Hiệu quả mô hình: “Giờ môi trường trong ngày, ngày môi trường trong tuần”

Thu Hiền - Quang Hưng (Ban Quản lý dự án ĐTXD công trình Nông nghiệp và PTNT TP Hà Nội)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong những năm qua, công tác bảo vệ môi trường tại Hà Nội đã thực sự lan tỏa đến các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp, người dân. Nhiều mô hình sáng tạo, thiết thực được ra đời với mong muốn góp phần giữ gìn môi trường Thủ đô ngày càng sáng - xanh - sạch - đẹp.

LTS: Cuộc thi viết về Bảo vệ môi trường trên địa bàn TP Hà Nội lần thứ 2 do báo Kinh tế & Đô thị phối hợp tổ chức, đến nay đã nhận được rất nhiều các tác phẩm dự thi trên khắp mọi miền cả nước. Mỗi tác phẩm của các tổ chức, cá nhân là những đóng góp quan trọng nhằm bảo vệ môi trường Thủ đô. Trong đó, phải kể đến Ban Quản lý dự án ĐTXD công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Hà Nội với hàng chục tác phẩm dự thi. Nội dung bài dự thi là những sáng kiến, mô hình rất thiết thực, như vấn đề phòng chống rác thải nhựa, túi nilon, việc thay thế và loại bỏ hoàn toàn bếp than tổ ong, vệ sinh môi trường tại nơi làm việc, khu dân cư…

Dưới đây là 2 mô hình bảo vệ môi trường được cán bộ Ban Quản lý dự án ĐTXD công trình NN&PTNT TP Hà Nội phát hiện và ghi nhận  gửi đến Cuộc thi. Xin giới thiệu cùng Bạn đọc: 

Hiệu quả từ mô hình điểm thu gom phế liệu

Mô hình điểm thu gom phế liệu tại cơ quan Ban Quản lý dự án ĐTXD công trình NN&PTNT TP Hà Nội là một điểm tập kết phế liệu tập trung nhằm mục đích thu gom phế liệu phát sinh trong quá trình công tác của cán bộ, nhân viên Ban Quản lý dự án.

Đoàn Thanh niên Ban Quản lý dự án đã bố trí 2 điểm tập kết rác thải giấy, bìa, nilon tại 2 góc nhỏ trong khuôn viên làm việc của cơ quan tại 2 địa chỉ làm việc. Đoàn Thanh niên luôn tuyên truyền, vận động các đồng nghiệp trong cơ quan tập kết giấy hỏng bỏ đi vào điểm tập kết quy định. Phân loại chọn rra những loại rác có thể tái chế như: Chai nhựa, vỏ lon bia, bìa carton, giấy vụn…, đến cuối tháng bàn giao cho cán bộ bộ phận văn phòng bán. Số tiền thu được tuy không nhiều nhưng đã giúp nâng cao ý thức phân loại rác thải và bảo vệ môi trường của toàn cơ quan, tránh tình trạng lãng phí, rác bừa bãi mất mĩ quan cảnh quan chung của cơ quan.

Đây là môi hình bảo vệ môi trường rất thiết thực, dễ dàng triển khai tại các cơ quan hành chính Nhà nước nói riêng cũng như các tập thể cán bộ khác.

Rộn ràng " Giờ môi trường..." ở chung cư

Mô hình “Giờ môi trường trong ngày, ngày môi trường trong tuần” tại chung cư 8A-8B, Tổ dân phố số 6, Khu đô thị Văn Quán, quận Hà Đông, TP Hà Nội cũng là một trong những mô hình hiệu quả.

Điểm thu gom phế liệu tại một khu chung cư trên địa bàn Hà Nội. Ảnh: Hà Phương
Điểm thu gom phế liệu tại một khu chung cư trên địa bàn Hà Nội. Ảnh: Hà Phương

Sân chung cư là nơi không chỉ cư dân của 2 tòa nhà 8A và 8B hàng ngày xuống vui chơi, thể dục thể thao và tham gia các hoạt động xã hội khác mà còn là điểm đến vui chơi, sinh hoạt của cư dân những khu vực khác đến đây tham gia. Chính vì vậy, do lượng người tập trung sinh hoạt đông, kéo theo đó là một số bộ phận người dân chưa có ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường chung, xả rác, giấy, chất thải bừa bãi làm ô nhiễm cảnh quan chung của khu chung cư.

Bà Trần Thị Ngà - cụm trưởng cụm chung cư 8A-8B cho biết: “Ban đầu, công tác môi trường gặp nhiều khó khăn do người dân bỏ rác không đúng giờ, không đúng nơi quy định. Trước thực trạng đó, hội phụ nữ khu đã phát động, vận động chị em hội viên thực hiện mô hình: Giờ môi trường trong ngày, ngày môi trường trong tuần”.

Người dân mang phế liệu đến điểm tiếp nhận tại một khu phố. Ảnh: Hà Phương
Người dân mang phế liệu đến điểm tiếp nhận tại một khu phố. Ảnh: Hà Phương

Cùng với xây dựng mô hình, Hội phụ nữ thường xuyên tuyên truyền cho hội viên, phụ nữ và các hộ gia đình về tác hại của rác thải đối với môi trường, cuộc sống và sức khỏe của con người. Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, chị em trong ban chấp hành đã gương mẫu thực hiện và vận động chị em tham gia dọn vệ sinh xung quanh nhà, sân chung cư, đốt lá cây khô và thu dọn. Các hộ gia đình, thành viên hộ gia đình thuộc hai tòa chung cư đều hưởng ứng rất nhiệt tình. Hơn cả mong đợi, phong trào còn được các hộ gia đình ở khu liền kề xung quanh chung cư hưởng ứng, cùng góp sức góp công.

Không những vậy, các gia đình còn tự nguyện góp tiền, mua những thùng rác lớn đặt ở các góc sân và treo các biển báo để cư dân tòa nhà cùng như người dân nơi khác đến được chỉ dẫn vứt rác đúng nơi quy định.

Nhờ có mô hình trên, thời gian qua công tác bảo vệ môi trường của cư dân tòa chung cư được triển khai đã đạt được những kết quả tích cực. Từ hiệu quả thiết thực mang lại, mô hình đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của người dân.

Qua đó, cư dân trong khu đều đều tự giác tập kết rác đúng địa điểm quy định, đồng thời tích cực cùng  Hội phụ nữ dọn dẹp vệ sinh chân tòa nhà, khu vực công cộng góp phần bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp, góp phần xây dựng hình ảnh khu đô thị văn minh, chất lượng cuộc sống ngày càng được nâng cao.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần