Các đại biểu tham quan triển lãm bên lề Diễn đàn phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam năm 2020. Ảnh: Công Hùng |
“Make in..." là một sáng kiến xuất phát từ Ấn Độ, khởi xướng vào tháng 9/2014 với mục tiêu nhằm phát triển các sản phẩm nội địa và chuyển Ấn Độ thành một trung tâm sản xuất toàn cầu. Từ khi khởi xướng, sáng kiến “Make In India” đã gặt hái được nhiều thành tựu. Một điểm sáng không thể không kể đến là sản xuất smartphone tại Ấn Độ khi họ đã chiếm 11% sản xuất di động toàn cầu trong năm 2017, vượt qua Việt Nam để trở thành “công xưởng” di động lớn thứ hai thế giới chỉ sau Trung Quốc tính theo sản lượng. Sau Ấn Độ, Trung Quốc năm 2015 đã đưa ra kế hoạch chiến lược “Made in China 2025” với mục tiêu vào năm 2025 có thể tăng tỷ trọng sản phẩm nội địa lên 70% trong một số ngành công nghiệp trọng yếu.Từ cuối năm 2018, Bộ TT&TT đã tính tới việc cần phải có một slogan cho việc phát triển ngành công nghiệp ICT nước nhà. “Made in Vietnam”, mang tính chất là sản xuất ở Việt Nam và không có sự chủ động. Còn thông điệp “Make in Vietnam”, làm tại Việt Nam sẽ hàm nghĩa người Việt Nam chủ động, sáng tạo, thiết kế, tích hợp sản phẩm tại Việt Nam của người Việt Nam và phát triển, đóng góp vào công nghệ, làm chủ và phát triển công nghệ”. Trước chiến lược “Make in Vietnam”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã kêu gọi cộng đồng DN, doanh nhân Việt Nam phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, thể hiện khát vọng xây dựng một nền kinh tế tự cường, chung sức đồng lòng thực hiện sứ mệnh lịch sử quyết không để đất nước chúng ta rơi vào bẫy thu nhập trung bình, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.Và nhìn lại sau một thời gian ngắn những quyết tâm, sự kỳ vọng đó đã và đang nhanh chóng được hiện thực hóa. Chỉ trong một năm 2020 đã có hơn 13.000 DN công nghệ số ra đời, tăng 28%. Việt Nam đã có cộng đồng trên 58.000 DN. Đây là một con số kỷ lục khi bắt đầu triển khai chiến lược “Made in Vietnam”, cơ quan quản lý, cộng đồng DN công nghệ chỉ nghĩ đến con số cao nhất là 6.000 DN một năm. Với kết quả khởi đầu và những cơ hội được nhìn nhận, phân tích, đánh giá cụ thể, mục tiêu 100.000 DN công nghệ số vào năm 2030 có thể đạt được vào năm 2025.Điều đó càng có ý nghĩa hơn khi cộng đồng DN không bị động chờ cơ hội, không chỉ hấp thụ công nghệ mà đã chủ động phát minh, sáng chế công nghệ. Đây cũng được xác định là hướng tất yếu thoát bẫy thu nhập trung bình, đưa Việt Nam trở thành nước phát triển. Thời gian không chờ đợi, cơ hội không tự đến. Với một nước đi sau như Việt Nam chúng ta việc lựa chọn phát triển công nghệ mở, lựa chọn phát triển phần mềm nguồn mở, lựa chọn mở dữ liệu để các cá nhân, DN tham gia sáng tạo giá trị mới còn rất nhiều việc phải làm. Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng với rất nhiều cơ hội chờ đợi, đó là con đường để Việt Nam phát triển thành quốc gia công nghệ, dựa trên và thừa hưởng tri thức nhân loại nhưng cũng đóng góp cho tri thức nhân loại.