Hiệu quả từ chương trình bình ổn giá

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù sức mua tăng mạnh nhưng Chương trình bình ổn giá của TP Hà Nội tiếp tục góp...

Kinhtedothi - Mặc dù sức mua tăng mạnh nhưng Chương trình bình ổn giá của TP Hà Nội tiếp tục góp phần ngăn chặn tình trạng khan hàng, sốt giá. Đó là nhận định của Bộ Công Thương về tình hình thị trường trước, trong và sau Tết Nguyên đán Bính Thân 2016.

Đảm bảo đủ hàng

Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, trong dịp Tết, tại các TP lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ..., sức mua tăng khoảng 15 - 20%. Tuy nhiên, các DN đã tập trung một lượng hàng hóa lớn, đáp ứng đủ nhu cầu mua sắm Tết; các chương trình giảm giá, khuyến mại, bình ổn thị trường... đã được các DN xúc tiến rộng rãi. Hệ thống siêu thị tiếp tục đóng vai trò dẫn dắt thị trường về giá cả, chất lượng, ATTP… Trong cơ cấu hàng hóa của các siêu thị chủ yếu là hàng Việt Nam chất lượng cao, mẫu mã đa dạng, giá cả ổn định nên thu hút sức mua của người dân. Tại các chợ truyền thống, bên cạnh việc đảm bảo hàng hóa phục vụ người tiêu dùng, Chương trình cũng góp phần đưa các thương hiệu trong nước đến với thị trường nông thôn.
Chương trình bình ổn giá của TP. Chương trình đã góp phần giúp thị trường Hà Nội trước, trong và sau những ngày Tết Bính Thân 2016
Chương trình bình ổn giá của TP đã góp phần ổn định thị trường trước, trong và sau những ngày Tết Bính Thân 2016
Bên cạnh sự vào cuộc của các DN, năm nay, ngành thương mại điện tử đã khá phát triển, qua đó đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân. Tại khu vực đô thị, các mặt hàng Tết, nhất là hàng đặc sản vùng miền, hàng nhập khẩu... được trao đổi mua bán qua điện thoại, internet, giao hàng tận nhà. Nguồn cung hàng hóa dồi dào về số lượng, phong phú về chủng loại, mẫu mã, đủ đáp ứng nhu cầu nên giá các loại hàng hóa trên thị trường trước và sau Tết khá ổn định. Đặc biệt, một số siêu thị có vốn đầu tư nước ngoài như Aeon, Lotte Mart, Big C…, hệ thống các cửa hàng tiện lợi của một số thương hiệu lớn tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh như Hapro, Coopmart đã phục vụ cả 3 ngày Tết, góp phần hạn chế tâm lý mua tích trữ của người dân.

Tác động tích cực của hàng bình ổn giá 

Ghi nhận của phóng viên báo Kinh tế & Đô thị ngày mùng 6 – 7 Tết (13 - 14/2) tại một số chợ như chợ Hôm, Thành Công, Kim Liên, Ngã Tư Sở..., do nguồn cung thiếu hụt nên giá rau xanh, thực phẩm tươi sống chưa giảm như mong muốn. Tuy nhiên, nhờ công tác dự trữ hàng hóa bình ổn giá được các DN tham gia Chương trình tích cực triển khai nên không xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá. Cụ thể, tại hệ thống chợ truyền thống, thịt lợn sấn, bắp giò, ba chỉ, sườn bán ở mức 110.000 – 120.000 đồng/kg (tăng 30.000 - 40.000 đồng/kg so với trước Tết), cá trắm nguyên con 80.000 – 90.000 đồng/kg (tăng 15.000 - 20.000 đồng/kg); riêng mặt hàng gà ta có giá bán 110.000 đồng/kg (giảm 30.000 đồng/kg). Nguyên nhân giá thực phẩm tăng được bà con tiểu thương lý giải do những ngày đầu năm, nhiều lò mổ chưa mở cửa trở lại nên thực phẩm khan hiếm, dẫn đến giá nhích hơn so với ngày thường.

Trái ngược việc giá thực phẩm tươi sống tăng nhẹ, giá rau xanh đang có chiều hướng giảm khoảng 7 - 10% so với trước Tết. Cụ thể, su hào có giá bán 10.000 đồng/củ, bắp cải 20.000 đồng/kg; hoa lơ 15.000 - 20.000 đồng/chiếc, cải cúc 6.000 đồng/mớ, cải ngồng 15.000 đồng/kg, rau cần 10.000 đồng/mớ, cà chua 50.000 đồng/kg… Nguyên nhân khiến giá rau xanh sau Tết không tăng là bởi các DN tham gia Chương trình bình ổn giá đã tăng cường lượng rau cung ứng cho thị trường.

Bà Trương Thị Thạch - Phó Giám đốc Công ty Siêu thị Hà Nội (DN thành viên Tổng Công ty Thương mại Hà Nội) cho biết: Nhằm đảm bảo nguồn hàng thực phẩm, rau xanh phục vụ nhu cầu người dân trước, trong và sau Tết Nguyên đán, DN đã ký kết nhiều hợp đồng mua rau tại nhiều địa phương trên cả nước như Vĩnh Phúc, Hải Dương, Đà Lạt (Lâm Đồng)… Đặc biệt, trong hợp đồng nêu rõ DN phải đảm bảo lượng hàng cho siêu thị, giá bán không tăng bất hợp lý.

“Giá nhiều mặt hàng thiết yếu ổn định, lượng hàng hóa cung ứng đủ, đáp ứng yêu cầu tiêu dùng đã một lần nữa khẳng định hiệu quả của Chương trình bình ổn giá của TP. Chương trình đã góp phần giúp thị trường Hà Nội trước, trong và sau những ngày Tết Bính Thân 2016 tiếp tục ngăn chặn tình trạng găm hàng, đầu cơ, tăng giá bất hợp lý” - bà Trần Thị Phương Lan - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội khẳng định.
Trong dịp Tết Nguyên đán Bính Thân 2016, doanh thu của các siêu thị tăng mạnh. Cụ thể: Tổng Công ty Thương mại Hà Nội đạt khoảng 250 tỷ đồng, bằng 105% so với cùng kỳ Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015; Tổng Công ty Lương thực miền Bắc, doanh thu các đơn vị trực thuộc trên địa bàn Hà Nội đạt khoảng 400 tỷ đồng; Công ty CP Nhất Nam đạt trên 210 tỷ đồng (tăng 5 - 10%); Công ty TNHH Thương mại quốc tế và dịch vụ siêu thị Big C Thăng Long đạt khoảng 400 tỷ đồng (tăng 15%); Công ty CP Dịch vụ thương mại tổng hợp Vincomerce chi nhánh Hà Nội (hệ thống siêu thị Vinmart) đạt doanh thu 482 tỷ đồng (tăng khoảng 20%).

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần