Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hiệp định thương mại Việt Nam - Vương quốc Anh: Sân chơi mới cho doanh nghiệp Việt

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 29/12/2020, tại London, Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) đã chính thức được ký kết. Với nền tảng là những cam kết tiến bộ, tiêu chuẩn cao của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), UKVFTA được kỳ vọng tiếp nối động lực thúc đẩy quan hệ thương mại, đầu tư của hai nước. Đây cũng được coi là sân chơi đầy hấp hẫn đối với DN xuất khẩu Việt Nam trước thềm năm mới 2021.

Nhiều lợi ích từ thị trường lớn

UKVFTA vừa được ký kết có ý nghĩa lớn đảm bảo thương mại song phương giữa Việt Nam và Anh không bị gián đoạn sau khi giai đoạn chuyển tiếp của tiến trình Brexit kết thúc vào ngày 31/12/2020.

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, UKVFTA sẽ góp phần gia tăng đáng kể hàng hóa hai nước vào thị trường của nhau. Những năm gần đây, đặc biệt là từ khi thiết lập quan hệ đối tác chiến lược năm 2010, kim ngạch thương mại Việt Nam - Anh tăng mạnh ở mức hai con số từ 2 tỷ USD lên 6,6 tỷ USD năm 2019, trong đó Việt Nam xuất khẩu 5,7 tỷ USD. Trong 11 tháng của năm 2020, mặc dù chịu nhiều tác động bất lợi của dịch Covid-19 và Brexit, kim ngạch thương mại song phương vẫn đạt xấp xỉ 5,2 tỷ USD.
 Sản xuất thủy sản xuất khẩu tại tỉnh Hậu Giang. Ảnh: Hùng Huy
Chỉ sau hai ngày ký kết, ngày 31/12 UKVFTA sẽ có hiệu lực và tác động tích cực ngay cho các DN Việt Nam và Anh, với việc cắt giảm thuế quan đáng kể cho hơn 70% hàng xuất khẩu từ Việt Nam sang Anh và ở chiều ngược lại là 65%, trong đó nhiều hàng hóa sẽ được hưởng thuế suất 0%. Và sau 6 năm, trên 99% hàng hóa hai nước sẽ có mức thuế 0%.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhận định, việc loại bỏ thuế quan sẽ đem lại nhiều lợi ích cho các ngành hàng xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam như dệt may, giày dép, thủy sản, đồ gỗ… Chẳng hạn, từ ngày 1/1/2021, một khối lượng gạo khá lớn của Việt Nam theo hạn ngạch sẽ được hưởng thuế suất 0% khi nhập vào Anh (trước đây phải chịu thuế 17,5%). Nhiều mặt hàng thủy sản như tôm, cá là thế mạnh của Việt Nam cũng sẽ được giảm xuống 0% từ mức thuế cơ bản là 10 - 20%. Trong khi đó, khoảng một nửa sản phẩm dược nhập khẩu từ Anh sẽ được miễn thuế ngay lập tức.
Đối với Vương quốc Anh, những lĩnh vực được hưởng lợi nhiều sẽ là dược phẩm, máy móc, thiết bị, hóa chất, ô tô, ngân hàng, bảo hiểm... DN Anh có thể mở công ty và phân phối dược phẩm tại Việt Nam. Việc mở cửa thị trường mua sắm chính phủ của Việt Nam sẽ tạo thêm nhiều cơ hội cho hàng hóa và DN Anh.

Nâng chất sản phẩm để tăng sức cạnh tranh

Với quy mô kinh tế 2.800 tỷ USD năm 2019, Anh là nền kinh tế lớn thứ hai châu Âu và thứ 5 trên thế giới. Mặc dù xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào Anh tăng nhanh trong 10 năm qua, nhưng kim ngạch xuất khẩu của nước ta chiếm chưa đến 1% kim ngạch nhập khẩu của Anh (năm 2019 là 700 tỷ USD). Điều này cho thấy, tiềm năng và cơ hội để hàng hóa Việt Nam vào Anh còn rất lớn nếu các DN Việt tận dụng tốt lợi thế do UKVFTA đem lại.

Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều chuyên gia, những cam kết mở cửa thị trường với hàng hóa, dịch vụ cho Anh sẽ tạo ra sức ép cạnh tranh nhất định cho nền kinh tế, DN và hàng hóa, dịch vụ trong nước. Đơn cử như hàng dệt may, mặc dù UKVFTA tạo thuận lợi mở rộng nguồn cung trong các quy tắc xuất xứ trong hiệp định, nhưng do nguồn nguyên liệu sản xuất hàng xuất khẩu hiện nay của Việt Nam chủ yếu được nhập khẩu từ Trung Quốc hoặc ASEAN nên trong thời gian tới, cần chuyển hướng nhập khẩu nguồn nguyên liệu trong ngành này để tận dụng được những cơ hội từ các cam kết của hiệp định.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, tiêu chuẩn kỹ thuật và yêu cầu chất lượng đối với hàng hóa nhập khẩu từ phía Anh là rất cao. Điển hình như với nông sản, dù UKVFTA kế thừa những ưu đãi với những quy định vệ sinh và kiểm dịch động vật (SPS) linh hoạt trong EVFTA nhưng các ngành hàng nông sản của Việt Nam cần cải thiện tính đồng nhất trong từng lô hàng, khâu thu hoạch, bảo quản và chất lượng sản phẩm thì mới có thể chinh phục được thị trường khó tính này.

Đưa ra khuyến nghị cho các DN xuất khẩu, Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại đa biên (Bộ Công Thương) Lương Hoàng Thái lưu ý, để vào được Anh - thị trường cao cấp, hàng hóa Việt Nam cần đáp ứng tiêu chuẩn cao về chất lượng, thẩm mỹ, vệ sinh, môi trường. Anh là thị trường có độ mở cao nên đây sẽ là sân chơi của nhiều nước, do vậy cùng với việc bảo đảm chất lượng, hàng hóa Việt Nam phải có giá cả cạnh tranh. Điều này đòi hỏi các DN Việt Nam tiếp tục nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá thành, đồng thời cần tăng cường công tác tiếp thị, thông tin quảng bá sản phẩm. Chữ tín cũng là điều kiện tiên quyết để hàng Việt tạo dựng chỗ đứng lâu dài tại thị trường Anh.

"UKVFTA đi vào triển khai có thể dự báo làn sóng mới về đầu tư trực tiếp và gián tiếp từ Anh, nhất là trong những lĩnh vực Anh có thế mạnh như năng lượng tái tạo, công nghệ môi trường sẽ diễn ra mạnh mẽ. Mới đây, việc một DN trong lĩnh vực năng lượng tái tạo của Anh sẵn sàng đầu tư hàng chục tỷ USD để sản xuất điện gió, chế tạo tua bin và xây dựng mạng lưới truyền tải điện tại Việt Nam nếu được Chính phủ Việt Nam chấp thuận đã cho thấy tiềm năng lớn của các nhà đầu tư từ Anh quốc, vốn luôn đứng trong nhóm 5 nước hàng đầu trên thế giới về đầu tư ra bên ngoài." - Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Anh Trần Ngọc An


"Mặc dù pháp luật Việt Nam đã có những quy định cụ thể về tiền lương tối thiểu, thời gian làm việc và an toàn vệ sinh lao động, lao động trẻ em, bảo vệ môi trường… phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế nhưng trên thực tế, có một số DN chưa tuân thủ nghiêm. Điều này có thể dẫn tới hậu quả là cả ngành sản xuất sẽ không được hưởng ưu đãi. Do đó, trong quá trình thực thi UKVFTA, DN cần hết sức lưu ý các cam kết này." - Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu

"UKVFTA là cơ hội lớn với các DN dệt may Việt Nam, nhưng các DN cần cải thiện rất nhiều để đủ tiềm lực, tạo sản phẩm cạnh tranh tốt về chất lượng, đáp ứng được yêu cầu, từ đó tiếp cận được thị trường xuất khẩu có cam kết sâu rộng như Anh. Cùng với nỗ lực của mỗi DN, cần sự vào cuộc của các ban, ngành chức năng với những biện pháp hỗ trợ cụ thể, đặc biệt trong nhập khẩu nguồn nguyên liệu để hàng dệt may Việt Nam có nhiều cơ hội hơn nữa thâm nhập thị trường Anh nói riêng và thế giới nói chung." - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam Cao Hữu Hiếu