Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hiệu quả cao từ đậu tương vụ Đông

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với đặc điểm dễ chăm sóc, hiệu quả kinh tế cao, cây đậu tương đã giúp người dân tăng thêm thu nhập và đưa vụ Đông trở thành vụ sản xuất chính thứ ba trong năm của xã Hợp Tiến (Mỹ Đức).

Không để ruộng hoang

Hợp Tiến là xã thuần nông, với 561ha diện tích đất dành cho sản xuất nông nghiệp. Thu nhập của người dân chủ yếu trông vào 2 vụ lúa. Để nâng cao thu nhập, bà con đã làm thêm vụ Đông và chọn cây đậu tương là cây trồng chủ lực. Qua thực tế sản xuất nhiều năm, vụ Đông ngày càng khẳng định được vị trí quan trọng trong sản xuất nông nghiệp. Việc trồng đậu tương vào vụ Đông đã góp phần tăng giá trị trên một diện tích đất canh tác và nâng cao thu nhập cho người nông dân.
Kiểm tra sản xuất đậu tương tại huyện Mỹ Đức.
Kiểm tra sản xuất đậu tương tại huyện Mỹ Đức.
Trong tiết trời se lạnh của những ngày cuối năm, người dân xã Hợp Tiến hối hả cho kỳ thu hoạch vụ Đông. Vừa thoăn thoắt cắt những cây đậu tương quả sai như bện, chị Lê Thị Thoan, thôn Phú Liễn phấn khởi cho biết, đậu tương là cây dễ trồng, tốn ít công chăm sóc và làm đất như nhiều loại cây trồng khác: “Năm nay, thời tiết thuận nên đậu tương được mùa lắm, quả vừa sai lại chắc hạt. Nhiều hộ trong thôn trồng vài mẫu, mỗi vụ thu về vài chục triệu đồng”.

Theo ông Nguyễn Hà Tuyển – Chủ tịch HTX Nông nghiệp Hợp Tiến, những năm gần đây, xã chọn cây đậu tương làm cây trồng chủ lực cho vụ Đông. Qua thực tế, chủ trương này đã phát huy được hiệu quả kinh tế. Do phù hợp với đồng đất nên cây đậu tương phát triển rất tốt, ít sâu bệnh, năng suất trung bình 65kg/sào. Với giá trung bình bán tại ruộng từ 10.000 - 12.000 đồng/kg, trừ chi phí, người dân thu lãi khoảng 500.000 đồng/sào. Trồng đậu tương vụ Đông vừa không bỏ hoang ruộng lại cải tạo được chất đất cho những vụ sau.

Để tạo điều kiện canh tác vụ Đông thuận lợi, xã Hợp Tiến đã tiến hành phối hợp với các tổ chức đoàn thể vận động nông dân sử dụng các giống lúa ngắn ngày và đẩy sớm lịch thời vụ gieo cấy, tiến hành nạo vét kênh mương đề phòng ngập úng. Đồng thời, xây dựng quy trình kỹ thuật, tổ chức chuyển giao, tập huấn kỹ thuật sản xuất cho người dân.

Tăng thêm thu nhập

Vụ Đông năm 2015, theo thống kê, toàn xã gieo trồng được 455,2ha đậu tương, chiếm trên 90% diện tích đất canh tác, sản lượng ước đạt hơn 900 tấn. Sản xuất đậu tương vụ Đông đã đem lại hiệu quả thiết thực và ổn định, tăng thêm thu nhập cho người dân, góp phần vào xây dựng nông thôn mới.

Ông Tuyển cho biết thêm, để nâng cao hiệu quả sản xuất và chất lượng sản phẩm, vụ Đông năm 2015, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội phối hợp với Trạm Khuyến nông Mỹ Đức và Ban quản trị HTX Nông nghiệp Hợp Tiến triển khai trồng thí điểm mô hình đậu tương ĐT26 với diện tích 10ha. Giống đậu tương mới này cho hiệu quả kinh tế cao hơn giống đậu tương truyền thống, với năng suất trung bình đạt khoảng 75kg/sào. Từ thành công này, mô hình sẽ được nhân rộng trong những vụ tiếp theo.

Tuy nhiên, cái khó hiện nay là việc tiêu thụ sản phẩm. Hiện tại, nông dân chủ yếu bán cho các lái buôn, nên giá đậu bấp bênh, không ổn định, ảnh hưởng tới tâm lý người sản xuất. Để khắc phục tình trạng này, đảm bảo lợi ích của người nông dân, địa phương cần tích cực tìm và ký kết đầu ra ổn định cho sản phẩm, không để tư thương ép giá. Mặt khác, cần có cơ chế hỗ trợ kịp thời để Nhân dân mở rộng diện tích đậu tương. Có như vậy, cây đậu tương mới thực sự trở thành cây trồng chủ lực trong vụ Đông ở Hợp Tiến.