Hiện hữu những thách thức mới

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo số liệu Tổng cục Thống kê công bố ngày 23/12, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2013 tăng 0,51% so với tháng trước và tăng 6,04%so với tháng 12/2012.

CPI, yếu tố quan trọng để đánh giá mức độ lạm phát tăng thấp là một trong những thành công nổi bật của năm 2013. Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra một số vấn đề cần cảnh báo.

CPI tăng thấp và... 

Nếu tính theo tháng 12 năm nay so với tháng 12 năm trước, thì CPI năm nay tăng thấp hơn so với CPI của năm trước, thấp nhất trong 10 năm qua, thấp xa so với tốc độ tăng bình quân trong 9 năm trước đó (11,13%). Nếu tính bình quân năm sau so với năm trước thì năm 2013 cũng tăng thấp hơn nhiều so với năm trước, tăng thấp nhất trong 10 năm qua và tăng thấp xa so với tốc độ tăng bình quân của 9 năm trước đó (6,60% so với 10,97%). Như vậy, dù tính theo cách nào, thì CPI năm 2013 cũng thấp nhất trong 10 năm qua. Ở góc độ khác, CPI năm 2013 đã thực hiện được mục tiêu do Quốc hội đề ra (lạm phát thấp hơn năm trước). Lạm phát được kiềm chế thành công càng có ý nghĩa khi tăng trưởng kinh tế năm nay cũng cao hơn năm trước, đạt được mục tiêu tổng quát do Quốc hội đề ra (tăng trưởng cao hơn năm trước). 

 
Người tiêu dùng mua hàng bình ổn giá tại siêu thị Hapro Gia Lâm.     Ảnh: Thanh Hải
Người tiêu dùng mua hàng bình ổn giá tại siêu thị Hapro Gia Lâm. Ảnh: Thanh Hải
Trong 13 nhóm hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng, nhóm hàng thiết yếu nhất là lương thực giá năm trước giảm sâu, năm nay tăng rất thấp, nên người tiêu dùng nói chung và người nghèo, người thu nhập thấp nói riêng ít cảm thấy sức ép của lạm phát. Trong khi đó, đối với người có dòng vốn tạm thời nhàn rỗi gửi tiết kiệm đã không bị thiệt thòi, mặc dù lãi suất đã qua mấy lần giảm, nhưng trong nhiều tháng và tính chung cả năm từ năm ngoái đến năm nay vẫn cao hơn tốc độ tăng giá tiêu dùng, tức là vẫn được thực dương. Đó là điều lý giải tại sao tốc độ tăng số dư tiền gửi khá cao (tính đến 12/12 đã tăng 15,61%, trong đó tiền gửi VND tăng 15,93%), góp phần bảo đảm tính thanh khoản của các tổ chức tín dụng, góp phần kéo giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường. Kết quả này cũng có tác động của việc ổn định tỷ giá (bình quân năm 2013 tăng 0,18%, năm 2013 tăng 0,62%); khi lạm phát được kiềm chế lại có tác động trở lại, góp phần ổn định tỷ giá, mua vào ngoại tệ, tăng dự trữ ngoại hối, giảm tình trạng đô la hoá, nâng cao lòng tin vào đồng tiền quốc gia...

... những vấn đề cho năm 2014
Trước câu hỏi việc tăng giá xăng, dầu thời gian qua có ảnh hưởng thế nào đến CPI, ông Nguyễn Đức Thắng - Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê), cho biết: Năm 2013, giá xăng dầu được điều chỉnh 4 đợt tăng và 6 đợt giảm. Tuy nhiên, tính chung cả năm giá mặt hàng này vẫn tăng mạnh 2,18%, góp vào CPI chung cả nước mức tăng 0,08%; giá điện điều chỉnh tăng 10%, đóng góp vào CPI chung khoảng 0,25%.
Nhìn lại diễn biến CPI năm 2013 có thể thấy chu trình gần giống như năm 2012, trong đó có hai điểm đáng lưu ý: Từ tháng 3 đến tháng 7, CPI tăng rất thấp (5 tháng này tăng 0,09%, hay tăng chưa đến 0,02%/tháng), vừa chứng tỏ chưa bám sát lạm phát mục tiêu, vừa gây hiệu ứng phụ đối với tăng trưởng kinh tế. Đặc biệt, hai nhóm ngành kinh tế thực là nông, lâm nghiệp - thuỷ sản, công nghiệp - xây dựng năm nay đã tăng trưởng thấp hơn hai năm trước. CPI tăng cao vào mấy tháng sau đó, nhưng chủ yếu do điều chỉnh giá một số hàng hoá, dịch vụ theo lộ trình giá thị trường. Việc này tuy cần thiết và đúng hướng nhưng do những hàng hoá, dịch vụ này chưa có cơ sở để cạnh tranh, việc giám sát kiểm tra của cơ quan Nhà nước còn chưa chặt chẽ, việc minh bạch công khai còn hạn chế, căn cứ để điều chỉnh được đưa ra thường dựa vào “giá ngoại”mà chưa quan tâm đến “lương nội”. Thậm chí một số thời điểm, một số mặt hàng việc phối hợp, liều lượng, thời điểm điều chỉnh... chưa được dư luận đồng tình. Nếu như trước Tết Nguyên đán năm 2013 là việc điều chỉnh giá điện, thì trước Tết 2014 là việc điều chỉnh giá xăng dầu... Bên cạnh đó cũng phải thừa nhận một thực tế là lạm phát thấp chủ yếu do tổng cầu yếu, tăng trưởng tín dụng thấp (tính đến 12/12, tín dụng mới tăng 8,83%), còn yếu tố cơ bản là hiệu quả đầu tư, năng suất lao động vẫn cải thiện chậm. 

Những ngày cuối năm 2013, cùng với việc điều chỉnh giá gas, giá xăng, dầu, giá lương thực bắt đầu tăng cao trong khi giá nhiều mặt hàng, dịch vụ khác cũng đang rục rịch tăng theo, việc điều chỉnh giá một số hàng hoá, dịch vụ theo lộ trình giá thị trường vẫn tiếp tục..., nên có nguy cơ lạm phát cao vào những tháng đầu năm tới vẫn là những ẩn số, thách thức rất đáng lưu ý.

 
Ngày 23/12, Tổng cục Thống kê đã công bố chính thức, tổng sản phẩm GDP năm 2013 ước tính tăng 5,42% so với năm 2012. Mức tăng trưởng năm nay tuy thấp hơn mục tiêu 5,5% đề ra nhưng cao hơn mức tăng 5,25% của năm 2012 và có tín hiệu phục hồi. Trong mức tăng 5,42% của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,67% so với năm 2012, đóng góp 0,48%; Công nghiệp và xây dựng tăng 5,43%, đóng góp 2,09%; Dịch vụ tăng 6,56%, đóng góp 2,85%. Tổng cục Thống kê dự báo, kinh tế năm 2014 dự kiến tăng khoảng 5,8%, lạm phát giữ ở mức 7%...

Tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong năm 2013 là 76.955 doanh nghiệp, tăng 10,1% so với năm 2012 với tổng vốn đăng ký là 398,7 ngàn tỷ đồng, giảm 14,7%.Trong khi đó, số doanh nghiệp gặp khó khăn phải giải thể hoặc ngừng hoạt động trong năm nay là 60.737 doanh nghiệp, tăng 11,9% so với năm trước.