Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hiệu quả kép từ cơ giới hóa

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những năm gần đây, với việc ưu tiên cho vay vốn Quỹ Khuyến nông (QKN) TP đầu tư đưa cơ giới hóa (CGH), Trung tâm Khuyến nông Hà Nội không chỉ giúp nông dân giảm chi phí, tăng thu nhập mà còn thúc đẩy phát triển vùng sản xuất hàng hóa tập trung.

 Thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp Kubota tại xã Vạn Thái, huyện Ứng Hòa. Ảnh: Ánh Ngọc
Nhiều lợi ích
Vụ Xuân 2018, hộ anh Nguyễn Hữu Nam, ở xã Xuân Nộn (huyện Đông Anh) được vay vốn từ QKN TP 400 triệu đồng để mua máy gặt đập liên hợp Kubota. Anh Nam chia sẻ, với giá gặt lúa dịch vụ dao động từ 130.000 - 180.000 đồng/sào, vào vụ thu hoạch rộ, mỗi ngày anh thu nhập hàng chục triệu đồng, như vậy chỉ sau khoảng 4 vụ lúa anh sẽ thu hồi số vốn đầu tư ban đầu”.
Từ năm 2017 đến nay, trên cơ sở tiếp nhận, kiểm tra, thẩm định thực tế các phương án sản xuất của hộ có nhu cầu vay vốn CGH trên địa bàn TP, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã giải ngân QKN gần 30 tỷ đồng với 74 phương án cho các hộ nông dân của 8 huyện ngoại thành vay vốn.
Tương tự, hộ ông Chu Văn Hùng, ở xã Minh Đức (huyện Ứng Hòa) cũng được vay vốn từ QKN TP mua máy cấy. “Nhờ có máy móc thay thế sức người mà năng suất, chất lượng lúa đã tăng lên rõ rệt. Đơn cử như khâu cấy do cấy mạ non, nông và thưa nên lúa đẻ nhánh sớm, tập trung, nhờ đó bông lúa to, dài, tỷ lệ hạt chắc cao và hạn chế được sâu bệnh” - ông Hùng cho hay.

Đáng nói, nhận thức của người nông dân về áp dụng CGH trong sản xuất lúa đã được nâng lên rõ rệt, diện tích lúa áp dụng cũng tăng dần qua các năm. Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Nguyễn Chí Viễn cho rằng, nhờ đẩy mạnh CGH vào sản xuất lúa mà những năm gần đây, huyện luôn đảm bảo được 100% diện tích gieo cấy lúa theo kế hoạch. Đối với các xã có số lượng lớn lao động trẻ đi làm việc tại các khu công nghiệp như Đông Lỗ, Đại Cường, Kim Đường, Đại Hùng thì việc áp dụng CGH vào khâu thu hoạch lúa có vai trò rất quan trọng. Thực tế cho thấy, CGH đã giúp nông dân tiết kiệm thời gian, giảm chi phí, công lao động, kịp thời giải phóng đất để sản xuất kịp thời vụ.

Hỗ trợ kịp thời

Là huyện có diện tích gieo cấy lúa lớn, trung bình đạt 10.000ha/vụ nên việc đưa CGH vào sản xuất có vai trò quan trọng đối với Ứng Hòa. Từ năm 2017 đến nay, toàn huyện có 5 hộ được vay vốn QKN TP 2 tỷ đồng để mua 5 máy gặt đập liên hợp; 2 hộ vay 500 triệu đồng mua máy làm đất; 2 hộ được hỗ trợ một phần kinh phí để mua máy cấy lúa. Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Kinh tế huyện Ứng Hòa Đặng Thị Tươi cho biết, cùng với sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, huyện đang tích cực đầu tư cơ sở hạ tầng, hệ thống kênh mương, phấn đấu nâng tỷ lệ CGH trong khâu cấy máy đạt 20% vào năm 2020.

Bên cạnh việc cho vay đầu tư CGH, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội còn xây dựng các mô hình trình diễn giống lúa mới kết hợp áp dụng CGH đồng bộ tại các huyện ngoại thành. Đánh giá hiệu quả cho thấy, các mô hình sau áp dụng CGH đồng bộ đã góp phần làm tăng năng suất lúa từ 10 – 15%, giảm chi phí sản xuất từ 30 – 50% (tương đương 7 – 9 triệu đồng/ha) so với sản xuất lúa theo phương thức thủ công. Mặt khác, thời gian lao động được rút ngắn, lao động dôi dư chuyển sang làm việc khác tạo thêm nguồn thu nhập cho nông dân.

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương cho biết, thời gian tới, trung tâm tiếp tục đẩy mạnh công tác khảo sát, kiểm tra, thẩm định hồ sơ nhằm kịp thời hỗ trợ nông dân vay vốn từ QKN TP để phát triển sản xuất. Trong đó, đặc biệt ưu tiên cho vay đầu tư CGH đồng bộ sản xuất lúa, các mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao. Phấn đấu các mô hình vay vốn từ QKN đạt giá trị sản phẩm hàng hóa từ 300 - 350 triệu đồng/ha/năm, các mô hình điểm ứng dụng công nghệ cao đạt từ 400 - 500 triệu đồng/ha/năm.