Báo cáo của CDC trích dẫn một nghiên cứu gần đây nhận định ngay cả khi biến thể Delta đang lây lân mạnh tại Mỹ, nguy cơ nhiễm Covid-19 đối với những người được tiêm chủng đầy đủ thấp hơn khoảng 5 lần so với những người chưa tiêm, trong khi khả năng nhập viện và tử vong vì Covid-19 đều giảm tới 10 lần.
Theo đó, các nhà nghiên cứu đã theo dõi các trường hợp nhiễm Covid-19, nhập viện và tử vong từ ngày 4/4 - 17/7 ở đối tượng từ 18 tuổi trở lên, tại 13 tiểu bang. Họ xác định và só sánh những kết quả này giữa những người được tiêm chủng đầy đủ so với những người chưa được chích ngừa hoặc mới chỉ tiêm 1 mũi.
Trong suốt khoảng thời gian này, phần lớn các trường hợp được báo cáo nhiễm Covid-19 - 92%, nhập viện - 92% và tử vong - 91% đều là ở những người không được tiêm chủng đầy đủ.
Đáng chú ý, nghiên cứu đã chia thành 2 giai đoạn, với mốc 20/6/2021 - được cho là thời điểm ước tính tìm thấy biến thể Delta trong hơn 50% tổng số mẫu bệnh phẩm tại Mỹ. Do đó, từ 4/4 - 19/6 được gọi là giai đoạn "trước Delta" và từ 20/6 - 7/7 là giai đoạn "trội Delta". Trong thời gian 4/4 - 17/7, tỷ lệ người được tiêm chủng đầy đủ tại Mỹ tăng từ 19% lên 54%.
Trong gia đoạn "trước Delta", chỉ có 5% trong tổng số các trường hợp mắc Covid-19 được báo cáo, 7% trường hợp nhập viện và 8% trường hợp tử vong là ở những người được tiêm chủng đầy đủ. Con số 5% được cho là khá gần với kì vọng về hiệu quả vaccine đạt 90% và tỷ lệ tiêm chủng 37% đã được báo cáo trong giai đoạn này tại Mỹ.
Tuy nhiên, khi biến thể Delta bắt đầu xuất hiện, 3 tỷ lệ nói trên lần lượt tăng lên 18%, 14% và 16%. Con số 18% gần với ước tính hiệu quả vaccine đạt 80% và tỷ lệ bao phủ vaccine 53% lúc bấy giờ. Điều này cho thấy, vaccine Covid-19 đã trở nên kém hiệu quả hơn trước biến thể Delta so với các chủng trước đó.
Và tổng hợp tất cả các con số cho thấy rằng trong giai đoạn "trước Delta", những người không được tiêm chủng đầy đủ có nguy cơ nhiễm Covid-19 cao gấp 11,1 lần, có khả năng nhập viện gấp 13,3 lần và khả năng tử vong cao gấp 16,6 lần. Tất cả những con số này đã giảm trong thời kỳ "trội Delta", lần lượt xuống khoảng 4,6, 10,4 và 11,3 lần.
Để thấy, mặc dù những con số này cho thấy hiệu quả của vaccine Covid-19 có thể đã giảm trước biến thể Delta, nhưng chúng vẫn làm tốt nhiệm vụ ngăn chặn ca bệnh nặng và tử vong đáng kể.
Cũng trong bối cảnh biến thể Delta đầy thách thức, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden và một số chính phủ phương Tây khác đã lo ngại về khả năng "nhiễm đột phá" ở những người đã được tiêm chủng. Qua đó cho thấy khả năng bảo vệ của vaccine đang suy yếu, và cần thúc đẩy liều tiêm tăng cường như một cách để củng cố khả năng miễn dịch.
Tuy nhiên, giới khoa học hàng đầu quốc tế hôm 13/9 đã lập luận rằng vaccine Covid-19 hiện cần được ưu tiên cho những liều đầu tiên trên toàn cầu, qua đó nhắc lại lời kêu gọi trì hoãn tiêm mũi 3 ở các nước giàu có.
Các nhà khoa học đã viết trên tạp chí y khoa Lancet: "Bất kỳ quyết định nào về nhu cầu tiêm tăng cường hoặc thời điểm tiêm tăng cường phải dựa trên các phân tích cẩn thận về dữ liệu lâm sàng hoặc dịch tễ học được kiểm soát đầy đủ, hoặc cả hai, minh chứng cho việc giảm số ca bệnh nặng một cách liên tục và bền vững".
Với lập luận này, các bằng chứng hiện tại không cho thấy nhu cầu cần tiêm tăng cường đối với phần đông dân số toàn cầu nói chung, nhất là khi hiệu quả của vaccine chống lại các ca bệnh nặng vẫn còn cao.
"Nguồn cung cấp vaccine hiện tại có thể cứu nhiều mạng sống hơn nếu được sử dụng cho những quần thể chưa được tiêm chủng trước", các tác giả viết, lưu ý rằng các mũi tăng cường có thể gây rủi ro nếu được triển khai quá sớm hoặc quá thường xuyên.
Các tác giả của bài báo bao gồm những nhà khoa học hàng đầu của WHO như bà Soumya Swaminathan, bà Ana-Maria Henao-Restrepo và ông Mike Ryan, cùng Giám đốc Văn phòng Nghiên cứu và Đánh giá vaccine của Cục Quản lý Dược phẩm Mỹ (FDA) Marion Gruber và Phó Giám đốc Phil Krause.