170 người được tư vấn, chuyển gửi, điều trị
Theo số liệu của Bộ Công an, cả nước có khoảng 235.314 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý. Tại Hà Nội có 12.917 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, trong đó gần 9.000 người đang ở cộng đồng. Để nâng cao hiệu quả của công tác điều trị, cai nghiện ma túy, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ LĐTB&XH, TP Hà Nội đã xây dựng và triển khai thí điểm 2 mô hình điều trị, cai nghiện ma túy.
Ngày 13/7, tại Hội nghị triển khai và tập huấn các mô hình hỗ trợ, chăm sóc, điều trị nghiện ma túy tại các địa phương, do Sở LĐTB&XH Hà Nội tổ chức, Phó Trưởng Ban chỉ đạo 138 TP Hà Nội Hoàng Thành Thái đã thông tin về việc năm 2019 TP xây dựng và triển khai thí điểm 2 mô hình điều trị, cai nghiện ma túy. Đó là mô hình Hỗ trợ tư vấn pháp lý và xã hội, chuyển gửi đối với người cai nghiện ma túy tại 6 phường trên địa bàn quận Long Biên, Nam Từ Liêm.
Và mô hình Điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị ma túy tại cộng đồng trên địa bàn phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm. Hai mô hình có chung mục tiêu phát triển mạng lưới điều trị cai nghiện ma túy tại cộng đồng; tạo điều kiện để người sử dụng, người nghiện ma túy và thân nhân của họ được tiếp cận và sử dụng các dịch vụ điều trị, cai nghiện ma túy và phục hồi toàn diện tại cộng đồng.
Giảm các tác hại do sử dụng ma túy, giảm những hành vi vi phạm pháp luật và nguy hại đối với người sử dụng ma túy và cộng đồng, kiềm chế gia tăng số người nghiện mới... cũng được đặt ra trong hai mô hình này.
Sau một năm triển khai thực hiện, hai mô hình điều trị, cai nghiện ma túy bước đầu đã đạt được những kết quả tích cực. Qua đó góp phần vào việc quản lý chặt chẽ di biến động của người nghiện, đem lại lợi ích thiết thực cho họ thông qua sử dụng các dịch vụ xã hội. “Năm 2019, mô hình “Hỗ trợ tư vấn pháp lý và xã hội, chuyển gửi đối với người tham gia cai nghiện ma túy” đã tiếp cận, tư vấn, chuyển gửi cho 170/150 người, đạt 113,3% kế hoạch. Trong đó, 118 người được tư vấn, chuyển gửi đến dịch vụ xét nghiệm và điều trị dự phòng HIV, 94 người được chuyển gửi điều trị Methadone, 87 người được tư vấn, chuyển gửi đến dịch vụ điều trị cai nghiện ma túy, 61 người được tham gia dịch vụ hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm” - ông Thành Thái thông tin.
Nhân rộng mô hình tại điểm phức tạp
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện các mô hình điều trị, cai nghiện ma túy cũng bộc lộ những khó khăn. Vì đây là mô hình mới, quá trình triển khai còn nhiều lúng túng. Trong khi, cơ sở vật chất hỗ trợ cho hoạt động của mô hình còn hạn chế do sử dụng phòng chung; công tác tuyên truyền chưa sâu rộng, việc người tự nguyện đến Điểm tư vấn để tìm hiểu còn hạn chế.
Phát huy những kết quả đạt được khi triển khai hai mô hình trong năm 2019 cũng như rút kinh nghiệm, khắc phục những tồn tại trong quá trình triển khai thực hiện, năm 2020 TP xây dựng và ban hành các kế hoạch triển khai mô hình tại các địa bàn phức tạp về ma túy. Đó là Kế hoạch số 125/KH-UBND ngày 11/6/2020 về triển khai mô hình Điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện tại cộng đồng trên địa bàn các quận Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Thanh Xuân và huyện Thanh Trì.
Kế hoạch này đặt ra mục tiêu chính: 100% người sử dụng, người nghiện, sau cai nghiện và gia đình được truyền thông về phòng chống ma túy. Điểm tư vấn tiếp nhận, tư vấn cho 100 lượt người, trong đó ít nhất 40% được chuyển gửi tới các cơ sở cung cấp dịch vụ. Và, phấn đấu vận động 40 người tham gia cai nghiện tại gia đình, cộng đồng hoặc cai nghiện tự nguyện tại cơ sở cai nghiện ma túy, giới thiệu học nghề cho 20 người.
Trong khi đó, Kế hoạch số 126/KH-UBND ngày 15/6/2020 về triển khai mô hình Hỗ trợ tư vấn pháp lý và xã hội, chuyển gửi đối với người tham gia cai nghiện ma túy trên địa bàn quận Hoàn Kiếm sẽ tư vấn, chuyển gửi tới các dịch vụ 50 - 100 người sử dụng ma túy, người nghiện ma túy.
Đồng thời, hỗ trợ ít nhất một nhu cầu cắt cơn, điều trị rối loạn tâm thần, điều trị thay thế, khám, xét nghiệm, điều trị viêm gan B, C, lao, HIV cho 70% số người được chuyển gửi điều trị. Sẽ có 8 người được hỗ trợ học nghề trình độ sơ cấp khi tham gia mô hình này.
Để hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ của hai mô hình, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội Hoàng Thành Thái đề nghị UBND, Ban chỉ đạo 138 các quận, huyện lựa chọn nhân sự, bố trí cơ sở vật chất và chuẩn bị ra mắt mô hình và đưa vào hoạt động bảo đảm hiệu quả. Các xã, phường áp dụng mô hình chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực, chủ động xây dựng kế hoạch hoạt động và triển khai.
Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao năng lực trong tiếp cận, tư vấn, chuyển gửi khách hàng cho cán bộ trực tiếp tham gia xây dựng mô hình. Các cơ sở cai nghiện ma túy hỗ trợ các địa bàn áp dụng mô hình về kỹ thuật, chuyên môn nghiệp vụ trong tư vấn, điều trị nghiện ma túy.