Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới
Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Luật Thủ đô 2024: cơ hội bứt phá cho Hà Nội từ nguồn lực kiều bào

Kinhtedothi - Luật Thủ đô 2024 được chuyên gia đánh giá sẽ tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển của Hà Nội thông qua việc các cơ chế khuyến khích sự tham gia của kiều bào, từ đó mở rộng cơ hội đầu tư vào các ngành mới nổi như công nghiệp sáng tạo và công nghệ cao.

Luật Thủ đô Việt Nam 2024 đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc tạo điều kiện thuận lợi để kiều bào đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nội. Trong cuộc phỏng vấn với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, Luật sư Trương Anh Tuấn, Giám đốc Công ty Luật Trường Sơn kiêm Trưởng Ban Pháp chế Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, đã chia sẻ những góc nhìn sâu sắc về cơ hội, thách thức và giải pháp nhằm thu hút đầu tư từ cộng đồng kiều bào vào Thủ đô.

Thưa ông, Luật Thủ đô 2024 đã mở ra những cơ hội nổi bật nào cho cộng đồng kiều bào trong việc tham gia phát triển Hà Nội?

Tôi đánh giá cao những cải tiến của Luật Thủ đô 2024, đặc biệt là việc tăng cường sự tham gia của các thành phần kinh tế tư nhân, nhà đầu tư nước ngoài và cộng đồng kiều bào trong các hoạt động đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Điểm sáng đầu tiên chính là việc luật mới đã mở rộng không gian phát triển cho các lĩnh vực kinh tế tri thức, công nghiệp sáng tạo và công nghệ cao. Đây là các lĩnh vực mà cộng đồng kiều bào Việt Nam có nhiều lợi thế, cả về tài chính lẫn chuyên môn và kinh nghiệm quốc tế.

Luật sư Trương Anh Tuấn, Giám đốc Công ty Luật Trường Sơn kiêm Trưởng Ban Pháp chế Hiệp hội Bất động sản Việt Nam. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Không chỉ dừng lại ở các ưu đãi đầu tư, luật còn tạo nền tảng vững chắc cho Hà Nội chuyển mình mạnh mẽ trong quá trình số hóa, hiện đại hóa nền kinh tế. Những điều chỉnh trong việc cải cách thủ tục hành chính, chính sách ưu đãi thuế, cũng như khả năng chủ động quy hoạch và tổ chức không gian đô thị đã giúp Hà Nội trở thành điểm đến đầu tư tiềm năng hơn bao giờ hết. Với các điều kiện thuận lợi mới, Hà Nội có thể thu hút được nguồn lực chất lượng cao từ kiều bào, qua đó từng bước xây dựng vị thế là một trung tâm kinh tế, công nghệ và tài chính hàng đầu của cả nước.

Tuy nhiên, trong thực tế, nhiều Việt kiều từng gặp không ít khó khăn khi đầu tư tại Thủ đô. Theo ông, đâu là những vướng mắc điển hình?

Đúng vậy, dù có tiềm năng lớn nhưng Việt kiều khi đầu tư tại Hà Nội vẫn còn gặp rất nhiều rào cản. Thứ nhất, các quy định pháp lý và thủ tục hành chính vẫn còn phức tạp và không đồng nhất. Việc xin cấp phép đầu tư, đăng ký kinh doanh hay tuân thủ các quy định về thuế và pháp lý có thể gây lúng túng, đặc biệt là với kiều bào không thường xuyên cập nhật các thay đổi trong hệ thống pháp luật Việt Nam.

Một khó khăn nữa là việc tiếp cận đất đai. Nhiều nhà đầu tư gặp vướng mắc trong khâu thuê đất, giải phóng mặt bằng và xử lý quyền sử dụng đất do cơ chế còn thiếu linh hoạt, thiếu minh bạch. Tiếp theo, vấn đề tiếp cận vốn trong nước cũng là một rào cản lớn. Các ngân hàng vẫn yêu cầu tài sản thế chấp rõ ràng, điều mà nhiều Việt kiều chưa thể đáp ứng ngay nếu không có tài sản hiện hữu tại Việt Nam. Cuối cùng, môi trường kinh doanh còn chưa thật sự hấp dẫn do chi phí đầu tư cao, hạ tầng chưa đồng bộ và sự cạnh tranh gay gắt.

Tuy nhiên, tôi cũng ghi nhận nỗ lực từ phía chính quyền Hà Nội trong thời gian qua khi thường xuyên tổ chức các hội nghị, đối thoại trực tiếp để lắng nghe, tháo gỡ vướng mắc cho nhà đầu tư. Đây là tiền đề quan trọng để tạo dựng niềm tin trong cộng đồng doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài.

Luật Thủ đô mới sẽ giúp tháo gỡ những khó khăn đó như thế nào? Ông có thể chia sẻ một số ví dụ cụ thể?

Luật Thủ đô 2024 mang theo một loạt cơ chế hỗ trợ rất thực chất. Một điểm mới rất đáng chú ý là quy định cho phép miễn tiền thuê đất đối với một số loại dự án xã hội hóa như bãi đỗ xe ngầm, thay vì chỉ giảm như trước kia. Đây là thay đổi lớn, giúp nhà đầu tư tiết kiệm chi phí, tăng hiệu quả tài chính, từ đó mạnh dạn hơn khi quyết định đầu tư.

Đoàn đại biểu gồm 50 đại diện kiều bào đến từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ chụp ảnh lưu niệm tại di tích lịch sử Đền Hùng. Ảnh: Bộ Ngoại giao.

Thêm vào đó, luật cũng cho phép doanh nghiệp sử dụng 30% diện tích sàn trong các dự án hạ tầng để khai thác dịch vụ phụ trợ, qua đó tăng doanh thu bù đắp chi phí đầu tư. Luật mới cũng tạo điều kiện để doanh nghiệp kiều bào tiếp cận đất đai dễ hơn thông qua việc quy hoạch các khu vực ưu tiên, kèm theo đó là thủ tục thuê đất và giải phóng mặt bằng minh bạch hơn, rút ngắn thời gian triển khai dự án.

Về vốn, luật tạo hành lang pháp lý để các tổ chức tín dụng có thể linh hoạt hơn trong việc thẩm định và hỗ trợ nhà đầu tư Việt kiều. Đồng thời, chính quyền cũng đang thúc đẩy thành lập các quỹ hỗ trợ tài chính, đầu tư đổi mới sáng tạo - điều này đặc biệt phù hợp với các doanh nhân khởi nghiệp có ý tưởng tốt nhưng thiếu vốn ban đầu.

Một ví dụ rõ nét là các dự án tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc hiện đang mở rộng cơ hội tiếp cận cho nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghệ. Hà Nội cũng đang tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho hơn 400 dự án bất động sản chậm tiến độ, mở ra cơ hội lớn cho kiều bào đầu tư vào thị trường đầy tiềm năng này.

Theo ông, đâu là những lĩnh vực Hà Nội nên ưu tiên kêu gọi sự tham gia của kiều bào trong bối cảnh triển khai Luật Thủ đô 2024?

Tôi cho rằng có ba lĩnh vực trọng tâm cần ưu tiên. Trước hết là lĩnh vực tài chính và an sinh xã hội. Luật mới đã trao cho Hà Nội quyền chủ động hơn trong việc huy động và sử dụng ngân sách. Đây là cơ hội để vận động sự tham gia của kiều bào vào các chương trình bảo hiểm xã hội, chăm sóc sức khỏe cộng đồng, giáo dục và các lĩnh vực phi lợi nhuận mà kiều bào có thể đóng góp bằng cả trí tuệ và tài lực.

Tiếp theo là lĩnh vực khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Một điểm rất tiến bộ của Luật là cho phép Hà Nội thí điểm thành lập Quỹ đầu tư mạo hiểm bằng ngân sách nhà nước. Quỹ này sẽ đầu tư vào các doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp khởi nghiệp và doanh nghiệp hội nhập quốc tế. Kiều bào là đối tượng có nhiều kinh nghiệm và mạng lưới quốc tế, họ hoàn toàn có thể đồng hành hoặc dẫn dắt các dự án trong lĩnh vực này.

Cuối cùng là lĩnh vực hạ tầng và giao thông. Việc bổ sung loại hình hợp đồng BT trong Luật sẽ giúp Hà Nội huy động nguồn lực xã hội hóa để triển khai các dự án giao thông trọng điểm. Cộng đồng kiều bào có thể tham gia phát triển các tuyến đường sắt đô thị, đô thị thông minh, cải tạo khu dân cư cũ hoặc xây dựng các khu đô thị mới theo quy chuẩn quốc tế. Những điều chỉnh trong luật về quy hoạch, sử dụng đất linh hoạt sẽ giúp khơi thông nhiều “nút thắt” lâu nay trong phát triển hạ tầng Thủ đô.

Vậy để hiện thực hóa những cơ hội đó, Hà Nội cần làm gì thêm để hỗ trợ và đồng hành cùng kiều bào?

Muốn Luật Thủ đô 2024 đi vào cuộc sống, điều quan trọng là tổ chức thực thi một cách hiệu quả, nhất quán và minh bạch. Trước tiên, cần sớm ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết, giúp các cơ quan chức năng, doanh nghiệp và người dân hiểu và áp dụng đúng tinh thần của luật. Nếu thiếu hướng dẫn cụ thể, việc triển khai dễ bị vênh hoặc không đồng đều giữa các địa phương.

Bên cạnh đó, Hà Nội cần chủ động tổ chức các diễn đàn, hội nghị định kỳ để lắng nghe tiếng nói từ kiều bào, đặc biệt là những người đang có ý định đầu tư hoặc chuyển giao công nghệ. Chính quyền cần coi nhà đầu tư kiều bào là đối tác chiến lược, sẵn sàng hỗ trợ từ khâu ý tưởng, thủ tục cho đến triển khai thực tế.

Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng là xây dựng cơ chế kiểm tra, giám sát việc thực thi luật một cách nghiêm túc. Khi Hà Nội được trao quyền tự chủ cao hơn, thì cũng đồng thời cần hệ thống kiểm soát đủ mạnh nhằm đảm bảo chính sách được thực hiện đúng hướng, tránh tình trạng lạm dụng.

Xin cảm ơn ông!

Dòng sự kiện:
Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ