Không còn chung chung Cùng với quyết tâm xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng hơn, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế, quyết tâm xây dựng quốc gia khởi nghiệp, trong đó nhân rộng những con người, mô hình khởi nghiệp (star up), Chính phủ cũng đã có những nghị quyết cụ thể. Ngày 18/5, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án: “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”. Trong đó, đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ phải hoàn thiện hệ thống pháp lý hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; Hỗ trợ được 800 dự án, 200 DN khởi nghiệp, trong đó 50 DN gọi được vốn thành công từ các nhà đầu tư mạo hiểm; thực hiện mua bán và sáp nhập, với tổng giá trị ước khoảng 1.000 tỷ đồng…
Hiện cả nước có khoảng nửa triệu DN, tức bình quân gần 200 người dân mới có một DN. Trong khi ở các nước phát triển thì cứ khoảng 15 - 20 người dân có một DN. Đáng lý vấn đề quốc gia khởi nghiệp phải đặt ra từ nhiều năm trước, nhưng với những hoàn cảnh và điều kiện hiện nay, Việt Nam hoàn toàn tin tưởng vào sự bùng nổ động lực khởi nghiệp khi nền kinh tế đang trong quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng và được dự báo sẽ tiếp tục có mức tăng trưởng cao thời gian tới. Một lợi thế khác cần được nhắc tới đó là đội ngũ trí thức trẻ đầy sáng tạo và khát khao lập nghiệp của Việt Nam. Họ có sức trẻ, tài năng lại luôn năng động, đồng thời cũng có khả năng hấp thụ nhanh những kiến thức mới, những xu hướng mới… Thực tế, mỗi năm cả nước có thêm vài chục nghìn DN mới thành lập, với hàng nghìn ý tưởng sáng tạo. Có thể nói, động lực khởi nghiệp đã bùng nổ không chỉ từ nhu cầu mưu sinh, kiếm sống mà còn từ khát khao hoàn thiện bản thân, cống hiến cho đất nước, tạo thêm công ăn việc làm cho xã hội... Việt Nam rõ ràng đang hội tụ rất nhiều vận hội để trở thành quốc gia khởi nghiệp thành công, đồng thời cũng là điểm đến không thể bỏ qua đối với các nhà đầu tư mạo hiểm. Giúp doanh nghiệp nâng sức cạnh tranh
Thống kê mới nhất cho thấy, số lượng DN nhỏ và vừa hiện chiếm trên 90% tổng số DN đang hoạt động và giữ một vị trí không thể thay thế trong phát triển kinh tế cũng như ổn định xã hội. Ở các nước có số lượng DN nhỏ và vừa chiếm đa số trong nền kinh tế như Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore… đều rất quan tâm đến sự phát triển của thành phần kinh tế này. Theo đó, các quốc gia đã đưa ra nhiều loại hình hỗ trợ phát triển DN thông qua việc hình thành các quỹ hoặc cho vay ưu đãi. Đặc biệt, khi thực hiện các hình thức ưu đãi thuế, các quốc gia đều gắn với điều kiện về các tiêu chí thu nhập, công nghệ, giải quyết việc làm… của DN. Chẳng hạn tại Hàn Quốc, mức thuế suất thuế thu nhập DN đối với DN nhỏ và vừa dao động từ 10 - 22% tùy theo mức thu nhập của DN. Ở Pháp, phổ biến là 15%. Với cộng đồng DN Việt Nam, nhất là những DN siêu nhỏ và DN khởi nghiệp, việc giảm thuế, thậm chí miễn thuế cũng không có ý nghĩa mấy bởi nhiều DN hiện đang rất khó khăn. Tuy nhiên, những chính sách khuyến khích, những động thái tích cực trong việc tạo dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế có thể là trụ đỡ giúp tạo niềm tin cho cộng đồng DN để cùng đóng góp cho sự phát triển chung của nền kinh tế. Giải quyết những thách thức của nền kinh tế Nền kinh tế có nhiều thách thức, có thể kể đến ở đây là tình trạng thiếu việc làm đang có nguy cơ ngày một trầm trọng hơn khi mà khối kinh tế Nhà nước đang dần được thu hẹp, trong khi khối kinh tế tư nhân lại chưa phát triển mạnh. Hiện gần 45% lực lượng lao động tại Việt Nam vẫn là ở khu vực nông nghiệp với năng suất chưa cao. Tình trạng cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp cũng cho thấy chúng ta thiếu rất nhiều việc làm ngay cả ở trình độ trung và cao cấp. Lời giải hữu hiệu cho bài toán này chính là phải phát triển được đội ngũ DN, doanh nhân bằng cách thổi bùng ngọn lửa tinh thần quốc gia khởi nghiệp. Tập trung thúc đẩy người dân mở DN, đồng thời hỗ trợ những DN này phát triển trở thành những DN mạnh, từ đó, tạo thêm nhiều động lực phát triển chung cho cả nền kinh tế và tất nhiên cũng tạo thêm nhiều việc làm. Không chỉ có vậy, là nòng cốt trong phong trào khởi nghiệp, các DN khởi nghiệp sáng tạo còn là động lực quan trọng thúc đẩy sự đổi mới sáng tạo trong toàn xã hội. Bởi khác với các DN khởi nghiệp “truyền thống”, DN startup thường là những DN ứng dụng hoặc sáng tạo khoa học – công nghệ ở mức độ cao, có mô hình kinh doanh tương đối mới và quan trọng nhất là có tiềm năng tăng trưởng rất nhanh. Cũng vì vậy, sự phát triển của các DN startup sẽ là bước đột phá và làm nên sự thay đổi lớn trong xã hội, tạo ra những cách tiêu dùng mới hoặc thị trường mới, đồng thời giúp tăng năng suất lao động, tạo thêm nhiều việc làm. Thêm nữa, vì đặc điểm sử dụng công nghệ làm nguồn lực bứt phá, DN startup vì thế cũng tạo ra nền tảng quan trọng để phát triển khoa học – công nghệ cho đất nước. Từ những thực tế và xu hướng trên có thể khẳng định, hình thành quốc gia khởi nghiệp, trong đó tập trung vào khởi nghiệp sáng tạo – startup đã không phải một sự lựa chọn mà là tình thế bắt buộc nền kinh tế Việt Nam hướng đến trong những năm tới.
Vận hành thiết bị dán linh kiện tự động tại Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông. Ảnh: Công Hùng |
Nghị quyết số 35/NQ - CP về hỗ trợ và phát triển DN, Chính phủ đặt mục tiêu tới năm 2020 cả nước có ít nhất 1 triệu DN hoạt động. Nghị quyết này nhấn mạnh vấn đề phải tạo dựng môi trường thuận lợi để hỗ trợ DN khởi nghiệp, DN đổi mới sáng tạo, với những giải pháp rất cụ thể được giao cho các bộ, ngành. |
Mặc dù hiện nay chưa có một định nghĩa rõ ràng về DN khởi nghiệp nhưng về cơ bản đây là một tổ chức nhằm cung cấp sản phẩm và dịch vụ trong điều kiện không chắc chắn nhưng vẫn góp phần tạo ra tăng trưởng kinh tế. Nên ở một góc độ nào đó DN khởi nghiệp cũng tham gia vào việc phát triển kinh tế - xã hội. TS Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế T.Ư |