Hiện hữu nỗi lo rủi ro nợ công

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm nay, nợ công đã được dự đoán sẽ tiếp tục tăng lên mức 64% GDP và sẽ chạm sát trần vào năm 2016 với tỷ lệ 64,9% GDP.

Nợ xấu trong hệ thống ngân hàng tăng cao đang đẩy nợ công tăng lên.  	Ảnh: Việt Linh
Nợ xấu trong hệ thống ngân hàng tăng cao đang đẩy nợ công tăng lên. Ảnh: Việt Linh
Sau đó, từ năm 2017, nợ công sẽ giảm dần để đến năm 2020 xuống mức 60,2% GDP. Tuy nhiên, nợ công đã thực sự trở thành vấn đề đáng lo ngại, chứ không phải chỉ là chuyện rủi ro trong tương lai.

Con số thực tế cao hơn mức thống kê

Nợ công đã tiến sát ngưỡng an toàn mà Quốc hội cho phép (65% GDP) nhưng an toàn nợ công thể hiện ở việc có khả năng thu xếp, bố trí để chi trả các khoản vay hay không? Trên thực tế, con số nợ công ngày càng phình to với các cách tính khác nhau vẫn là điều rất đáng lo ngại.

Báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, tỷ lệ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với tổng thu ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2013 là 15,2%, năm 2014 là 13,8%, năm 2015 là 16,1% và tỷ lệ này được Bộ khẳng định vẫn dưới ngưỡng quy định 25% của Chiến lược nợ công. Tuy nhiên, theo một báo cáo mới đây của Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, tỷ lệ trả nợ và viện trợ của Chính phủ năm nay đã lên tới 31% thu NS, tức vượt ngưỡng cho phép. Trên thực tế “nợ công ngầm” mới thực sự là hiểm họa dẫn đến khủng hoảng nợ công. Mức nợ công Việt Nam công bố chưa bao gồm nợ của DN Nhà nước, nợ đọng xây dựng cơ bản; ngoài ra, nợ xấu trong hệ thống ngân hàng tăng cao, những bất ổn của thị trường tài chính có thể tạo thêm gánh nặng cho ngân sách quốc gia, đẩy nợ công tăng lên.

Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên chỉ ra 3 rủi ro của nợ công, đó là tốc độ tăng nợ vay cao, hiện đã đến mức vay để trả nợ chứ không phải vay để sản xuất rồi bán đi lấy tiền trả nợ. Nguy cơ thứ hai là cơ cấu nợ, bởi nợ ngắn hạn chiếm tỷ trọng lớn. Trái phiếu Chính phủ kỳ hạn rất ngắn, kỳ hạn ngắn thì áp lực trả nợ tăng nhanh. Tổng số nợ của Việt Nam không quá lớn nhưng tỷ trọng nợ ngắn hạn quá cao nên áp lực trả nợ gay gắt và ngày càng tăng cao, ông Thiên phân tích. Điểm thứ ba chứa đựng nguy cơ chính là năng lực trả nợ. “Tổng thu NSNN những năm qua tăng rất chậm, trong khi nợ công thì tăng nhanh hơn. Nên nói là an toàn thì không thật đầy đủ. Dự báo thu NS có xu hướng giảm do chính sách thực hiện cam kết của các hiệp định thương mại tự do (FTA), Việt Nam phải cắt giảm, miễn nhiều khoản thuế sẽ tác động nhất định tới nguồn thu” - ông Thiên nhận định.

Thực tế, trong năm 2013, bội chi NS lên tới 236.000 tỷ đồng, tương ứng với 6,6% GDP, cao hơn nhiều so với mức 5,3% GDP đã được Quốc hội cho phép. Trong năm 2014, thu NSNN vượt tới hơn 80.000 tỷ đồng và tất cả số tiền này cũng đã chi tiêu hết. Chỉ riêng trong năm nay, Chính phủ phải trả nợ trái phiếu số tiền lên đến 135.000 tỷ đồng trong bối cảnh khó phát hành thêm trái phiếu, theo lời Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội đầu tuần qua.

Áp lực huy động vốn hàng năm rất lớn

Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, Việt Nam tiếp tục đối mặt rủi ro về nợ công, bởi thâm hụt NS dự báo tăng trong năm nay. Chi NS năm 2015 không có gì cải tiến. Hiện tại, 80% các tỉnh có mức thu NS không đủ chi và đầu tư, chỉ còn 20% là cân đối được. Trong bối cảnh mà chi thường xuyên đã lên tới khoảng 70% chi NS, chi trả nợ ngày càng tăng, thì chi đầu tư phát triển “chẳng còn xu nào”. Với thu, chi NS như năm nay thì sẽ không có đồng nào ngân sách chi cho đầu tư hết. Toàn bộ chi cho đầu tư, chúng ta phải đi vay. Áp lực huy động vốn hàng năm rất lớn, chi phí huy động vốn cao. Chính Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng thừa nhận, đang rất khó khăn về huy động vốn.

Ông Doanh nhận xét: “Việc thiếu hụt, thất thu NS đã dồn áp lực lên vai Bộ Tài chính, và chúng ta có thể giải thích tại sao năm nay, các cơ quan Nhà nước tăng thu nhiều đến vậy”. Ông cũng chỉ ra, thực tế năm nay, thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu đã được Bộ Tài chính tăng lên 300% (từ 1.000 đồng/lít lên 3.000 đồng/lít), một đoạn đường Pháp Vân - Ninh Bình, chỉ 30km, cũng đã được Bộ Tài chính ban hành mức thu phí mới, xe container 400feet cao nhất lên đến 5 triệu đồng/tháng. Hay tại cầu Đồng Nai, từ ngày 8/4 đã thu phí từ 15.000 - 120.000 đồng/vé/phương tiện giao thông. Đó chỉ là vài ba trong số rất nhiều khoản phí do Nhà nước ban hành để bù đắp cho việc thiếu hụt NS trong năm 2015 này.

Tại Diễn đàn Kinh tế mùa Xuân 2015, một số chuyên gia kinh tế đã chỉ ra thực tế tại Việt Nam, thu từ thuế và phí hiện nay ở mức rất cao. Theo các chuyên gia kinh tế, sắp tới, để bù đắp thâm hụt NS, trả nợ và thiếu hụt về chi đầu tư, sẽ có nhiều khoản phí phải thu thêm. Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan e ngại các địa phương không cân đối được thu, chi sẽ thực hiện tăng thu phí ở địa phương sai chính sách. Và gánh nặng đó đương nhiên là dồn lên vai người dân.
Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính cho biết, 10 năm trở lại đây, Việt Nam vay mỗi năm khoảng 4 - 5 tỷ USD. Nhưng theo tính toán của TS Phạm Thế Anh - Trưởng bộ môn Kinh tế vĩ mô, Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội thì nợ công hiện nay của Việt Nam là gần 64% GDP (tức khoảng trên 90 tỷ USD). Chỉ tính sơ bộ, khoảng gần một nửa, tức hơn 45 tỷ USD vay trong nước với lãi suất trung bình 9 - 10%/năm thì mỗi năm phải bỏ ra khoảng 4 - 5 tỷ USD trả lãi. Khoảng 45 tỷ USD vay nước ngoài, lãi suất trung bình 2,5%/năm thì mỗi năm cần trên 1 tỷ USD nữa trả lãi. Như vậy, chưa tính trả gốc, riêng tiền trả lãi trung bình đã cần khoảng 6 tỷ USD/năm.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần