Hiệu quả từ chuyển đổi cây trồng ở Đại Hưng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để giúp nông dân phát triển kinh tế, xã Đại Hưng, huyện Mỹ Đức đã vận động người dân đưa các loại cây trồng mới có năng suất, hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất. Cách làm này bước đầu đã phát huy hiệu quả khả quan.

Để giúp nông dân phát triển kinh tế, xã Đại Hưng, huyện Mỹ Đức đã vận động người dân đưa các loại cây trồng mới có năng suất, hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất. Cách làm này bước đầu đã phát huy hiệu quả khả quan.

Chủ trương hợp lý

Đại Hưng là xã thuần nông, với diện tích đất dành cho nông nghiệp 478,97ha. Trước đây, ở địa phương cũng có nhiều hộ gia đình đã chuyển đổi sang trồng cây ăn quả, song đa phần là trồng với diện tích manh mún nên hiệu quả không cao. Sau khi dồn điền đổi thửa thành công, xã đã thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, nhằm nâng cao thu nhập cho người dân. Theo đó, xã đã thực hiện chuyển đổi được 20,2ha diện tích cây trồng truyền thống sang trồng cây ăn quả cho hiệu quả kinh tế cao như táo, cam Canh, bưởi Diễn, ổi…
Anh Bùi Văn Huy bên vườn cây ăn quả của gia đình.
Anh Bùi Văn Huy bên vườn cây ăn quả của gia đình.
Là hộ tiên phong chuyển đổi cây trồng, anh Bùi Văn Long, thôn Trinh Tiết có một mẫu vườn trồng xen kẽ các loại cam, bưởi và táo. Năm 2014, gia đình anh thu về 80 triệu đồng, theo ước tính năm nay có thể đạt 120 triệu đồng. Cách đó không xa là vườn cây nhà anh Bùi Văn Huy. Dù mới chuyển sang trồng cây ăn quả được 3 năm, song theo ước tính của anh Huy thì năm nay, 8 sào cây ăn quả của gia đình có thể cho thu về 50 triệu đồng. Theo  anh Huy, việc chăm sóc cây ăn quả không khó, người trồng chỉ mất 3 năm đầu bỏ vốn đầu tư và cải tạo, còn sau đó công việc sẽ nhẹ nhàng hơn. “Nếu cứ ôm mãi cây lúa thì không thể làm giàu được, nên gia đình quyết định chuyển sang trồng cây ăn quả. Từ những tín hiệu ban đầu này, tôi tin là làm giàu từ nông nghiệp không hề khó” - anh Huy chia sẻ.

Cơ hội làm giàu

Ông Nguyễn Thế Quân - Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết, sau 3 năm thực hiện, khu trồng cây ăn quả tập trung của Đại Hưng đã cho thu hoạch trung bình 174 triệu đồng/ha/năm. Tranh thủ các dự án hỗ trợ vốn, kỹ thuật, nhiều hộ dân ở Đại Hưng đã tạo được kinh tế ổn định, từng bước vươn lên thoát nghèo. Hiện nay, thu nhập bình quân trong xã đạt 29,2 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 2,6%. Từ hiệu quả của mô hình, xã tiếp tục mở rộng thêm 12,8ha cây ăn quả, nhằm tăng thêm thu nhập. Để khuyến khích người dân chuyển đổi cây trồng, huyện Mỹ Đức đã có chính sách hỗ trợ mỗi héc ta chuyển đổi 8 triệu đồng. Ngoài ra, địa phương còn tạo điều kiện cho các hộ vay vốn, phối hợp với các cơ quan chuyên môn phổ biến về khoa học kỹ thuật cho bà con.

Tuy nhiên, trong quá trình chuyển đổi, người dân vẫn gặp một số khó khăn cần được giải quyết như chưa có sự kết nối với DN, thị trường tiêu thụ chưa ổn định... Hơn nữa, hệ thống giao thông, thủy lợi, điện trong khu vực trồng cây ăn quả của xã chưa được đầu tư cải tạo, gây cản trở không nhỏ tới quá trình sản xuất. Mong muốn của người dân lúc này là tiếp tục nhận được sự đầu tư, hỗ trợ của các cấp chính quyền TP, tạo điều kiện cho họ yên tâm canh tác.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần