Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hiệu quả thiết thực từ công tác khuyến công

Ngọc Mừng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thông qua hoạt động khuyến công của TP trong năm 2019 đã đào tạo, truyền cấy nghề cho hàng nghìn lao động tại các làng nghề; hỗ trợ DN nâng cao năng lực quản trị, điều hành; nâng cao chất lượng mẫu mã sản phẩm; tăng cường đầu tư máy móc; tăng cường kết nối cung – cầu sản phẩm…

 Khách hàng tham quan tại Hội chợ quốc tế quà tặng hàng thủ công mỹ nghệ Hà Nội năm 2019. Ảnh: Yến Chi

Nâng cao nội lực cơ sở công nghiệp nông thôn
Với nguồn kinh phí khuyến công của TP, trong năm 2019, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công Thương Hà Nội) đã phối hợp với 17 huyện, thị xã, Hội Nông dân Hà Nội, Hội Liên hiệp phụ nữ Hà Nội, Thành đoàn Hà Nội, Liên minh HTX TP, các hội, hiệp hội ngành nghề trên địa bàn Hà Nội… tổ chức 38 lớp truyền nghề, cấy nghề thủ công mỹ nghệ (TCMN). Qua đó, đã truyền, cấy nghề cho 1.330 lao động nông thôn, thời gian mỗi lớp kéo dài 3 tháng, gắn lý thuyết với thực hành, giáo viên là các nghệ nhân, thợ giỏi. Kết thúc truyền nghề, cấy nghề có 1.064 lao động (tương đương 80% số lao động được truyền nghề) được các cơ sở sản xuất bố trí việc làm với thu nhập ổn định.
Ngoài ra, tổ chức 17 lớp tập huấn nâng cao kỹ năng quản trị, điều hành cho 1.700 lượt cán bộ lãnh đạo, quản lý các cơ sở công nghiệp nông thôn. Các lớp tập huấn bao gồm các nội dung hữu ích như: Khởi sự DN, Hội nhập Kinh tế quốc tế, Thiết kế mẫu mã sản phẩm, Quản trị DN, Quản trị kinh doanh và Marketing…
Chương trình khuyến công của TP cũng đã hỗ trợ 15 DN, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn, đầu tư đổi mới máy móc, thiết bị, ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại vào sản xuất. Việc hỗ trợ đã giúp các cơ sở công nghiệp nông thôn nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm thiểu ô nhiễm môi trường thúc đẩy phát triển bền vững.
Đặc biệt, để tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm TCMN, trong nhiều năm trở lại đây, công tác khuyến công luôn chú trọng nâng cao năng lực thiết kế cho các làng nghề. Năm nay, Sở Công thương Hà Nội thông qua Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Hà Nội đã phối hợp với các đơn vị tổ chức thành công cuộc thi Thiết kế mẫu sản phẩm TMCN Hà Nội năm 2019 với chủ đề “Sản phẩm TCMN thiết kế sáng tạo”.
Cuộc thi đã thu hút 86 tổ chức, cá nhân tham gia với 261 mẫu sản phẩm mới thuộc 7 nhóm ngành thủ công mỹ nghệ tham dự. Kết thúc cuộc thi đã có 73 sản phẩm đạt giải.
Trong quá trình tổ chức cuộc thi, Sở Công Thương đã phối hợp với Hội đồng Anh tại Việt Nam đưa chuyên gia thiết kế hàng đầu của Anh đến hỗ trợ, tư vấn, định hướng cho các cá nhân tham dự cuộc thi về kiến thức, xu thế thiết kế, nhu cầu, thị hiếu thị trường châu Âu hiện tại và thời gian tới, từ đó giúp các cá nhân dự thi thiết kế ra những sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường.
Thông qua việc tổ chức Cuộc thi, đã khích lệ tinh thần sáng tạo trong thiết kế mẫu mã sản phẩm của các cá nhân, nghệ nhân, thợ giỏi ngành thủ công mỹ nghệ Hà Nội, tạo ra các sản phẩm mới có tính mỹ thuật, tính ứng dụng, tính thương mại và thân thiện môi trường, phù hợp với nhu cầu, xu hướng và thị hiếu của thị trường.
Ngoài ra, Sở cũng hỗ trợ 20 cơ sở sản xuất hàng TCMN xuất khẩu thuê chuyên gia tư vấn thiết kế mẫu sản phẩm mới, mỗi đơn vị được hỗ trợ thiết kế 2 đến 5 sản phẩm mới…
Đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa TCMN
Xác định hoạt động xuất khẩu là chủ lực của ngành TCMN TP, những năm gần đây, các hoạt động hỗ trợ cơ sở sản xuất làng nghề quảng bá giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm khách hàng mở rộng thị trường tiêu thụ được đặc biệt coi trọng. Sở Công Thương đã chủ trì tổ chức thành công Hội chợ quốc tế Quà tặng hàng TCNM Hà Nội năm 2019 với quy mô 650 gian hàng của 251 DN, cơ sở sản xuất đến từ 26 tỉnh, TP trong nước và 7 nước trên thế giới. Đã có 13.150 lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan, giao dịch tại hội chợ, trong đó có 692 nhà nhập khẩu, khách nước ngoài (bằng 108% so với năm 2018). Đáng nói, đã có 1.365 giao dịch, biên bản ghi nhớ, biên bản thỏa thuận, hợp đồng tiêu thụ sản phẩm được ký giữa các nhà nhập khẩu, khách thương mại trong nước với các DN tham gia Hội chợ, với tổng giá trị xuất khẩu ước đạt 5,9 triệu USD.
Ngoài ra, chương trình khuyến công cũng đã hỗ trợ 15 DN tham gia Hội chợ quốc tế hàng TCMN (Hội chợ Lifestyle Vietnam 2019) tại TP Hồ Chí Minh. Qua đó, các DN đã đàm phán, ký kết được một số hợp đồng, tìm kiếm được nhiều nhà nhập khẩu tiềm năng, dự kiến ký kết hợp đồng xuất khẩu năm 2019 ước đạt giá trị 867.000USD.
Cùng với đó, hỗ trợ 38 lượt DN tham gia Hội chợ xuất khẩu hàng TCMN ở nước ngoài (Đức, Nhật Bản, Hongkong (Trung Quốc)…). Việc tham gia các hội chợ quốc tế giúp các DN, cơ sở sản xuất gặp gỡ, giao dịch với các nhà nhập khẩu nước ngoài, nhằm thúc đẩy giao thương hàng hóa, tăng cường quảng bá giới thiệu sản phẩm ra thị trường quốc tế. Dự kiến doanh thu xuất khẩu từ các hợp đồng, biên bản ghi nhớ thông qua tham gia các hội chợ tại nước ngoài ước đạt 1,9 triệu USD…
Theo đánh giá của Sở Công Thương Hà Nội, trong năm qua, công tác khuyến công được triển khai đồng bộ, rộng khắp trên địa bàn 17 huyện, thị xã của TP. Qua đó đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, nâng cao thu nhập và đời sống của một bộ phận người dân nông thôn ngoại thành, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Hà Nội.
Trong quá trình triển khai các nội dung Kế hoạch khuyến công, Sở Công Thương đã chủ động lồng ghép với các chương trình, kế hoạch khác của TP như: Xúc tiến thương mại, Đào tạo nghề cho lao động nông thôn, Khoa học công nghệ, Du lịch... đảm bảo không chồng chéo, thiết thực, hiệu quả, đúng tiến độ.
Đặc biệt, ngoài phần kinh phí hỗ trợ từ ngân sách TP, công tác khuyến công đã khuyến khích, kêu gọi sự đóng góp kinh phí từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để phối hợp thực hiện nhiều nội dung với tổng kinh phí ước đạt 40 tỷ đồng.