Hiệp định thương mại tự do “cú hích” cho bất động sản công nghiệp

Mai Vân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), thúc đẩy mạnh mẽ các lĩnh vực công nghiệp và xuất khẩu tại Việt Nam thông qua việc gỡ bỏ 99% thuế quan với hàng hóa, được coi là một”cú hích” cho BĐS công nghiệp tại Việt Nam.

Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 6 tháng đầu năm 2019 thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI đạt 18,47 tỷ USD, lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản chiếm 1,32 tỷ USD.
Trong thời gian gần đây, xu hướng chuyển dịch địa bàn sản xuất của các Tập đoàn lớn vào Việt Nam diễn ra một cách mạnh mẽ, do tình hình căng thẳng chiến tranh thương mại giữa các cường quốc trên thế giới. Bên cạnh đó, việc Việt Nam và EU đạt thỏa thuận về Hiệp định thương mại tự do, là động lực gia tăng đáng kể cho sức hấp dẫn của thị trường công nghiệp tại Việt Nam.
Các chuyên gia đều cho rằng, lĩnh vực BĐS khu công nghiệp của Việt Nam sẽ được hưởng lợi lớn từ làn sóng chuyển dịch địa bàn sản xuất của các Tập đoàn lớn, do những nhà sản xuất lớn đều muốn được hưởng tối đa khung ưu đãi từ các hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết.
Công bố về thị trường bất động sản công nghiệp mới đây của JLL Việt Nam (Công ty Jones Lang Lasalle Việt Nam) cho thấy, trong quý II/2019 nhu cầu thuê bất động sản công nghiệp khu vực phía nam tỷ lệ lấp đầy trung bình đạt mức cao với 81%, chủ yếu nhờ vào các thị trường TP Hồ Chí Minh, Bình Dương và Đồng Nai.
 Các hiệp định thương mại là "cú hích" cho BĐS công nghiệp (Ảnh minh họa).
Trong đó, khu vực Bình Dương và Đồng Nai đang là điểm đến được săn đón nhiều nhất cho các nhà sản xuất thành lập mới nhờ nền tảng vững chắc để phát triển sản xuất, bao gồm hệ thống cơ sở hạ tầng, đồng bộ và thủ tục hành chính được thiết lập tốt để hỗ trợ hoạt động của các doanh nghiệp.
Trong báo cáo nhận định trước đó, Công ty chứng khoán VNDirect cũng cho rằng, lĩnh vực BĐS khu công nghiệp có thể hưởng lợi từ làn sóng dịch chuyển nhà máy từ các quốc gia khác sang Việt Nam do các nhà sản xuất muốn được hưởng ưu đãi từ các FTA mà Việt Nam đã ký kết, bao gồm EVFTA.
Tại một báo cáo khác của Savills Việt Nam cho biết, các khu công nghiệp sẽ tiếp tục phát triển. Tỷ lệ lấp đầy tiêu chuẩn trong khoảng 70 - 90% sẽ được giữ vững và kết nối cơ sở hạ tầng sẽ đóng vai trò quyết định trong sự lựa chọn địa điểm thuê.
Theo Phó Tổng giám đốc Savills Việt Nam Troy Griffiths, hiệp định này cho thấy cam kết của chính phủ trong việc đưa Việt Nam trở thành một điểm đến hàng đầu trong lĩnh vực công nghiệp chế tạo tại châu Á. Hoạt động thương mại song phương chắc chắn sẽ tăng, kéo theo đó là tăng luồng vốn FDI, tăng số lượng việc làm, và nhiều cơ hội hơn trên tất cả các phân khúc BĐS.
Đồng quan điểm ông John Campbell, Trưởng bộ phận BĐS Công nghiệp (Savills Việt Nam) cho biết, số lượng yêu cẩu từ khách hàng EU đã tăng lên trong quá trình đợi hiệp định được ký kết. Hiệp định thương mại tự do này sẽ ngày càng thu hút sự quan tâm của thị trường đến BĐS công nghiệp Việt Nam.
“Bằng cách tạo điều kiện cho việc ứng dụng những công nghệ sản xuất mới nhất và tăng cường đào tạo nhân lực, chính phủ Việt Nam đang dần xóa bỏ mối e sợ của các doanh nghiệp về tính khả thi, hay tình trạng thiếu nguồn nhân lực và gia tăng chi phí. Việc nâng cao tính minh bạch của môi trường kinh doanh sẽ giúp giảm thiểu những lo ngại của nhà đầu tư và nâng tiêu chuẩn chất lượng sản xuất tại Việt Nam” - ông John Campbell chia sẻ.