Hiến kế phát triển văn hóa

Quang Huy ghi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thông qua những trao đổi của các nhà quản lý, chuyên gia tại Hội thảo Văn hóa 2022 có thể thấy, đôi khi chỉ cần một cách tiếp cận hợp lý, một thể chế mới, một nguồn lực mới, công nghiệp văn hóa sẽ tìm thấy thị trường và văn hóa sẽ được bảo tồn, phát triển.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan: Nông thôn là không gian văn hóa cần bảo tồn

10 năm triển khai, Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được đánh giá đã đạt được thành tựu to lớn, toàn diện và có tính lịch sử. Bộ mặt nông thôn ngày càng khang trang, tiện ích xã hội được nâng lên, thu nhập người dân dần cải thiện.

Hiến kế phát triển văn hóa - Ảnh 1

Bên cạnh những xã nông thôn mới tạo dựng được cốt mới, nhưng vẫn giữ được hồn cũ; nhiều nơi được hiện đại hơn, nhưng dường như thô ráp, vô hồn vì những khối bê tông đồng phục hóa. Nhiều công trình hoành tráng lạc lõng với khung cảnh làng quê; những hàng cây xanh, lũy tre làng bị thay thế một cách khiên cưỡng, làm mất đi hình ảnh nông thôn sinh thái. Đặc biệt, hàng xóm, láng giềng tối lửa tắt đèn có nhau dần chỉ còn trong những câu chuyện kể. Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh trong Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021: “Nhiều di sản văn hóa quý báu của dân tộc có nguy cơ bị xuống cấp, mai một, thậm chí bị tiêu vong”.

Nông thôn không chỉ là nơi sản xuất nông nghiệp, mà còn là nơi cân bằng cảm xúc; là không gian mở, con người sống hài hòa với nhau, hài hòa với môi trường thiên nhiên. Nông thôn không chỉ là nơi diễn ra hoạt động kinh tế mà còn là không gian văn hóa, bao gồm vật thể và phi vật thể. Vì vậy, xây dựng nông thôn mới không chỉ là đầu tư hạ tầng, mà là vun đắp tinh thần con người. Mọi cư dân nông thôn cần được giới thiệu, tìm hiểu cái hay, cái đẹp của văn hóa địa phương, cảm nhận, tự hào về ý nghĩa tốt đẹp, nhân văn của các phong tục, lễ hội truyền thống.

Để các danh hiệu văn hóa đi vào thực chất, biến thành nguồn lực, nguồn vốn phục vụ phát triển, cần có Chương trình mục tiêu Quốc gia về “Gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa nông thôn trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Qua đó, cụ thể hóa Luật Di sản Văn hóa, thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021 và huy động sức mạnh, nguồn lực xã hội cùng tham gia hành động vì một Việt Nam hùng cường, giàu bản sắc.

Cùng với đó, cần có những giáo trình giảng dạy văn hóa nông thôn trong các đoàn thể, tổ chức xã hội; chú trọng nhóm đối tượng là học sinh từ những bậc học đầu tiên vì đây là thế hệ tiếp nối, giữ gìn cho dòng chảy liên tục văn hóa dân tộc. Đặc biệt là cần có những tiêu chí về văn hóa nông thôn thực chất có thể đo lường được, tránh bệnh thành tích trong bình xét các danh hiệu văn hóa và trao quyền cho người dân trong sứ mạng giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam Nguyễn Thị Phương Châm: Cần chính sách linh hoạt khi áp dụng mô hình xây dựng nông thôn mới

Qua thực tế nghiên cứu có thể nhận thấy rõ những hạn chế trong việc áp dụng một Bộ tiêu chí nông thôn mới chung cho cả nước, cho tất cả các cộng đồng, cho tất cả các tộc người. Việc chưa thực sự linh hoạt so với các đặc

Hiến kế phát triển văn hóa - Ảnh 2

trưng văn hóa địa phương, tri thức của các cộng đồng tộc, người địa phương dẫn tới nhiều bất cập. Đơn cử, khi áp dụng tiêu chí nhà ở 3 cứng (tường cứng, mái cứng, sàn cứng) do Bộ Xây dựng và Chương trình nông thôn mới đưa ra, các ngôi nhà truyền thống mang theo tất cả những tri thức bản địa, tri thức dân gian của các tộc người có nguy cơ biến mất dần. Và người dân sẽ cũng sẽ tự ti với những vấn đề được đặt ra như hiện đại, văn minh. Họ cho rằng, ngôi nhà của mình không còn đáp ứng được tiêu chí về văn minh và hiện đại nữa.

Trong khi đó, ngôi nhà Trình Tường là nơi ở ấm vào mùa Đông, mát về mùa Hè và gắn kết những tri thức liên quan đến thờ cúng, liên quan đến văn hóa nhưng dần dần sẽ bị phá bỏ bởi không phù hợp với các tiêu chí. Bên cạnh đó, để đáp ứng tiêu chí sáng, xanh, sạch, đẹp ở trong Chương trình xây dựng nông thôn, nhiều bức tường đá ở vùng nông thôn rất đẹp bị phá bỏ hoặc sơn chồng lên các màu sáng.

Do đó, việc chúng ta áp dụng một mô hình, một Bộ tiêu chí cho tất cả địa phương, vùng miền sẽ dẫn tới nguy cơ khiến các hệ thống tri thức bản địa, tri thức địa phương của một số vùng, dân tộc thiểu số và các địa phương bị mất đi. Đây là một điều rất đáng tiếc khi nhìn về văn hóa nông thôn, văn hóa các cộng đồng thiểu số.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê K’đăm: Văn hóa các dân tộc thiểu số đứng trước nhiều thách thức

Trong sự nghiệp đổi mới, Đảng ta luôn coi trọng vị trí, vai trò của văn hóa, khẳng định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là sức mạnh nội sinh cho sự phát triển. Chủ trương bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) được thể hiện rõ trong các quan điểm, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Hiến kế phát triển văn hóa - Ảnh 3

Việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các DTTS đã góp phần chấn hưng, quảng bá, phục hồi và phát huy giá trị văn hóa các cộng đồng DTTS. Tính hiệu quả trong bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đã tạo nên hiệu quả quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, hình thành tư tưởng, tình cảm trong đời sống tinh thần của các DTTS và góp phần vào sự phát triển chung của địa phương, vùng và đất nước.

Tuy nhiên, văn hóa các DTTS ở nước ta cũng đang đứng trước những biến đổi rất sâu sắc, bị mai một, lai căng, mất dần bản sắc, đặt ra những thách thức to lớn trong bảo tồn và phát huy giá trị. Trước hết, đó là sự mai một, biến mất của một số thành tố vốn là bản sắc văn hóa tộc người. Quá trình tiếp biến văn hóa đã làm xuất hiện quan niệm, lối sống và nhiều yếu tố văn hóa lai căng, không lành mạnh trong các DTTS, đặc biệt là ở giới trẻ.

Công tác thực hiện, đánh giá chính sách bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các DTTS còn nhiều hạn chế. Tại các địa phương, một số cấp ủy, chính quyền địa phương nhận thức quan điểm, nhiệm vụ và giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các DTTS còn chưa đầy đủ, chưa tương xứng với phát triển kinh tế - chính trị. Công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa chưa thực sự trở thành nguồn lực, động lực nội sinh, tiềm năng, lợi thế của đồng bào DTTS đóng góp cho sự phát triển của đất nước.

Vì vậy, cần tiếp tục đổi mới nhận thức trong công tác hoạch định chính sách bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa các DTTS. Rà soát văn bản, thể chế hóa các chủ trương của Đảng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước về bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cộng đồng DTTS. Nâng cao chất lượng công tác quản lý Nhà nước trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa DTTS, quan tâm bố trí đủ nguồn lực cho các chương trình, dự án, đề án, nghiên cứu khoa học về bảo tồn văn hóa và nâng cao hiệu quả công tác quản lý văn hóa vùng DTTS. Đổi mới tư duy, nâng cao chất lượng chính sách bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các DTTS gắn kết với các chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS.

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Duy Đông: Xem xét thí điểm đầu tư theo phương thức PPP trong lĩnh vực văn hóa

Giai đoạn 2021 - 2025, chúng ta đầu tư khoảng 66.500 tỷ đồng tính trên tổng số 2.875.000 tỷ đồng của vốn ngân sách đầu tư giai đoạn 2021 – 2025, chiếm khoảng 2%. Tính toán như vậy, chúng tôi thấy rằng, cũng cơ bản đáp ứng được theo chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030, tức là chiếm khoảng 2% tổng chi đầu tư.

Hiến kế phát triển văn hóa - Ảnh 4

Tuy nhiên, nguồn vốn này mới chỉ là nguồn vốn mồi và nhu cầu đầu tư cho văn hóa rất lớn. Bởi, văn hóa là một lĩnh vực bao trùm rất rộng nên cần tiếp tục có cơ chế chính sách để phát huy nguồn lực xã hội hóa, đầu tư cho nhiều lĩnh vực khác ngoài các lĩnh vực đã được đầu tư của ngân sách Nhà nước. Đồng thời, nguồn lực ngân sách Nhà nước hạn hẹp thì chúng ta tiếp tục rà soát để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm cho các công trình quốc gia và khu vực tư nhân không đầu tư.

Khi ban hành Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), chúng ta không đưa lĩnh vực văn hóa vào trong lĩnh vực hợp tác công tư vì khi Chính phủ rà soát năm 2019, chúng tôi thấy rằng, không có dự án nào trong lĩnh vực văn hóa hoạt động PPP. Mặt khác, chúng tôi đã rà soát và nhận thấy các nhà đầu tư khi đầu tư vào một dự án PPP họ phải thu hồi được lại lợi nhuận, do đó các công trình văn hóa cũng phải rà soát để đảm bảo là thu hồi được nguồn vốn. Bên cạnh đó, chúng ta phải đảm bảo một điều kiện là lĩnh vực đầu tư văn hóa, đặc biệt đối với nhà đầu tư nước ngoài phải đảm bảo đây là việc đầu tư có điều kiện. Tức là phải đảm bảo tính thuần phong, mỹ tục cũng như đảm bảo được không xung đột với giá trị văn hóa truyền thống. Do vậy, sau khi chúng tôi đánh giá và tham khảo, nhận tham mưu của các công ty tư vấn, nhà đầu tư thì thời điểm đó kiến nghị chưa đưa vào.
Nhưng chúng tôi cũng nhận thấy rằng, Luật pháp không bao giờ có thể phản ánh được hết thực tiễn và thực tiễn thay đổi liên tục. Qua các đề xuất của TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và Thừa Thiên Huế thời gian gần đây, chúng tôi nhận thấy phải nghiên cứu để báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét có thể triển khai thí điểm mô hình đối tác PPP trong lĩnh vực văn hóa.

Chúng tôi thấy rằng, lĩnh vực PPP có thể thực hiện được trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa, theo chiến lược văn hóa của chúng ta. Ví dụ như công nghiệp điện ảnh, công nghiệp âm nhạc, công nghiệp thời trang… Bộ KH&ĐT sẽ báo cáo Chính phủ; Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội xem xét trước mắt có thể thí điểm PPP trong lĩnh vực đó và có thể thí điểm ngay với TP Hồ Chí Minh. Bởi hiện nay, TP Hồ Chí Minh đang đề xuất thực hiện thí điểm ở lĩnh vực văn hóa. Chúng tôi sẽ rà soát cùng TP Hồ Chí Minh và các bộ, ngành để đảm bảo là các dự án đó khả thi trong thực tiễn và đảm bảo không xung đột về giá trị văn hóa.

Giám đốc Sở VH&TT Thừa Thiên Huế Phan Thanh Hải: Dùng quỹ bảo tồn di sản để đưa cổ vật hồi hương

Ngày 10/12/2019, Bộ Chính trị quyết định về việc xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Để trở thành TP trực thuộc T.Ư trên nền tảng của di sản văn hóa và bảo vệ bản sắc văn hóa Huế, ngày 13/11/2021, Quốc hội có Nghị quyết số 38 về việc cho phép Thừa Thiên Huế thực hiện thí nghiệm một số cơ chế, chính sách đặc thù.

Hiến kế phát triển văn hóa - Ảnh 5

Trong một nhóm gồm 6 cơ chế, chính sách phải đề cập đến việc cho phép Thừa Thiên Huế giữ lại toàn bộ nguồn thu từ phí tham quan để thực hiện việc trùng tu, bảo vệ di sản và cho phép thành lập Quỹ Bảo tồn di sản văn hóa Huế. Đây là quỹ do Chính phủ thành lập nhưng giao cho Thừa Thiên Huế quản lý, sử dụng quỹ này thì có thể được sử dụng trực tiếp cho việc trùng tu, bảo tồn, phát huy giá trị các di sản đặc thù của cố đô Huế. Có thể nói, đây là chính sách rất kịp thời.

Bởi, trước đây có địa phương hứa hỗ trợ hàng chục tỷ đồng cho Thừa Thiên Huế nhưng cuối cùng không thực hiện được. Câu chuyện này hiện nay đã được giải quyết khi tỉnh được thí điểm cơ chế đặc thù, các nguồn hỗ trợ được phép tiếp nhận.

Vừa qua, tỉnh Thừa Thiên Huế cũng mạnh dạn có văn bản đề xuất Chính phủ cho phép sử dụng khoản tiền trên để hồi hương cổ vật, và trong tương lai Quỹ này có thể được sử dụng linh hoạt cho trùng tu di tích đặc biệt.

Huế còn nghèo, thu ngân sách còn thấp nhưng luôn xem văn hóa di sản là thế mạnh, là động lực; ứng xử với văn hóa di sản luôn được ưu tiên đặc biệt. Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế luôn xem văn hóa di sản là thế mạnh. Ứng xử với văn hóa di sản luôn luôn dành cho sự ưu tiên đặc biệt. HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết hỗ trợ thành lập hệ thống bảo tàng ngoài công lập. Ngành văn hóa thể thao của tỉnh đã triển khai đưa vào áp dụng. Trong thời gian ngắn tỉnh đã thành lập được 5 bảo tàng ngoài công lập. Số bảo tàng ngoài công lập nhiều nhất so với các địa phương và hoạt động rất hiệu quả.

Tổng Giám đốc BHD Ngô Bích Hạnh: Cần xây dựng tổ chức chuyên môn hỗ trợ ngành công nghiệp văn hóa

Sản phẩm công nghiệp văn hóa hầu hết là những sản phẩm, tài sản vô hình, không hữu hình. Trong khi đó, hầu hết ở các quy định pháp luật ở nước ta đều chưa công nhận tài sản vô hình. Nhưng nhiều thể chế, luật của Việt Nam chưa công nhận tài sản vô hình. Ví dụ, DN muốn đi vay tiền cho một bộ phim, tác phẩm nghệ thuật nhưng không thể vay được. Trong khi đó, việc xâm hại bản quyền đôi khi chỉ bị phạt 5 - 10 triệu đồng. Do vậy, Nhà nước cần có các cơ chế để bảo vệ giá trị sản phẩm đối với các DN đầu tư vào các ngành công nghiệp văn hóa.

Hiến kế phát triển văn hóa - Ảnh 6

Bên cạnh đó, để phát triển công nghiệp văn hóa chúng ta cần có nguồn vốn, nguồn lực. Đây cũng là một thành phần của nền kinh tế và mang lại lợi nhuận, đặc biệt là về lĩnh vực sản xuất phim ảnh. Tuy nhiên, hiện thể chế, chính sách pháp luật của Việt Nam chưa có cơ chế hỗ trợ nên vẫn còn rất nhiều khó khăn, bất cập. Lấy ví dụ về việc đi quay 1 bộ phim, đến một địa điểm phải xin 4 lại giấy phép. Như vậy nếu ngày quay 3 - 4 địa điểm thì phải cần đến từ 12 - 16 giấy phép.

Tôi mong muốn Nhà nước xây dựng một tổ chức chuyên môn hỗ trợ trong phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Thành phần có thể gồm Bộ Tài chính, Tổng Cục Thuế, Bộ KH&ĐT để có thể hỗ trợ, đưa ra những chính sách bảo vệ, phát triển công nghiệp văn hóa trong thời gian tới.

Đọc tiếp

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần