Mở rộng liên kết với các địa phương Đẩy mạnh triển khai Kế hoạch số 1111/KH-SCT về Chương trình liên kết công nghiệp, thương mại giữa TP Hà Nội với các tỉnh, TP trên cả nước, 8 tháng qua, Sở Công Thương Hà Nội đã kiến thiết nhiều hội nghị XTTM, hội chợ triển lãm cho các địa phương, mang lại những kết quả tích cực trong việc kích cầu tiêu thụ sản phẩm. Mới đây nhất, đầu tháng 8, Sở Công Thương Hà Nội đã tổ chức hoạt động giao thương kết nối đưa các sản phẩm thế mạnh của tỉnh Thái Bình vào hệ thống phân phối của TP. Bà Trần Thị Phương Lan - Phó Giám đốc Sở Công Thương nhận định, Hà Nội là thị trường tiêu thụ nông sản lớn nhất cả nước, tuy nhiên để đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng, bên cạnh các chương trình xúc tiến, DN phải có chiến lược marketing để quảng bá sản phẩm, thương hiệu của mình. Bên cạnh hệ thống phân phối sản phẩm theo phương thức truyền thống, DN cũng cần quan tâm đến kinh doanh qua hình thức thương mại điện tử, xây dựng trang web quảng bá sản phẩm…
Cũng trong tháng 8, hội nghị tổng kết công tác sản xuất và tiêu thụ vải thiều năm 2016 của tỉnh Bắc Giang cũng đã ghi nhận những đóng góp quan trọng của các DN Hà Nội trong việc tăng doanh thu, mức tiêu thụ của sản phẩm. Trước đó, Hà Nội phối hợp với Hiệp hội DN nhỏ và vừa Bắc Giang tổ chức Hội nghị giao thương, XTTM tiêu thụ sản phẩm với sự tham gia của 60 DN. Các sản phẩm, ngành hàng đặc trưng của địa phương như vải thiều, gà đồi, mỳ Chũ, rượu Vân, các sản phẩm gỗ… đã có cơ hội được người tiêu dùng nhiều nơi biết đến. Và 15 biên bản ghi nhớ, thỏa thuận hợp tác được ký kết giữa DN hai tỉnh, TP… Không chỉ với các địa phương lân cận, việc kết nối thị trường cũng được Hà Nội triển khai mở rộng tới các tỉnh, TP khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) như An Giang, Tiền Giang, Cần Thơ... giúp các DN, cơ sở sản xuất của Hà Nội tìm hiểu vùng nguyên liệu, các sản phẩm thế mạnh của địa phương, tiến hành khai thác thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, trao đổi hàng hóa hai chiều. Qua đó, không chỉ giúp DN xây dựng quảng bá thương hiệu, tìm kiếm đối tác... mà còn giúp người dân yên tâm sản xuất với thị trường đầu ra tương đối ổn định..., người tiêu dùng có cơ hội tiếp cận hàng hóa với nguồn gốc rõ ràng, chất lượng, giá cả hợp lý... Trong khi nhiều sản phẩm công nghiệp, làng nghề thế mạnh của Hà Nội về may mặc, thực phẩm, cơ khí... đã có mặt tại thị trường các tỉnh, TP khu vực ĐBSCL. Giúp hình thành các chuỗi liên kết Để đẩy mạnh phát triển kinh tế, nhất là trong giai đoạn Hà Nội và cả nước đang ngày càng hội nhập quốc tế sâu rộng, việc liên kết vùng để phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm có vai trò rất quan trọng. Ông Lê Hồng Thăng - Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho rằng, các địa phương cần tăng cường phối hợp, thực hiện có hiệu quả các nội dung chương trình liên kết vùng, kết nối giao thương nhằm khai thác hàng hóa thế mạnh từng địa phương tiêu thụ tại thị trường Hà Nội. Trong quá trình kết nối, tiêu thụ sản phẩm, các DN Hà Nội và mỗi địa phương cần đẩy mạnh phối hợp, thông tin, định hướng cung - cầu; Hướng dẫn DN, cơ sở sản xuất áp dụng các tiêu chuẩn đã được chứng nhận như: ISO, VietGAP và GlobalGAP nâng cao chất lượng hàng nông, thủy sản… Bên cạnh đó, cần xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, cải tiến mẫu mã, bao bì sản phẩm, định hướng nội dung truyên truyền cho sản phẩm nông sản để cung cấp tới các đơn vị phân phối, người tiêu dùng thuận tiện hơn... Không chỉ tạo ra chuỗi kết nối tiêu thụ sản phẩm, Chương trình liên kết công nghiệp, thương mại giữa TP Hà Nội với các tỉnh, TP trên cả nước đã và đang phát huy những hiệu quả góp phần thực hiện tốt đề án phát triển thị trường trong nước, giúp Chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” phát huy hiệu quả thiết thực.
Doanh nghiệp tìm hiểu về các mặt hàng tại hội nghị kết nối, tiêu thụ sản phẩm giữa tỉnh Thái Bình và TP Hà Nội do Sở Công Thương Hà Nội tổ chức. Ảnh: Thu Hương |