Trước thực trạng đó, liên tục những năm gần đây, Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp (PTCN), Sở Công Thương Hà Nội đã mở các lớp truyền nghề tiểu thủ công nghiệp, tạo việc làm mới và thu nhập cho lao động nông thôn, đồng thời tạo nguồn nhân lực chất lượng cho các DN, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn (CNNT) tại các địa phương. Nhu cầu việc làm và nhân lực gặp nhau Xưởng sản xuất gỗ Quý Dương (thôn Đồng Lư, xã Đồng Quan, huyện Quốc Oai) có doanh thu mỗi năm khoảng 9 tỷ đồng, sản phẩm không chỉ cung cấp cho thị trường Hà Nội và các tỉnh lân cận, mà còn vươn xa tới nhiệu địa phương khác như Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình. Hiện, cơ sở có khoảng 20 lao động làm việc thường xuyên, thu nhập bình quân của thợ có tay nghề cao vào khoảng 9 triệu đồng/tháng, thợ trung bình khoảng 7,5 triệu đồng/tháng, thợ phụ khoảng 5,5 - 6 triệu đồng/tháng. Anh Nguyễn Văn Dương, chủ xưởng cho biết, cái khó nhất của việc đào tạo lao động nghề mộc là hiện chưa có quy trình đào tạo bài bản, quy chuẩn, chủ yếu là anh em biết nghề truyền lại cho nhau theo hình thức cầm tay chỉ việc, trong khi nghề mộc đào tạo khó, mất thời gian, vì vậy lao động chuyển sang nghề khác nhiều. Trong năm 2016, cơ sở sản xuất Quý Dương được Trung tâm Khuyến công và tư vấn PTCN Hà Nội chọn làm DN phối hợp mở lớp truyền nghề mộc dân dụng theo chương trình khuyến công của TP. Vì vậy, anh Dương vô cùng phấn khởi. “Mong muốn lớn nhất của những DN như chúng tôi là Nhà nước có những ưu đãi về vốn và đào tạo nghề. Vì vậy, tôi rất hy vọng lớp truyền nghề này sẽ giúp nâng cao tay nghề của người lao động, vừa tạo việc làm cho bà con, vừa giúp DN có thêm lao động có tay nghề. Hiện, không chỉ cơ sở chúng tôi mà nhiều cơ sở sản xuất khác trên địa bàn cũng có nhu cầu nhân lực rất lớn” - anh Dương chia sẻ. Tương tự, tình trạng thiếu nhân lực cũng đang là vấn đề lớn của xưởng sản xuất gia đình ông Ngô Tá Sương - một cơ sở chuyên gia công mây tre đan và nhựa ở thôn Bạch Thạch, xã Hòa Thạch, huyện Quốc Oai. Ông Sương cho biết, nhân lực làm nghề đan lát ở cơ sở của mình chủ yếu là những nông dân nông nhàn hoặc các cháu học sinh, sinh viên nghỉ Hè. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhiều người đi làm ăn xa, nhiều công ty mở ra trên địa bàn nên lớp trẻ chuyển đi làm công nhân nhiều, cộng với mùa cấy nên rất khan hiếm người làm. “Trước đây, bà con nông nhàn thì tự đến xưởng học hỏi, nhưng bây giờ có lớp truyền nghề của TP sẽ giúp việc đào tạo được bài bản hơn, vừa giúp giải quyết việc làm trong thời gian nông nhàn cho bà con, vừa giúp chúng tôi có thêm nhân lực phục vụ sản xuất” - ông Sương nói. Quốc Oai là huyện có quá trình đô thị hóa nhanh. Tuy nhiên, đi kèm với đó, hàng nghìn héc ta diện tích đất nông nghiệp cũng nhanh chóng trở thành những khu công nghiệp, khu đô thị mới, khiến nhiều lao động nông thôn không còn đất canh tác, lâm vào cảnh khó khăn. Vì vậy, theo ông Nguyễn Hữu Toàn - Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện, công tác đào tạo nghề luôn là mục tiêu quan trọng của huyện giúp giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi, nâng cao thu nhập, đời sống người dân trong huyện. Trong những năm qua, ngoài đào tạo nghề theo chương trình mục tiêu quốc gia của Chính phủ, huyện còn phối hợp với Trung tâm Khuyến công và tư vấn PTCN triển khai được khoảng trên 30 lớp với gần 1.500 học viên được đào tạo nghề từ năm 2011 đến nay. Vì các lớp đào tạo đều có sự liên kết với các cơ sở sản xuất, kinh doanh nên lao động học xong đều có việc làm. Năm 2016, 3.850 học viên sẽ được đào tạo nghề Những năm gần đây, công tác truyền nghề tiểu thủ công nghiệp cho lao động nông thôn được TP Hà Nội đặc biệt quan tâm. Hàng chục nghìn lao động được đào tạo nghề, có công ăn việc làm; hàng trăm DN, cơ sở sản xuất CNNT được hỗ trợ mở lớp truyền nghề; nhiều địa phương không có nghề, đến nay đã có nghề góp phần thay đổi diện mạo kinh tế nông thôn… Tuy nhiên, hoạt động truyền nghề tiểu thủ công nghiệp hiện nay cũng còn gặp không ít khó khăn. Theo ông Hoàng Xuân Thủy - Giám đốc Trung tâm Khuyến công và tư vấn PTCN, đặc điểm của lao động nông thôn tham gia chương trình là phần lớn có trình độ hạn chế, việc tiếp thu kiến thức trong quá trình học nghề còn gặp khó khăn. Vì vậy, cần phải phối hợp với các cơ sở CNNT tổ chức đào tạo theo hướng gắn với nhu cầu lao động tại cơ sở theo tính chuyên môn hóa cao. Như vậy, sau đào tạo, các lao động mới có thể theo kịp quy trình sản xuất, đáp ứng được yêu cầu của DN. Vì vậy, để tăng hiệu quả công tác đào tạo nghề, Trung tâm Khuyến công và tư vấn PTCN đã phối hợp với phòng kinh tế các huyện, thị xã, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội, hiệp hội khảo sát để lựa chọn các DN, cơ sở CNNT có khả năng tiếp nhận lao động và bao tiêu sản phẩm cho các học viên để tổ chức các lớp truyền nghề. Trong năm 2016, Trung tâm Khuyến công và tư vấn PTCN Hà Nội dự kiến sẽ mở 110 lớp truyền nghề, cấy nghề, mỗi lớp 35 học viên với tổng số 3.850 học viên được đào tạo nghề. Trong số này, khoảng 70% các lớp là cấy nghề cho những địa phương chưa có nghề. Kết thúc các lớp truyền nghề phấn đấu trên 80% số lao động có việc làm.