Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hiệu quả kép từ trồng sen cao sản

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mô hình trồng hoa sen cao sản tại xã Đại Thịnh, huyện Mê Linh do Trung tâm Khuyến nông Hà Nội triển khai đã và đang khẳng định hiệu quả vượt trội, khi thích ứng với biến đổi khí hậu và mang lại thu nhập cao cho nông dân địa phương.

Năm 2021, được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, Trạm Khuyến nông huyện Mê Linh, chính quyền địa phương đã thực hiện "Mô hình trình diễn cây trồng giống mới năng suất, chất lượng thích ứng biến đổi khí hậu" với việc triển khai trồng hoa sen cao sản.

Anh Lã Quang Khanh, xã Đại Thịnh, huyện Mê Linh thu hoạch sen. Ảnh: Thúy Vi
Anh Lã Quang Khanh, xã Đại Thịnh, huyện Mê Linh thu hoạch sen. Ảnh: Thúy Vi

Theo Trưởng phòng Khuyến nông trồng trọt (Trung tâm Khuyến nông Hà Nội) Nguyễn Văn Hà, thời điểm thực hiện mô hình cũng là lúc dịch Covid-19 hoành hành, phải thực hiện giãn cách xã hội dẫn đến việc chỉ đạo gặp nhiều khó khăn.

Chuyên gia tư vấn và cán bộ kỹ thuật không thể hướng dẫn "cầm tay chỉ việc" mà phải hướng dẫn qua hình ảnh, video nhưng mô hình vẫn triển khai đúng tiến độ. Hai giống sen mới đưa vào trồng thích nghi tốt, tỷ lệ sống đạt trên 90%.

Sen Bách Diệp có số cánh 139, năng suất 18.000 hoa/ha, với lợi thế số lượng nhị và mùi thơm vượt trội nên sen Bách Diệp phù hợp ướp chè sen hoặc chế biến, trang trí món ăn. Sen Quan Âm có số cánh 316, năng suất 25.000 hoa/ha, cánh xếp dày hơn, đường kính hoa to hơn, độ bền cao hơn nên giá trị thẩm mỹ cao hơn, thường sử dụng để trang trí.

Thực tế, chi phí sản xuất 1ha sen cao hơn rất nhiều (136 triệu đồng) so với 1ha lúa (33 triệu đồng) nhưng chủ yếu tập trung ở khâu giống, trồng 1 lần cho thu hoạch lâu năm. Việc trồng sen có thể mở rộng sang lĩnh vực mới như: Phát triển các loại hình du lịch sinh thái gắn với cây sen, kết hợp dịch vụ chụp ảnh lưu niệm, hoạt động trải nghiệm, ẩm thực, nghề ướp chè sen, sản phẩm khác từ sen.

Anh Lã Quang Khanh, một trong những hộ tham gia mô hình chia sẻ: "Trong mô hình, tôi sử dụng nửa giống sen Quan Âm, nửa giống sen Bách Diệp. Sen Quan Âm cho bông to, thời gian thu hoạch kéo dài thêm 2 tháng, giá bán 5.000 - 7.000 đồng/bông, cao gấp đôi sen Bách Diệp nên dù chi phí giống ban đầu đắt hơn, lượng phân bón và công chăm sóc như nhau nhưng hiệu quả tốt. Tôi đang chuyển giao công nghệ, bán giống cho bà con vùng lân cận".

Theo Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Mê Linh Nguyễn Tiến Hùng, từ mô hình điểm cho thấy, hiệu quả kinh tế từ trồng sen lãi gấp 4 - 5 lần so với lúa, môi trường cũng chuyển biến tích cực. Do đó, huyện đã tạo điều kiện cho nhiều hộ dân chuyển sang trồng sen kết hợp nuôi trồng thủy sản.

Hiện nay, sản phẩm hoa sen, trà sen của huyện với nhãn hiệu "Bạch thiên sen Hải Linh" được giới thiệu ở nhiều hội chợ, hội nghị... Cùng với đẩy mạnh chuyển đổi từ đất lúa trũng kém hiệu quả sang trồng sen, huyện sẽ đưa sản phẩm sen vào chế biến sâu và tham gia phân hạng trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).