Anh Nguyễn Sỹ Cường, xóm 7, xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, người ngót 20 năm tự nguyện làm một Hiệp sĩ giao thông "làng" là một minh chứng cho điều đó.
Khác người vì mọi người
Biết chúng tôi đến tìm hiểu, viết bài về anh Nguyễn Sỹ Cường, chị Nguyễn Thị Kim Uyên (vợ anh), mỉm cười thật tươi. Trên gương mặt người phụ nữ tần tảo ấy bừng sáng nên niềm hạnh phúc, tự hào về công việc “khác người” của chồng: “Tôi mừng vì cuối cùng, xã hội, bà con chòm xóm cũng đã công nhận những việc anh ấy làm là có ích”.
Câu chuyện giữa chúng tôi vừa mới bắt đầu đã phải gián đoạn vì anh Cường đứng thoắt dậy, chạy đi lấy còi, gậy để ra đường, tới cửa, anh dặn với vào trong: “Chờ nhé, lại tắc đường rồi”.
Nhìn ra cửa quán phở của anh chị (nằm ngay ngã tư Canh), chúng tôi thấy những chiếc ô tô, xe máy đang xếp hàng nối đuôi nhau chờ đợi, tiếng còi kêu inh ỏi, tiếng cáu gắt của người điều khiển phương tiện bức bối giữa dòng xe ùn tắc. Thoăn thoắt chạy từ bên này sang bên kia, vừa thổi còi, vừa giơ gậy lên điều khiển, hướng dẫn giao thông cho đoàn người, xe lúc rẽ trái, rẽ phải, lúc đi thẳng, nhường đường... Khoảng 15 phút sau, ngã tư đã thông thoáng trở lại, anh quay về bên bàn nước tiếp chuyện chúng tôi.
Gạt những giọt mồ hôi lấm tấm trên trán, người đàn ông có gương mặt đen sạm vì nắng gió bộc bạch, anh đến với công việc hướng dẫn, điều tiết giao thông vất vả, khó nhọc này một cách hoàn toàn tự nguyện. Hai vợ chồng mở quán bán phở tại đây đã lâu, mỗi khi thấy đoàn xe ùn tắc nối đuôi nhau trước cửa là tay bưng đồ ăn phục vụ khách nhưng tâm trí anh lại bay ra… giữa ngã tư Canh. Tắc đường một phần do đường nhỏ, nhiều phương tiện tham gia giao thông cùng một thời điểm, phần khác do ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của một bộ phận người dân còn rất thấp. Đường tắc, học sinh đến trường muộn, người bán hàng chậm buổi chợ, khổ nhất là những người đi khám bệnh, vừa lo lắng, vừa mệt mỏi. Mỗi lúc tắc đường, tiếng quát mắng, tiếng thở dài của những người dưng ấy khiến anh Cường thấy áy náy không yên. Thế rồi, một ngày nọ của năm 1995, không thể đứng yên nhìn cảnh tắc đường nữa, anh Cường bỏ cả quán phở, chạy ra đường phân luồng, hướng dẫn giao thông. “Ban đầu vợ tôi không đồng ý đâu. Cô ấy bảo mình ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng. Có ai phân công đâu mà làm” - anh Cường nói.
Chị Uyên cười bẽn lẽn: “Thì cô bảo, cả nhà 4 miệng ăn với bao khoản phải chi tiêu chỉ trông vào quán phở. Lúc đông khách cũng là lúc đường hay ùn tắc, anh ấy bỏ hết chạy ra đường. Một mình tôi vừa bán, vừa dọn dẹp bát đũa, lau bàn, quét nhà, nhiều khi không làm kịp, khách họ dỗi, bỏ đi”. Hồi đó, tuy làm không công nhưng nhiều người không hiểu cứ xì xào, dị nghị cho rằng anh kiếm được triệu lớn, triệu bé tiền bồi dưỡng, anh chị cũng chạnh lòng. Anh phải động viên chị: “Mình làm việc tốt mà em, làm vì mọi người, làm để tích đức cho con cháu mai sau nữa”. Rồi bất chấp hết, anh vẫn kiên trì “vác tù và hàng tổng” như thế ngày nối ngày, thấm thoắt đã được 20 năm.
Danh hiệu trong lòng dân
Không được cơ quan, đơn vị nào phân công, dụng cụ làm việc của anh Cường là cái còi mua ở chợ, “gậy điều khiển giao thông” có khi chỉ là cây chổi, đoạn ống nước, hay khúc tre. Nhưng tinh thần và nhất là cái cách anh điều khiển giao thông lại khá chuyên nghiệp. Cứ vào đầu giờ sáng, tan tầm buổi chiều hoặc những khi có nguy cơ ùn tắc là anh có mặt ở ngã tư Canh, bất kể mưa nắng, giá lạnh, bất kể việc nhà, việc quán bận bịu, đợi chờ. Dù chẳng qua trường lớp đào tạo nào, chẳng có ai chia sẻ, hướng dẫn, anh vẫn tự đúc rút được cho mình những kinh nghiệm, phương thức điều khiển, gỡ rối giao thông đến mức chuyên nghiệp. “Nếu tắc nghiêm trọng thì chặn xe cách ngã tư khoảng 50m để phân luồng, tắc vừa vừa thì 20m, có nguy cơ ùn tắc thì chỉ cần 10m” - anh Cường chia sẻ.
Tất cả những điều mà anh tích lũy được trong 20 năm tâm huyết, tình nguyện gánh vác trách nhiệm xã hội ấy đã đem lại hiệu quả thiết thực cho tình hình giao thông trong khu vực. Giờ cao điểm, người và xe qua lại ngã tư Canh không mấy khi lâm vào cảnh ùn tắc, đường sá thông thoáng hơn, người tham gia giao thông được đảm bảo an toàn hơn.
Hiện nay, ngã tư Canh đã có lực lượng công an làm nhiệm vụ vào giờ cao điểm nhưng anh Cường vẫn rất nhiệt tình hỗ trợ mỗi khi tắc đường. Chị Uyên cười bảo, có lẽ công việc ấy đã ngấm vào máu anh rồi. Vả lại, chị cũng vui vì nhiều người vào quán ăn phở đã hiểu công việc thầm lặng của anh, tự dọn dẹp bàn để ngồi chứ không hờn dỗi bỏ đi như trước. Chia tay anh Cường, chúng tôi cứ nhớ mãi lời anh nói: “Tiền của rất quan trọng nhưng mạng sống, sự an toàn của người tham gia giao thông mới là vô giá. Góp được chút công sức nhỏ bé để đem lại sự an toàn cho mọi người qua lại ngã tư Canh, với tôi đó là niềm hạnh phúc không thể mua được bằng tiền”.
Năm 2012, người “vác tù và hàng tổng” - Nguyễn Sỹ Cường đã được Ban tổ chức chương trình “Total Hiệp sĩ giao thông” trao tặng danh hiệu Hiệp sĩ giao thông của Thủ đô; nhưng phần thưởng cao quý nhất mà anh được trao tặng chính là sự tin yêu, mến phục của gia đình, làng xóm và xã hội.
Anh Nguyễn Sỹ Cường.
|