Hiểu đúng, làm đúng, giáo viên sẽ không bị quá tải

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trao đổi về việc đổi mới cách đánh giá học sinh (HS) bậc THCS và THPT, cô Lý Thị Lương – Hiệu trưởng trường THCS Ngô Sĩ Liên cho rằng, nếu hiểu rõ vấn đề thì đây thực sự không phải là việc quá khó.

Để đổi mới cách đánh giá, trước hết giáo viên (GV) cũng phải đổi mới cách làm, làm từ tổ nhóm chuyên môn, có giờ sinh hoạt nhóm mẫu, tự rút kinh nghiệm.

“Dự giờ ngày xưa GV ngồi dưới chép, theo dõi GV là chính, bây giờ theo dõi nhóm HS xem GV tác động HS ra sao, HS vướng gì. Làm mẫu một bài ở một môn học nào đó, nghe, theo dõi HS tiếp thu thế nào, sau đó cùng rút kinh nghiệm để làm sao cho tất cả HS trong lớp hiểu. Đổi mới từ ý thức tiếp thu của HS, làm thế nào GV dạy mà HS trung bình, khá, giỏi đều nắm được mức độ nhất định, có những câu hỏi mà HS nào cũng phát huy được. Nghiên cứu, ứng dụng khoa học cũng hướng về các tổ nhóm, nhà trường giao cho tổ nhóm làm mẫu trước, sẽ làm cuốn chiếu, trước hết làm ở đội ngũ GV trẻ, sau lan tỏa rộng hơn.

Theo tôi, làm điều gì mới cũng sẽ khó khăn, vì cách làm cũ đã thành nếp. Để làm được, GV phải thay đổi. Nếu hiểu rõ vấn đề thì đây thực sự không phải quá khó khăn, cái chính là tùy thuộc vào đối tượng HS. Nếu HS trung bình thì làm mức độ trung bình, làm phải có trọng tâm trọng điểm. Không nên làm tất cả các tiết, chỉ làm một vài tiết trong tuần để có kinh nghiệm. Có thể một tuần cho HS đi trải nghiệm một lần, vẫn có thể cuốn chiếu đối với hoạt động trải nghiệm. Quan trọng không phải là điểm, mà là HS có kỹ năng, có thể tự lập được mọi việc, có thể giao tiếp… Những vấn đề này đều do nhận thức của người tiếp nhận vấn đề, đây là đi theo đúng xu thế của thế giới.

Hiểu đúng, làm đúng, GV sẽ không bị quá tải. Quan trọng nhất là đối tượng HS, GV phải là người đầu tàu trong đổi mới, tâm huyết trong giảng dạy, chứ nếu cân đong đo đếm thì khó thực hiện. Phải xác định dạy - học là việc thường xuyên. Có thể làm ngay và luôn theo điều kiện cụ thể, thử nghiệm ở một lớp, một môn…”.