“Hiến kế” để Tây Hồ thành điểm đến của du khách
Giầu tiềm năng
Quận Tây Hồ có hồ Tây với diện tích khoảng 526 ha, được đánh giá có cảnh quan thiên nhiên đẹp, nhiều làng nghề thủ công truyền thống. Không chỉ có vậy trên địa bàn quận còn có 71 di tích lịch sử văn hóa đã được xếp hạng cấp quốc gia, cấp TP. Nhiều di tích, danh thắng của Tây Hồ đang được các công ty du lịch đưa vào tour tham quan Hà Nội như chùa Trấn Quốc, Kim Liên, phủ Tây Hồ...
Không chỉ có vậy, Tây Hồ còn nổi tiếng là địa phương với nhiều làng hoa trở thành điểm tham quan, chụp ảnh của du khách như thung lũng hoa hồ Tây, không gian văn hóa sáng tạo hồ Tây với nhiều hoạt động du lịch đêm. Trên địa bàn quận đã hình thành các điểm vui chơi, ẩm thực, mua sắm và cơ sở lưu trú 5 sao, như Công viên nước Hồ Tây, Trung tâm thương mại Lotte...

Đánh giá tiềm năng, lợi thế của du lịch quận Tây Hồ, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu cho biết, khu vực xung quanh Hồ Tây với lịch sử lâu đời đã hình thành nên nhiều nghề thủ công truyền thống, với đậm đặc di tích lịch sử, cùng với hệ thống hạ tầng kỹ thuật được thành phố quan tâm đầu tư đã góp phần nâng cao giá trị, tạo cho Tây Hồ trở thành một danh thắng nổi bật nhất của Thủ đô.
Thông tin từ Sở Du lịch Hà Nội cho thấy, đến nay trên địa bàn quận có 126 cơ sở lưu trú với 5.157 phòng chiếm 3,4% tổng số cơ sở lưu trú trên địa bàn TP. Không dừng ở đó hiện một số nhà đầu tư đang triển khai 4 dự án khách sạn 5 sao, 1 dự án khách sạn 3 sao.

Đặc biệt, thời gian tới khu vực Hồ Tây sẽ có 12 loại hình dịch vụ được phép hoạt động. Đó là kinh doanh tàu du lịch, thuyền, xuồng canô, xe đạp nước trên hồ, dịch vụ bơi thuyền, khinh khí cầu, bay dù lượn, sân tập golf nước trên hồ. “Đây là cơ hội rất thuận lợi để quận Tây Hồ có thể phát triển da dạng các loại hình dịch vụ, vui chơi giải trí bổ trợ cho các sản phẩm dịch vụ truyền thống”-ông Hiếu nhấn mạnh.
Cần những cái “bắt tay” chặt chẽ
Theo các chuyên gia, là địa phương có nhiều tiềm năng phát triển du lịch, nhưng để làm được điều này đòi hỏi địa phương “bắt tay” chặt chẽ với doanh nghiệp trong quá trình khai thác điểm đến, xây dựng tour.
Gợi ý phát triển du lịch Tây Hồ trong thời gian tới Chủ tịch Hiệp hội Unesco TP. Hà Nội Trương Minh Tiến nêu rõ đây là quận duy nhất của TP Hà Nội bảo tồn những đầm sen giữa lòng thành phố, cùng nhiều di tích thắng cảnh nổi tiếng được công nhận là điểm du lịch cấp thành phố, quận Tây Hồ nên mở rộng diện tích trồng sen, tăng cường liên kết các điểm du lịch gắn với sen Hà Nội từ đó xây dựng tour sen đặc trưng.

"Hiến kế” cho du lịch Tây Hồ nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch, Chi hội trưởng Chi hội Du lịch Xanh Việt Nam, Phùng Quang Thắng cho rằng, so với những quận khác của Thủ đô, Tây Hồ có ưu thế phát triển du lịch thiên nhiên văn hóa. Nhưng để khai thác du lịch đòi hỏi chính quyền địa phương quan tâm nhiều hơn đến việc cải tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp.
Cũng theo ông Thắng, các di tích trên địa bàn quận Tây Hồ rất độc đáo, nhưng để trở thành sản phẩm du lịch phải có thêm dịch vụ du lịch hấp dẫn. “Quận Tây Hồ nên quy hoạch các điểm đỗ xe quy mô lớn ở các khu, điểm du lịch phục vụ các đoàn du khách số lượng lớn. Cùng với đó, nâng cao chất lượng đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh viên tại điểm”, ông Thắng đề xuất.

Dưới góc độ doanh nghiệp du lịch, Giám đốc Công ty Lữ hành VietFoot Travel Phạm Duy Nghĩa và các doanh nghiệp có chung phản ánh, các điểm đến trên địa bàn quận chưa được đầu tư sâu vào chất lượng dịch vụ. Đồng thời chưa chú trọng xây dựng mối liên kết với doanh nghiệp du lịch. Vì vậy muốn thu hút khách đòi hỏi cái “bắt tay” chặt chẽ giữa điểm đến với doanh nghiệp.
“Để hút khách đến với Tây Hồ đòi hỏi chính quyền địa phương kêu gọi doanh nghiệp có tiềm lực kinh tế đầu tư chuyên sâu sản phẩm, dịch vụ du lịch chất lượng cao để tạo điểm nhấn hút khách”, ông Nghĩa hiến kế.
Tương tự, Viện trưởng Viện Phát triển Du lịch Châu Á Phạm Hải Quỳnh cho rằng, Tây Hồ hoàn thiện sản phẩm, dịch vụ thật chỉn chu và kết nối chặt chẽ với các doanh nghiệp lữ hành.

“Chính quyền quận Tây Hồ có thể kết nối ngay các hộ có nghề truyền thống, hộ kinh doanh, khu, điểm, ban quản lý các di tích với doanh nghiệp lữ hành để đưa vào City tour. Khi doanh nghiệpvà người dân được hưởng lợi thì những giá trị truyền thống đặc sắc mới được bảo vệ và tạo đòn bẩy cho du lịch ngày càng phát triển”, ông Quỳnh nhấn mạnh.
Trước những ý kiến đóng góp của các đại biểu, Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Bùi Thị Lan Phương cho biết, quận đã xây dựng kế hoạch phát triển văn hóa, du lịch trên địa bàn để sớm hiện thực hóa việc đưa Tây Hồ trở thành một trong những trung tâm du lịch lớn của Thủ đô.
Hiện, Quận đang làm hồ sơ đề nghị công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia cho nghề ướp trà sen Tây Hồ. Đồng thời, đã có đề án mở rộng vùng trồng sen quanh năm lên 25 ha để du khách đến Tây Hồ từ tháng 1 đến tháng 12 đều có thể thưởng lãm vẻ đẹp, hoa sen, thưởng thức và mua sắm các sản phẩm từ sen.

Độc đáo cuộc thi cắm sen nghệ thuật quận Tây Hồ năm 2024
Kinhtedothi – Hoà trong không khí Lễ hội Sen Hà Nội & giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh miền núi phía Bắc năm 2024, ngày 12/7, UBND quận Tây Hồ đã tổ chức cuộc thi cắm sen nghệ thuật với chủ đề “Dáng sen Tây Hồ”.

Độc đáo Lễ hội Sen lần đầu tiên tổ chức tại Hà Nội
Kinhtedothi – Tối 12/7, tại Không gian Văn hóa sáng tạo Tây Hồ, Sở NN&PTNT Hà Nội phối hợp với UBND quận Tây Hồ và Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Hà Nội khai mạc “Lễ hội Sen Hà Nội và giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hoá các tỉnh miền núi phía Bắc” năm 2024.

Ngắm bức tranh Liên hoa tịnh cảnh trưng bày tại lễ hội Sen Hà Nội 2024
Kinhtedothi - Lễ hội Sen Hà Nội năm 2024 lần đầu tiên được tổ chức tại không gian Văn hóa sáng tạo Tây Hồ (Hà Nội) từ ngày 12 đến ngày 16/7/2024. Lễ hội giới thiệu nhiều sản phẩm từ sen, các sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh miền núi phía Bắc...