Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hiệp hội Đô thị Việt Nam - Kết nối để vươn xa

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiệp hội Đô thị Việt Nam (Association of Cities of Vietnam - ACVN) được thành lập ngày 17/7/2000, trong bối cảnh quá trình đô thị hóa của Việt Nam bắt đầu tăng tốc.

Suốt 15 năm hoạt động, trưởng thành, ACVN không chỉ đóng vai trò một cầu nối thời đại mà còn trở thành bệ phóng hữu hiệu, góp phần đưa các đô thị Việt Nam lên một tầm cao mới.

Gian nan không mỏi

Tính đến tháng 11/2015, ACVN đã có 110 thành viên là các đô thị từ loại 4 đến loại đặc biệt, tổ chức được kiện toàn với Ban Chấp hành gồm 23 thành viên, Ban Kiểm tra, Ban Điều hành và các bộ phận giúp việc khác. Nhìn vào bộ máy hoàn thiện đó, ít ai biết được ACVN đã từng trải qua biết bao gian nan trong suốt 15 năm hình thành và phát triển của mình.
Hiệp hội Đô thị Việt Nam đã góp phần vào việc xây dựng và phát triển đô thị. Ảnh: Huy Hùng
Hiệp hội Đô thị Việt Nam đã góp phần vào việc xây dựng và phát triển đô thị. Ảnh: Huy Hùng
Năm 1992 tiền thân của ACVN gồm 5 thành viên: Việt Trì, Nam Định, Vinh, Huế, Đà Nẵng được thành lập dưới tên gọi Liên hiệp Đô thị, do TP Huế làm Chủ tịch đầu tiên; năm 1993, có thêm sự tham gia của 3 TP: Biên Hòa, Cần Thơ, Nha Trang. Những ngày đầu hoạt động vừa khó khăn về tài chính, lại phải tự rút kinh nghiệm xây dựng tổ chức, tìm kiếm, kêu gọi thành viên trong khi tiềm lực, nhân sự eo hẹp rồi cũng dần qua đi. Quyết tâm phát triển thành một tổ chức xã hội hữu ích, xứng tầm thời đại, Liên hiệp đã thành lập Ban Vận động. Ngày 29/5/2000, Ban Vận động đại diện các thành viên đã có tờ trình lên Bộ trưởng - Trưởng ban tổ chức cán bộ Chính phủ (nay là Bộ Nội vụ) xin được phép thành lập Hiệp hội Các đô thị Việt Nam. Ngày 17/7/2000 Bộ trưởng - Trưởng Ban tổ chức cán bộ Chính phủ đã ký Quyết định số 45/2000/QĐ-BTCCBCP, cho phép thành lập Hiệp hội. Từ ngày 10 - 11/5/2001 Đại hội lần thứ Nhất của Hiệp hội được tổ chức tại TP Huế với 47 thành viên để thông qua Điều lệ trình Chính phủ và được chấp thuận tại Quyết định số 29/2001/QĐ-BTCCBCP ngày 24/5/2001.

Từ thời điểm đó, ACVN đã chính thức bước vào giai đoạn phát triển với vai trò gắn kết các đô thị với nhau, nối nhịp cầu chính trị, xã hội giữa các đô thị với Đảng, Nhà nước, giữa đô thị Việt Nam với bạn bè thế giới; đặt dấu ấn lịch sử của mình trong quá trình hình thành và phát triển của đô thị Việt Nam. Các đô thị Việt Nam đã có một tổ chức chính thức của mình để tập hợp, đoàn kết các TP, thị xã, nhằm trao đổi kinh nghiệm và giúp đỡ nhau trong quá trình phát triển; có một tổ chức chính thức đủ tư cách pháp nhân trong mối quan hệ vĩ mô với bạn bè quốc tế.

Khẳng định và phát huy vai trò
15 năm qua, Hiệp hội đã có những tiến bộ rõ rệt trong việc thực hiện vai trò là tổ chức phản biện xã hội, đại diện cho quyền lợi chính đáng và hợp pháp của các đô thị. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều việc phải làm để cho chế độ, chính sách và luật pháp phù hợp với thực tiễn, góp phần tích cực vào sự phát triển bền vững của các đô thị.
TS Nguyễn Văn Khôi

Chủ tịch Hiệp hội Đô thị Việt Nam

15 năm qua, ACVN đã thực hiện tốt công tác phản biện chính sách; đẩy mạnh hoạt động tại các đô thị trong phong trào thi đua xanh - sạch - đẹp gắn với Tăng trưởng xanh; chú trọng vấn đề Hợp tác quốc tế; thực hiện tốt công tác thông tin tuyên truyền và tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng có chất lượng cho các đô thị thành viên; tăng cường kết nối để các đô thị giao lưu, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau về nhiều mặt.

Ngoài số lượng thành viên tăng gấp hơn 20 lần ban đầu, ACVN còn trở thành đối tác hợp tác của nhiều tổ chức quốc tế uy tín như: Liên minh quyền Nhà ở châu Á (ACHR), Ngân hàng Thế giới (WB), Liên minh các TP (CA), Tổ chức định cư con người Liên Hợp quốc (UN - HABITAT)… Thông qua ACVN, các tổ chức này đã hỗ trợ, đồng hành cùng đô thị Việt Nam thực hiện những chương trình hoạt động, trao đổi có ý nghĩa, đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của đất nước. Đặc biệt, Bộ chỉ số đô thị Việt Nam thuộc Dự án Hệ thống quan trắc đô thị Việt Nam do UN-HABITAT tài trợ là Bộ chỉ số đầu tiên, là nền móng để phát triển Hệ thống quan trắc đô thị Việt Nam hoàn thiện trong tương lai. Các cơ sở dữ liệu mà các đô thị tham gia thu thập vừa qua sẽ giúp cho các đô thị có thể đánh giá đúng về tình hình chung của đô thị mình. Ngoài ra, ACVN còn tham gia xây dựng các cơ chế, chính sách, luật pháp và những công việc quản lý Nhà nước liên quan đến đô thị. ACVN là thành viên Ban soạn thảo Luật Quy hoạch đô thị; Luật Đô thị; Nghị định về chiếu sáng đô thị; Nghị định thành lập đơn vị hành chính đô thị; Nghị định ưu đãi, hỗ trợ các hoạt động bảo vệ môi trường; Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Luật Đầu tư xây dựng cơ bản; Nghị định về quản lý các dự án phát triển đô thị; chính sách nhà ở cho người có thu nhập thấp, góp ý đề án Mô hình tổ chức chính quyền đô thị và các dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương. ACVN cũng đã thành lập trang web riêng (acvn.vn), xuất bản ấn phẩm Đô thị Việt Nam tăng cường quảng bá, mở rộng các kênh trao đổi, chia sẻ thông tin, sáng kiến, sáng tạo giữa các thành viên và cộng đồng xã hội.

Quan trọng nhất, ACVN đã cùng Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam trình Thủ tướng ban hành Quyết định lấy ngày 8/11 hàng năm làm Ngày Đô thị Việt Nam. Cùng với các ngày kỷ niệm khác, Ngày Đô thị Việt Nam đã tạo điều kiện nhắc nhở các cơ quan Nhà nước, các cấp chính quyền và người dân thấy rõ trách nhiệm của mình đối với sự nghiệp phát triển đô thị; đồng thời cũng là dấu mốc cho từng chặng đường phát triển của đất nước nói chung, các đô thị Việt Nam nói riêng.