Tham dự Lễ kỷ niệm có Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các ban, bộ, ngành, các cán bộ thành viên Đoàn đàm phán, cán bộ tham gia đấu tranh ngoại giao tại Hội nghị Paris và đông đảo các đại biểu trong nước và quốc tế.
Bài học quý báu cho ngoại giao hiện đại
Trong diễn văn kỷ niệm tại buổi Lễ, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh việc ký Hiệp định Paris là sự kiện có ý nghĩa lịch sử, tạo nên cục diện thuận lợi để toàn quân, toàn dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng tiến lên giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, mở ra kỷ nguyên hòa bình, độc lập, thống nhất và phát triển ở Việt Nam. Ngoại giao đã trở thành một mặt trận tiến công, kết hợp nhuần nhuyễn và chặt chẽ với mặt trận chính trị, quân sự thể hiện sáng ngời bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam, thấm đượm tư tưởng, phong cách và nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh.
Chiến thắng của Nhân dân Việt Nam tại Hội nghị Paris cũng như trong đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước cũng là chiến thắng của nhân dân thế giới, là niềm cổ vũ lớn lao cho các dân tộc và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới vững tin vào chiến thắng của chính nghĩa, đạo lý và công lý.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh quá trình đàm phán, ký kết và thực thi Hiệp định Paris là một pho sách vô cùng quý báu về đối ngoại và trường phái ngoại giao Việt Nam với nhiều bài học phong phú và mãi còn nguyên giá trị, trong đó nổi bật là những bài học về độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường, vì lợi ích quốc gia – dân tộc; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; kiên định nguyên tắc nhưng linh hoạt trong sách lược theo phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến”.
"Từ sự kế thừa, vận dụng sáng tạo và phát huy những bài học lịch sử quý báu từ Hội nghị Paris, Việt Nam nhất quán thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hoá, đa dạng hoá; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế; đóng góp hết sức mình vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ, phát triển và tiến bộ xã hội", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Tại buổi Lễ, các đại biểu đã cùng ôn lại những kỷ niệm về cuộc đấu tranh ngoại giao tại Hội nghị Paris. Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, nguyên Trưởng phái đoàn đàm phán Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam khẳng định lại tầm vóc, ý nghĩa lịch sử của Hiệp định; nhấn mạnh sự lãnh đạo sáng suốt, chỉ đạo tài tình của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với mặt trận ngoại giao; đánh giá cao sự đoàn kết, ủng hộ và giúp đỡ quý báu của cộng đồng quốc tế và các lực lượng tiến bộ trên thế giới dành cho Việt Nam trong suốt cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Đồng chí Hà Đăng, nguyên thành viên đoàn đàm phám Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã chia sẻ một số kỷ niệm sâu sắc trong đàm phán, ký kết Hiệp định Paris. Đặc biệt là tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh để lại nhiều bài học quý về luôn kiên trì các vấn đề nguyên tắc, chiến lược nhưng rất linh hoạt, mềm dẻo với sách lược; giữ vững độc lập, tự chủ, giành thắng lợi từng bước để tiếp tục thắng lợi hoàn toàn.
Khoảnh khắc lịch sử
Đại diện cho bạn bè quốc tế dự buổi Lễ, Bà Helen Luc, Chủ tịch danh dự Hội Hữu nghị Pháp – Việt bày tỏ xúc động khi nhớ về những khoảnh khắc lịch sử cách đây 50 năm. Thời gian đầu khi tới Pháp, đoàn đàm phán Việt Nam Dân chủ Cộng hòa gặp nhiều khó khăn về điều kiện sinh hoạt.
Bà Helen cùng gia đình và nhiều thành viên của Đảng Cộng sản Pháp đã đón tiếp chu đáo và dành nhiều tình cảm đối với đoàn đàm phán Việt Nam. Bà tự hào được tham gia phong trào đoàn kết, ủng hộ, giúp đỡ Việt Nam, trong đó trực tiếp hỗ trợ đoàn đàm phán miền Bắc và miền Nam trong thời gian đàm phán Hiệp định Paris. Bà chia sẻ sự vui mừng khi Việt Nam ngày càng phát triển phồn vinh và là bạn, là đối tác tin cậy của nhiều quốc gia trên thế giới.