dựng, lắp đặt bồn nước trên cao. Do đó, rất cần có sự vào cuộc của cơ quan quản lý Nhà nước để kiểm tra, đánh giá toàn diện tác động các bồn nước được lắp đặt tại những khu chung cư cũ. Mặt khác, có thể đưa việc đặt bồn nước vào quy chuẩn cấp phép xây dựng.
Thực tế, rủi ro “trên trời rơi xuống” do bồn nước rơi từ trên cao đã từng xảy ra. Đơn cử, đã có trường hợp một bồn nước inox lớn từ trên nóc nhà 5 tầng bất ngờ rơi xuống đất tại đường Láng (quận Đống Đa), tuy nhiên may mắn không có thiệt hại về người. Hay ngày 13/6/2014, tại trường Tiểu học Diễn Tháp (huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An), một bồn chứa nước inox cũng bị sập. Sự cố gây tử vong cho 2 học sinh và một em khác bị thương.