Hiệu quả những mô hình tổ hòa giải ở Long Biên

Phương Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, công tác hòa giải ở cơ sở tại quận Long Biên được quan tâm, chú trọng, để hóa giải các mâu thuẫn tại các khu dân cư, tổ dân phố.

Nhờ duy trì hiệu quả các tổ hòa giải, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn quận luôn được giữ vững.
Tham gia công tác hòa giải nhiều năm, bà Lê Thị Chương (sinh năm 1957) hiện là hòa giải viên tiêu biểu của Tổ dân phố 2, phường Việt Hưng, quận Long Biên. Vốn là người nhiệt tình, năng nổ, trách nhiệm cao với cộng đồng, bà luôn được người dân ủng hộ. Hàng ngày, bà dành phần lớn thời gian để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân trong khu vực, khi có những khúc mắc chưa giải quyết được, mọi người đều tìm đến bà.
Có khi người dân điện thoại đề nghị bà đến chứng kiến việc đốt than tổ ong, hay chuyện thả cả đàn chó ra ngõ của nhà hàng xóm… “Tôi tham gia hòa giải với mong muốn giúp ích cho cộng đồng, giúp người dân sống gần gũi nhau hơn. Trong quá trình hòa giải, giải quyết mâu thuẫn, tùy thuộc vào vụ việc, đối tượng cụ thể, tôi vận dụng những hiểu biết về pháp luật, những quy ước của địa phương để phân tích, giải thích có lý, có tình theo phương châm “Đúng sai phân minh - lý tình trọn vẹn”" - bà Lê Thị Chương chia sẻ.
 Một buổi trao đổi về công tác hòa giải tại phường Giang Biên (quận Long Biên). 
Trong khi đó, bà Phạm Thị Bính – Hòa giải viên Tổ hòa giải số 9, phường Cự Khối, quận Long Biên có niềm đam mê hòa giải và tinh thần nhiệt tình, cần mẫn, trách nhiệm với vai trò Tổ trưởng Tổ hòa giải. Với tinh thần trách nhiệm, cùng khả năng thuyết phục, bà đã hòa giải thành công rất nhiều vụ trong tổ.
Để hòa giải thành một vụ việc, có khi bà phải dành ra cả tuần hoặc cả tháng, hiếm có vụ việc nào hòa giải một lần mà thành công, mà phải đi lại nhiều lần, lựa lời hỏi thăm, chia sẻ, để các bên cùng lắng nghe, thấu hiểu, dần dần hóa giải được mâu thuẫn. Bà luôn nhắc nhở mình, làm công tác hòa giải phải đặt chữ “Tâm” lên hàng đầu, phải khách quan nhìn nhận sự việc, cân nhắc kỹ vừa có lý, vừa đủ tình.
Yếu tố then chốt của người hòa giải là phải hết sức nhẹ nhàng, bình tĩnh và khách quan để tìm ra nguyên nhân, giải quyết mâu thuẫn tận gốc, hàn gắn quan hệ gia đình, gắn kết tình làng, nghĩa xóm. Nhiều năm làm công tác hòa giải, nhiều vụ việc tranh chấp đất đai, tranh chấp lối đi, rãnh nước chảy, mâu thuẫn vợ chồng, mẹ chồng nàng dâu... đã được bà hòa giải thành công và giải quyết ổn thỏa, giữ được tình cảm láng giềng, gia đình.

Trong khi đó, tại phường Thạch Bàn (quận Long Biên), có nhiều hộ gia đình có đất nông nghiệp đã được UBND quận Long Biên thu hồi, GPMB xây dựng dự án; nhiều diện tích đất liền kề của người dân có nhu cầu thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng. Từ lý do trên đã xảy ra một số vụ việc mâu thuẫn tranh chấp ngõ đi liên quan đến việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất của người dân, khiến Tổ hòa giải số 16 (phường Thạch Bàn) phải vào cuộc. Đơn cử như đơn của ông Mai Văn T. đề nghị dừng việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với bà Dương Thị V.
Sau khi xem xét đơn của ông T., các thành viên tổ hòa giải đã vào cuộc, phân tích giữa lý và tình với hai bên. Sau khi nghe phân tích, phía bà V. đã đồng ý thực hiện hỗ trợ kinh phí công tôn tạo ngõ đi cho ông T; còn phía ông T. cam kết tạo điều kiện cho gia đình bà V. được sử dụng đoạn ngõ đi này. Hai bên bắt tay đoàn kết, vui vẻ; thậm chí còn nói trong buổi hòa giải: “Việc này nhẽ ra không nên có”.

Theo UBND quận Long Biên, trên địa bàn quận có hơn 200 tổ hòa giải với gần 1.400 hòa giải viên. Các phường đã rà soát, kiện toàn các tổ hòa giải, đăng ký “Tổ hòa giải 5 tốt”, thường xuyên được củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần