Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hiệu quả kép từ mô hình Câu lạc bộ B93

Trần Oanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khi tham gia câu lạc bộ (CLB) B93 - mô hình quản lý, giáo dục, tư vấn, giúp đỡ người cai nghiện ma túy tái hòa nhập cộng đồng, nhiều hội viên đã được sinh hoạt trị liệu, hỗ trợ học nghề, tìm kiếm việc làm, vay vốn tạo việc làm có thu nhập và ổn định cuộc sống.

Hội viên Câu lạc bộ B93 ở các phường của quận Cầu Giấy được tư vấn, khám sức khỏe, điều trị các bệnh về phòng chống tái nghiện. Ảnh: Trần Oanh
Hội viên được sinh hoạt trị liệu, hỗ trợ việc làm
Tất cả những người nghiện ma túy, trong thời gian cai nghiện tại cơ sở tập trung hay tại gia đình, cộng đồng đều rất thành công, không còn sử dụng ma túy. Nhưng sau khi kết thúc thời gian cai nghiện, nếu không có những biện pháp hỗ trợ phù hợp nhiều người rất dễ tái nghiện trở lại. Tuy nhiên, mô hình CLB B93 được duy trì với mục đích quản lý, hỗ trợ người sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống đã được duy trì và hoạt động hiệu quả tại một số quận, huyện trên địa bàn TP Hà Nội.
Phó Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội, Sở LĐTB&XH Hà Nội Nguyễn Văn Lập thông tin: Từ năm 1996 mô hình CLB B93 bắt đầu được thí điểm tại 5 xã trên địa bàn TP Hà Nội. Từ kết quả tích cực ban đầu, năm 2002, TP Hà Nội đã mở rộng mô hình CLB B93 đến 88 xã, phường. Trong quá trình triển khai thực hiện luôn gắn liền với việc đánh giá, xếp loại và loại bỏ các mô hình không hiệu quả. Vì vậy, đến cuối năm 2020, toàn TP còn lại 37 CLB B93 với 290 hội viên hoạt động có hiệu quả tại 37 phường thuộc các quận Hoàn Kiếm, Cầu Giấy, Long Biên, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai và huyện Gia Lâm.

Hoạt động chủ yếu của các CLB B93 là phân công các thành viên ban chủ nhiệm tới hỗ trợ từng hội viên, tư vấn tâm lý, hỗ trợ xã hội. Đồng thời tổ chức sinh hoạt CLB định kỳ, kiểm soát hội viên tái sử dụng chất ma túy. Đồng thời hỗ trợ học viên học nghề, tìm kiếm việc làm, bố trí việc làm sẵn có tại địa phương để ổn định cuộc sống.
Chia sẻ về hoạt động hỗ trợ tạo thu nhập cho hội viên, ông Nguyễn Văn Lập cho biết: Các thành viên ban chủ nhiệm CLB đã tư vấn, định hướng cho hội viên chấp nhận và tìm kiếm việc làm phù hợp với thực tế và năng lực bản thân. Và, chú trọng những nghề dễ học, dễ làm, thời gian học ngắn, hình thức học đơn giản. Khi CLB B93 thấy địa phương có điều kiện, đã tổ chức cho các hội viên trông xe, rửa xe, tham gia tổ tự quản, bảo vệ dân phố.
“Trong giai đoạn 2016 - 2020, các CLB B93 đã hỗ trợ học nghề cho 154 lượt hội viên và hỗ trợ 160 lượt hội viên có việc làm, hỗ trợ cho 25 gia đình hội viên vay vốn tạo việc làm với tổng số tiền lên tới 590 triệu đồng” - ông Nguyễn Văn Lập chia sẻ.

Câu lạc bộ B93 giúp hội viên hòa nhập cộng đồng

Theo đánh giá của Sở LĐTB&XH Hà Nội, hoạt động của mô hình CLB B93 đã gắn kết trách nhiệm của đoàn thể, gia đình và cá nhân trong việc quản lý, giáo dục, tư vấn, giúp đỡ người sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng. Nhiều hội viên tham gia sinh hoạt CLB B93 định kỳ đã có sự thay đổi nhận thức, sửa đổi, loại bỏ dần những hành vi lệch chuẩn liên quan đến sử dụng ma túy. Bên cạnh đó, hội viên được trang bị những kiến thức pháp luật, đạo đức, giá trị sống, kiến thức bảo vệ sức khỏe. Khi được hòa đồng với tập thể, hội viên giảm bớt mặc cảm, tự ti và có kỹ năng sống để vượt qua những khó khăn về tâm lý, áp lực môi trường đối với việc sử dụng ma túy.
Qua sinh hoạt CLB B93, nhiều hội viên tiến bộ được địa phương giải quyết việc làm để hạn chế thời gian nhàn rỗi, có thu nhập. Trưởng phòng LĐTB&XH quận Cầu Giấy Nguyễn Quang Hồng thông tin: Quận Cầu Giấy có 8 CLB B93 với 76 người tham gia sinh hoạt. 100% người nghiện sau khi cai nghiện tham gia CLB B93, được tư vấn, khám sức khỏe, điều trị các bệnh cơ bản về phòng chống nghiện, mất ngủ, rối loạn tâm lý, hỗ trợ uống thuốc thay thế Methadone. Đã có 16 người được học nghề, tư vấn giới thiệu việc làm; 8 người được hỗ trợ vay vốn gần 300 triệu đồng để giải quyết việc làm. Từ những hoạt động hỗ trợ trên, số người không tái nghiện trong 5 năm chiếm 65 – 70%.

Ban chủ nhiệm các CLB B93 cho rằng, thành công của CLB B93 có yếu tố hết sức quan trọng đó là sự quan tâm của các cấp lãnh đạo và sự vào cuộc của các ban ngành đoàn thể ở địa phương. Tình nguyện viên có vai trò hết sức quan trọng trong hoạt động của CLB B93, giúp đỡ người cai nghiện ma túy hòa nhập cộng đồng. Theo đó, tình nguyện viên phải có tính kiên trì, nhẫn nại, bình tĩnh, tình cảm khi tiếp cận đối tượng cai nghiện ma túy. Cùng với đó là có kiến thức về phòng, chống ma túy để tư vấn cho đối tượng; có kỹ năng để vận động, giúp đỡ, sẻ chia...
“Nhờ vận dụng những biện pháp trên, trong nhiều năm làm công tác xã hội ở phường, tôi đã giúp đỡ được 12 người cai nghiện thành công. Trong đó, tôi luôn tự hào về cháu Tr.T.H sau khi cai nghiện, nay đã trở thành Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu thực phẩm tươi sạch; cháu Ng.V.A làm Giám đốc DN chuyên xuất, nhập khẩu sản phẩm đông lạnh...” - bà An Thị Hồng - Chủ nhiệm CLB B93 phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng phấn khởi cho biết.
Phòng, chống ma túy được các chủ nhiệm CLB 93 ví như là cuộc chiến rất gian nan và khó khăn. Bởi vậy, ban chủ nhiệm các CLB B93 mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương và sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên của các đoàn thể, tổ chức chính trị từ phường xã đến tổ, thôn. Để từ đó, qua mô hình hoạt động của CLB B93 tạo cơ hội cho người cai nghiện ma túy tái hòa nhập cộng đồng bền vững, chính là đem lại sự bình yên cho mỗi gia đình và xã hội.