Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hiệu quả liên kết quản lý, bảo vệ rừng

Ngọc Ánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những năm qua, nhờ thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa Chi cục Kiểm lâm Hà Nội với Chi cục Kiểm lâm các tỉnh giáp ranh nên số vụ cháy rừng, chặt phá cây rừng, buôn bán lâm sản giảm rõ rệt.

Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả trong bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn diện tích rừng hiện có của mỗi địa phương.

Lực lượng kiểm lâm Hà Nội tăng cường tuần tra góp phần quản lý, bảo vệ rừng hiệu quả. Ảnh: Ngọc Ánh
Lực lượng kiểm lâm Hà Nội tăng cường tuần tra góp phần quản lý, bảo vệ rừng hiệu quả. Ảnh: Ngọc Ánh

Chuyển biến tích cực

Hà Nội có hơn 27.000ha rừng và đất lâm nghiệp ở 7 huyện, thị xã. Rừng của Hà Nội nằm giáp ranh với các tỉnh: Hà Nam, Hòa Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Bắc Ninh. Thời gian qua, nhờ tăng cường sự phối hợp của lực lượng chức năng và chính quyền địa phương nên công tác quản lý, bảo vệ rừng ở khu vực giáp ranh có những chuyển biến tích cực. Tình trạng chặt phá cây rừng, lấn chiếm đất rừng giảm mạnh; số vụ cháy rừng được phát hiện và dập tắt kịp thời; nạn săn bắt động vật hoang dã, buôn bán lâm sản dần được kiểm soát.

Điển hình, trong tháng 3/2022, trong khi tuần tra chung, lực lượng kiểm lâm Hà Nội và Vĩnh Phúc đã phát hiện một hộ dân xây dựng lán trại trái phép trong rừng tại lô 11, khoảnh 2, thuộc khu vực Khe Xanh, thôn Lập Đinh, xã Ngọc Thanh (TP Phúc Yên). Lực lượng kiểm lâm hai bên đã lập biên bản, yêu cầu chủ vi phạm dừng hoạt động xây dựng công trình kiên cố và báo cho chính quyền địa phương xử lý.

Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Sóc Sơn (Hà Nội) Nguyễn Văn Hải cho biết, để duy trì hiệu quả hoạt động liên kết bảo vệ rừng giáp ranh, vào mùa hanh khô, đơn vị chỉ đạo kiểm lâm phụ trách địa bàn xã Minh Trí (giáp với xã Ngọc Thanh) xây dựng kế hoạch phối hợp tuần tra quản lý chung bảo vệ rừng. Cùng với đó, vận động Nhân dân phát triển rừng kết hợp với xây dựng lực lượng quần chúng bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm trong cộng đồng dân cư.

Hay như Hạt Kiểm lâm Chương Mỹ (Hà Nội), căn cứ vào tình hình thực tế, hàng năm, Hạt phối hợp với Hạt Kiểm lâm Lương Sơn (Hòa Bình) tổ chức 3 buổi tuyên truyền phổ biến pháp luật về quản lý bảo vệ rừng và PCCCR cho 250 lượt người dân trên địa bàn giáp ranh tham gia. Đồng thời tổ chức 2 đợt tuần tra, kiểm tra chung; vận động Nhân dân, chủ rừng ký cam kết bảo vệ rừng, không xâm canh, xâm cư trái phép; không khai thác, chặt phá rừng, săn bắn, bẫy bắt động vật rừng và buôn bán, vận chuyển lâm sản trái pháp luật tại vùng giáp ranh.

Tương tự, Hạt Kiểm lâm huyện Mỹ Đức phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện Lạc Thủy (tỉnh Hòa Bình), Hạt Kiểm lâm huyện Kim Bảng (tỉnh Hà Nam) vận động Nhân dân sinh sống gần khu du lịch chùa Hương và chùa Tiên thực hiện tốt công tác PCCCR trước, trong và sau mùa lễ hội. Nhờ vậy, năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, các khu vực này không xảy ra cháy rừng, phá rừng trái phép, không có tranh chấp địa giới hành chính về rừng và đất lâm nghiệp.

Ảnh: Ngọc Ánh
Ảnh: Ngọc Ánh

Nâng hiệu quả quản lý, bảo vệ rừng tại chỗ

Tuy đạt được kết quả bước đầu nhưng công tác phối hợp trong quản lý, bảo vệ rừng ở vùng giáp ranh giữa TP Hà Nội và các tỉnh còn một số khó khăn, bất cập. Trong đó, lực lượng kiểm lâm địa bàn ở vùng giáp ranh còn mỏng; phương tiện, kinh phí hỗ trợ cũng như các điều kiện đáp ứng cho công tác tuần tra, kiểm tra rừng của kiểm lâm hầu như không có; tình trạng mua bán, chuyển nhượng rừng và đất lâm nghiệp chưa tuân thủ quy định của pháp luật. Các khu du lịch sinh thái ngày càng được đầu tư mở rộng, gây nhiều khó khăn cho công tác bảo vệ, PCCCR.

Để thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội Lê Minh Tuyên đề xuất UBND các tỉnh, TP có giải pháp quản lý bảo vệ rừng phù hợp với từng địa phương. Trên cơ sở quy chế phối hợp đã ký, ngành Kiểm lâm các tỉnh, TP chỉ đạo hạt kiểm lâm chủ động tham mưu với UBND cấp huyện, xã và các chủ rừng tổ chức hội nghị thống nhất biện pháp thực hiện trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và PCCR tại nơi giáp ranh. Ngoài ra, tiến tới hoàn thiện quy chế phối hợp xuống tận cấp huyện, xã, thôn, bản để nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ rừng tại chỗ.

Đồng tình với đề xuất này, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm các tỉnh: Hòa Bình, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc cho rằng, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đến mọi tầng lớp Nhân dân vùng giáp ranh, nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật. Đồng thời, niêm yết công khai số điện thoại đường dây nóng tại trụ sở các trạm kiểm lâm để Nhân dân tố giác đối tượng vi phạm Luật Lâm nghiệp. Cùng với đó, các địa phương tăng nguồn kinh phí hoạt động cho các thôn, tổ, đội tham gia bảo vệ rừng. Như vậy mới nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phối hợp trong thời gian tới.