Hôm nay, 20/2, Hội nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (T.Ư MTTQ) Việt Nam lần thứ ba, khóa X đã chia tổ thảo luận vào những nội dung quan trọng: dự thảo Quy chế hoạt động của Ủy ban T.Ư, Đoàn Chủ tịch, Ban Thường trực Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam khóa X, nhiệm kỳ 2024-2029; dự thảo Chương trình làm việc toàn khóa của Đoàn Chủ tịch và Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam khóa X, nhiệm kỳ 2024-2029; phản ánh ý kiến, kiến nghị của các tầng lớp Nhân dân.
Chủ trì Tổ thảo luận số 1, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy MTTQ, các đoàn thể T.Ư, Phó Chủ tịch-Tổng Thư ký Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà nhấn mạnh, qua việc chia các tổ thảo luận, Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam kỳ vọng các đại biểu sẽ có những “hiến kế” việc Mặt trận tham gia thực hiện hai nội dung quan trọng là triển khai thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Trong đó, tập trung vào vai trò của Mặt trận tham gia vào thực hiện Nghị quyết, việc Mặt trận vận động Nhân dân tiến công vào KHCN, việc tổ chức triển khai thực hiện Kết luận số 123-KL/TW ngày 24/1/2025 của Ban Chấp hành T.Ư Đảng về Đề án bổ sung về phát triển KT-XH năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên…

Tạo động lực đưa đất nước phát triển bền vững
Đáng chú ý, góp ý vào dự thảo chương trình làm việc toàn khóa, ông Nguyễn Văn Phúc- nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Phó Tổng Thư ký Hội kinh tế Môi trường nhận định: Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam là kênh nói lên tiếng nói của Nhân dân, nên trong chương trình làm việc toàn khóa của Đoàn Chủ tịch và Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam khóa X, nhiệm kỳ 2024-2029, việc tổ chức các hội nghị cần được tiến hành trước mỗi kỳ họp Quốc hội, để tiếng nói của Mặt trận được kịp thời phản ánh tới Quốc hội.
Liên quan nội dung phát triển KT-XH năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên, ông Nguyễn Văn Phúc cho rằng, Ban Chấp hành T.Ư, Bộ Chính trị đã đưa chống lãng phí là nội dung quan trọng cùng với chống tham nhũng, trong nhiệm kỳ này, nếu Mặt trận huy động toàn dân tham gia công cuộc chống lãng phí thì việc đạt mục tiêu tăng trưởng 8% và hướng tới mức tăng trưởng 2 con số là trong tầm tay.
“Cùng với kinh tế nhà nước thì kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất trong thúc đẩy tăng trưởng đạt 8%. Trong nhiệm kỳ này, Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam nên bổ sung, giao cho Liên đoàn TM&CN Việt Nam làm nòng cốt cùng với các hội kinh tế để huy động nguồn lực thực hiện được mức tăng trưởng mà Quốc hội đề ra, góp phần tạo động lực đưa đất nước phát triển bền vững”- ông Nguyễn Văn Phúc kiến nghị.
Góp ý kiến vào việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW, ông Nguyễn Quang Huân- Chủ tịch HĐQT Công ty CP Halcom Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội nước sạch và Môi trường Việt Nam, Đại biểu Quốc hội khóa XV cho rằng, Nghị quyết 57-NQ/TW ra đời không chỉ tạo cảm hứng cho các nhà khoa học, doanh nghiệp (DN) mà còn mở ra hướng đột phá cho KHCN.

“Đứng trước làn sóng KHCN, trí tuệ nhân tạo, công nghệ điện tử, công nghệ sinh học, nếu không nắm bắt được, đất nước sẽ tụt hậu; nhưng nếu nắm bắt được thì chúng ta sẽ trở thành một trong những quốc gia phát triển trên thế giới. Việt Nam đang đứng trước cơ hội đón làn sóng công nghệ, Quốc hội cũng đã có nghị quyết, do đó Mặt trận cần nắm bắt, tham gia vào nội dung này thông qua việc ra lời kêu gọi toàn dân thi đua, tham gia vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”- ông Nguyễn Quang Huân bày tỏ.
Cũng theo đại biểu này, nhiệm vụ của MTTQ Việt Nam bên cạnh phát huy tốt vai trò nòng cốt của Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam, cần tăng cường công tác giám sát, phản biện xã hội. Nếu tổ chức được các đoàn giám sát đi xuống cơ sở, sẽ nắm bắt được tâm tư nguyện vọng của các nhà khoa học để có kiến nghị tháo gỡ những khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà khoa học, DN có những đột phá trong phát triển KHCN.
“MTTQ cần có chương trình giám sát vấn đề môi trường và xã hội, nhằm bảo đảm tăng trưởng bền vững, không đánh đổi môi trường, không tạo ra khoảng cách giàu nghèo, không làm nảy sinh nhiều vấn đề xã hội” - ông Nguyễn Quang Huân nêu ý kiến.
Quan tâm bảo đảm an toàn cho người dân trên không gian mạng
Tại phiên thảo luận, đáng chú ý, đề cập vấn đề các DN nên vào cuộc như thế nào để phát triển KT-XH năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên, PGS.TS Đậu Xuân Cảnh- Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam đề nghị tập trung phát triển lĩnh vực y tế, giáo dục và văn hóa, vì đây là một trong những lĩnh vực nếu được đầu tư sẽ thu hút được nguồn lực từ nước ngoài đến Việt Nam và trở thành một trong những mũi nhọn về phát triển KT-XH của đất nước thời gian tới.
Từ góc độ người làm trong lĩnh vực y tế, ông Cảnh nhận định, đội ngũ y, bác sĩ Việt Nam đã có nhiều thành tích được thế giới ghi nhận, nên cần tập trung phát triển mô hình du lịch kết hợp khám, chữa bệnh để vừa quảng bá văn hóa vừa tạo nguồn lực để phát triển KT-XH thời gian tới.
“Để phát triển kinh tế, chúng ta cần tạo được sản phẩm mũi nhọn trong lĩnh vực nông nghiệp, đầu tư để có những sản phẩm có chứng nhận thực sự an toàn và tạo được sự tín nhiệm trên thế giới. Làm được như vậy, chúng ta mới vững vàng hội nhập với thế giới trong giai đoạn hiện nay”- PGS.TS Đậu Xuân Cảnh kiến nghị.

Cùng về nội dung Nghị quyết 57-NQ/TW, GS.TS. Viện sĩ danh dự Nguyễn Văn Đệ- Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam cho rằng, việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết này mang ý nghĩa rất đặc biệt, bởi phát triển phát triển KHCN sẽ thúc đẩy tăng năng suất lao động, tạo việc làm mới, từ đó tạo động lực giúp chúng ta thoát khỏi “bẫy thu nhập trung bình”.
Đại biểu này cũng kiến nghị Nhà nước quan tâm đầu tư, hoàn thiện hệ thống hạ tầng cho KHCN, lựa chọn lĩnh vực đầu tư và đầu tư trọng điểm vào các các ngành như y tế, giáo dục đào tạo, chuyển đổi số quốc gia.
Cùng đó, đề cập tới mức tăng trưởng về KT-XH trong thời gian tới, ông Đệ kiến nghị, trong các báo cáo về chỉ tiêu phát triển KT-XH hàng năm cần tách chỉ tiêu tăng trưởng của DN tại các địa phương, làm rõ những đóng góp của họ đối với việc thu hút nguồn lao động trên địa bàn và đóng góp nguồn lực vào sự phát triển kinh tế tại địa phương. Từ đó, phân tích những lợi thế và bất cập để tạo điều kiện cho các DN tháo gỡ những vướng mắc về chính sách, thủ tục đầu tư…
Cũng theo GS.TS Nguyễn Văn Đệ, cần tăng cường hiệu quả hoạt động của các vị Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam để mỗi người tiếp cận gần hơn, lắng nghe tập hợp nhiều hơn nữa, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân, DN trên địa bàn.
Đáng chú ý, bà Lồ Lài Sửu - cá nhân tiêu biểu dân tộc Bố Y, nghệ nhân ưu tú dân tộc Bố Y, xã Thanh Bình, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai bày tỏ, việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW có ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân. Thực tế tại những khu vực vùng sâu, vùng xa, những tiến bộ của KHCN, chuyển đổi số với mạng 5G, 6G đã góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong thông tin liên lạc, thực hiện các giao dịch.

Tuy nhiên, “còn tình trạng người dân bị các đối tượng xấu lợi dụng internet, mạng điện thoại mạo danh công an để lừa đảo. Có người bị lừa mất cả tiền tỷ, người ít mất cả chục triệu, nhiều gia đình rơi vào cảnh “sống dở, chết dở”. Đề nghị đảng, Nhà nước trong thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW về phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia quan tâm giữ việc gìn an ninh trật tự nhất là bảo đảm an toàn trên không gian mạng”- bà Sửu kiến nghị.
Đại biểu này cũng mong muốn Đảng, Nhà nước trong thực hiện các chính sách phát triển KT-XH tiếp tục quan tâm đến chính sách dân tộc; cùng với chính sách hỗ trợ về phát triển KT-XH thì cần quan tâm nhiều hơn đến giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, nhất là giữ gìn tiếng nói, chữ viết của đồng bào các dân tộc.
Tiếp thu ý kiến thảo luận của đại biểu, Phó Chủ tịch-Tổng Thư ký Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà đề nghị Tổ thư ký và các ban chuyên môn tập hợp đầy đủ để báo cáo tại Hội nghị Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam lần thứ ba.
Nhấn mạnh những ý kiến xác đáng, thiết thực tại các tổ thảo luận một lần nữa khẳng định vai trò của Ủy viên Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam khóa X, bà Nguyễn Thị Thu Hà cho rằng, cùng với sự tham gia của các Ủy viên Ủy ban, thành viên các Hội đồng Tư vấn sẽ nâng cao hơn ý kiến, kiến nghị của MTTQ Việt Nam gửi tới Đảng, Nhà nước và các cơ quan có thẩm quyền.