Hiện thực hóa giấc mơ gắn kết cộng đồng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những ngày đầu năm 2015 này, tại sân tập thể Bộ Thủy sản (ngõ 20 Nguyễn Công Hoan, Ngọc Khánh, Ba Đình, Hà Nội) có một không khí khác hẳn nhiều khu tập thể khác. Đó là bởi, ở đây đã có một sân chơi đúng nghĩa, rất đông trẻ em, với những tiếng cười lảnh lót, những khuôn mặt bừng sáng.

Cũng từng như… 1001 sân tập thể khác

Sân chung của khu tập thể Bộ Thủy sản từ 20 năm qua luôn có một quán phở hiện hữu. Phần còn lại được dùng làm chỗ để xe của khách và của cư dân tòa nhà. Ngoài ra, để tận dụng, đại diện tổ dân phố trước đây đã nhận trông thêm xe, lấy chút tiền thêm vào chi cho các hoạt động chung. Vì thế, trẻ em trong khu tập thể muốn chơi ở đây thì thường phải chờ đến tối, khi vừa không có quán phở, mà xe cộ thì cũng bớt đi. Nhưng có chơi thì cũng chỉ là vài đứa nhỏ đạp xe, vài đứa đánh cầu lông trong ánh sáng mờ mờ hắt vào từ ngọn đèn đường phía xa… Còn hầu hết, bọn trẻ đi học về là ngồi xem tivi, chơi điện tử hay cùng lắm là chạy dọc hành lang. Có đứa còn mang bóng lên đá trên… cầu thang, bởi nếu mang xuống sân, thế nào cũng bị mắng.

Mấy thế hệ trẻ em ở đây đã chơi như thế và các thế hệ bố mẹ cũng chấp nhận điều đó như một lẽ tự nhiên, cũng coi người chủ quán phở như là chủ của cái sân, và cố gắng lâu lâu cho con đi chơi công viên một lần để thưởng cho việc bọn trẻ đã suốt tuần, suốt tháng, suốt năm miệt mài học tập. Trẻ em trong khu tập thể này chưa từng nghĩ sẽ có ngày chúng được chơi xích đu, chơi cầu trượt, được đánh cầu lông, đá bóng hàng ngày, ngay trong cái sân tập thể đó mà không bị ai đuổi, không bị ai mắng. Hơn thế nữa, để có chỗ chơi cho trẻ, chính bố mẹ, ông bà, những người hàng xóm đã cùng "xúm vào", chung tay tạo dựng nên.
Những đứa trẻ đã được thoải mái chơi đùa ngay trong sân chơi của khu tập thể. 	Ảnh: Mỹ Dung
Những đứa trẻ đã được thoải mái chơi đùa ngay trong sân chơi của khu tập thể. Ảnh: Mỹ Dung

 
Cơ duyên từ một “ngọn lửa”

Cái sự may mắn của bọn trẻ bắt nguồn từ việc bác tổ phó tổ dân phố được mời đi dự Ngày hội Playday - sân chơi trong phố được tổ chức ngày 2/11/2014, tại Câu lạc bộ Mỹ (Hai Bà Trưng, Hà Nội). Tại ngày hội, bác Nguyễn Thị Chí - Tổ phó Tổ dân phố 32 được chứng kiến hàng trăm đứa trẻ đã vô cùng sung sướng chơi với những thiết bị được làm từ các vật liệu giá rẻ hay tái chế như gỗ, lốp xe, thùng các tông. Cũng tại ngày hội này, bác Chí được tiếp xúc với một nhóm các bạn trẻ tình nguyện đang có dự án làm sân chơi giá rẻ cho các khu dân cư, đó là nhóm Think Playgound.

Nhóm Think Playgound đã giúp miễn phí từ khâu khảo sát, thiết kế, thi công và tài trợ một số vật liệu tái chế để làm sân chơi nhỏ trong các khu dân cư. Lúc đầu khi đặt vấn đề cải tạo lại sân chơi, cũng có không ít ý kiến trái chiều. Trước hết, người chủ quán phở muốn được tiếp tục bán phở. Rồi có người lo thiếu chỗ để xe. Có bác lớn tuổi lại muốn chỉ để sân làm nơi đánh cầu lông… Nhưng với sự ủng hộ nhiệt tình của bác tổ trưởng, sau khi họp tổ dân phố, 100% cư dân đã đồng ý lấy lại sân tập thể để làm sân chơi cho trẻ em. Việc thuyết phục chị chủ quán phở cũng không đến nỗi quá khó khăn. Trẻ em là một bộ phận quan trọng nhất của khu dân cư, vì thế không thể "gạt" trẻ nhỏ ra khỏi việc sắp xếp, tính toán khi sử dụng không gian công cộng. 

Vấn đề kinh phí cũng không quá khó khăn vì mọi người đều nhất trí đóng góp một phần để bọn trẻ có được chỗ chơi tiện lợi, an toàn. Ngoài ra, cộng đồng còn huy động thêm được một phần kinh phí do tổ chức HealthBridge tài trợ. Số tiền đóng góp cũng không lớn, có khi chỉ bằng một lần cho con đi chơi cuối tuần. Ai cũng thấy vui vẻ, hài lòng và tự nhiên có cảm giác gắn bó hơn với khu tập thể. Họ bắt đầu cùng nhau bàn bạc, xem làm thế nào để nơi chốn này trở nên đẹp đẽ, khang trang hơn.

Việc khảo sát, thiết kế, lên dự toán kinh phí được nhóm Think Playground làm rất khẩn trương, và việc thi công cũng bắt đầu rất nhanh sau đó, với sự nhiệt tình đặc biệt và rất chuyên nghiệp của tất cả các thành viên cũng như tình nguyện viên của nhóm. Trong những ngày thi công (chỉ vào cuối tuần vì ngày thường các bạn trẻ vẫn phải đi làm), từ bác tổ trưởng, bác tổ phó đến những cư dân khác đều hết sức quan tâm, có điều kiện là xắn tay vào cùng làm. Những đứa trẻ cũng hăng hái tham gia sơn, vẽ.

Sau 3 tuần, sân chơi đã được hoàn thành. Cầu trượt composit gắn trên một con thuyền gỗ; xích đu cũng được treo bằng dây thừng trên những cây cột gỗ; bập bênh gỗ gắn trên những chiếc lốp ô tô cũ. Bên cạnh là bức tường rêu cũ nay đã được vẽ thành một bức tranh vũ trụ bao la, nhờ bàn tay của một họa sĩ tình nguyện. Mảnh sân tập thể, giờ đã trở thành "thiên đường" đối với bọn trẻ. 

Rất cần nhân rộng

KTS Trần Huy Ánh - Hội KTS Việt Nam đánh giá, việc làm của nhóm Think Playground là rất tuyệt vời và đây là một mô hình cần nhân rộng. Không chỉ trẻ em mà cả người lớn, nhất là người già trong TP cũng rất cần có không gian công cộng để nghỉ ngơi, thư giãn và hoạt động thể chất. Vì vậy, TP Hà Nội cần tăng cường công tác quản lý và nâng cấp các vườn hoa sân chơi hiện hữu, ưu tiên sử dụng những diện tích đất công nằm xen kẽ trong các khu dân cư cho việc phát triển vườn hoa, sân chơi, đưa ra những chính sách phù hợp trong giai đoạn trước mắt cũng như lâu dài.

Chiều đến, tại sân tập thể Bộ Thủy sản bây giờ thật náo nhiệt. Các cháu nhỏ sau một ngày học hành căng thẳng ở trường, giờ đây thoải mái vui chơi với cầu trượt, xích đu, bập bênh... Nhờ sự sáng tạo của các KTS, bọn trẻ có thể nghĩ thêm ra đủ các cách chơi như lái tàu, đuổi bắt. Những đứa trẻ có bố mẹ là người bán hàng ở chợ, làm thợ bánh mì, làm đậu phụ, bán hàng nước..., những đứa trẻ chưa từng được biết đến những công viên lớn hay các trung tâm thương mại, bây giờ cũng có thể được vui chơi mà không mất một đồng phí nào.

Chứng kiến niềm vui của bọn trẻ, những bậc ông bà, cha mẹ càng thấy rằng, việc họ quyết định lấy lại cái sân chung để làm sân chơi là đúng đắn và có ý nghĩa.  Nhiều người còn tiếc rẻ, giá như họ làm điều này sớm hơn thì có lẽ, nhiều đứa trẻ đã không phải lớn lên trong không gian tù túng của bốn bức tường với tivi và trò chơi điện tử. 

Không chỉ trẻ con được hưởng lợi. Giờ đây, mỗi sáng hay chiều, các cụ ông, cụ bà trong khu tập thể cũng đã có không gian để chơi cầu lông, tập thể dục ngay trong sân mà không cần phải mạo hiểm đi qua đường đầy xe cộ để đến hồ Ngọc Khánh, hiện đã bị xén gần hết đất để làm cầu vượt. 

Sân chơi này không chỉ là nơi vui chơi của trẻ em mà đã trở thành nơi gắn kết cộng đồng!

 
Think Playgrounds là một nhóm các tình nguyện viên với thành viên chủ yếu là KTS có chung một mong muốn được tạo ra các sân chơi miễn phí cho trẻ em trong TP. Hiện nay, nhóm đã làm hoàn thiện 4 sân chơi ở Hà Nội, 1 sân chơi ở đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi và một số sân chơi đang thực hiện tại Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh theo hình thức phối hợp với các nhóm khác.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần