Hiệu quả từ mô hình điều trị thay thế Methadone tại quận Nam Từ Liêm

Bài, ảnh: Trần Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những năm qua, Trung tâm y tế quận (TTYT) quận Nam Từ Liêm đã áp dụng hiệu quả mô hình điều trị bằng thuốc thay thế Methadone.

Việc điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone không những cải thiện tình trạng sức khỏe cho người nghiện mà còn giúp họ tự tin, tái hòa nhập cộng đồng, tìm lại giá trị cuộc sống.

Tìm lại cuộc sống sau chuỗi ngày đen tối

7 giờ sáng, một ngày nắng nóng gay gắt của mùa Hè, anh Lưu Văn Chiêu (45 tuổi) ở phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm tranh thủ đến cơ sở điều trị Methadone, TTYT quận Nam Từ Liêm điều trị, uống thuốc rồi mới đi làm. Anh Chiêu chia sẻ, cách đây hơn 20 năm do ăn chơi đua đòi cùng bạn bè, không làm chủ được bản thân, anh đã sa ngã vào con đường nghiện ma túy lúc nào không hay. Chìm đắm trong làn khói trắng từ năm 1998, sau những chuỗi ngày đen tối, bằng nghị lực, quyết tâm và ý chí tuyệt vời, anh Chiêu đã tìm đến cơ sở điều trị Methadone TTYT quận Nam Từ Liêm, mong muốn đoạn tuyệt với ma túy, làm lại cuộc đời.
 Bác sĩ khám cho bệnh nhân tại cơ sở điều trị Methadone, Trung tâm Y tế quận Nam Từ Liêm.
Trải qua 10 năm điều trị Methadone từ năm 2011 đến nay, anh Chiêu đã trở thành con người hoàn toàn khác. “Sau 10 năm điều trị duy trì không quản mưa nắng, gió rét, dịch bệnh, giờ đây, tôi thấy cơ thể khỏe mạnh, tinh thần ổn định. Tôi không còn cảm giác thèm nhớ ma túy và sinh hoạt điều độ hơn” - anh Chiêu cho hay.

Hiện anh Chiêu đang là công nhân cơ khí, hàn nhôm kính, với thu nhập cao 10 triệu đồng/tháng. Đến bây giờ, anh cảm thấy thật mãn nguyện khi đang sở hữu khối tài sản vô giá, đó là một gia đình hạnh phúc cùng vợ hiền và 3 người con chăm ngoan, học giỏi.

Cũng rơi vào hoàn cảnh như anh Chiêu, anh Lê Hồng Tuấn (sinh năm 1968), phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm, bị bạn bè rủ rê nên đã sa vào con đường ma túy từ năm 1995. Theo anh Tuấn, ban đầu anh cũng chỉ thử chơi ma túy cho biết, ai ngờ, về sau nghiện không thể dứt ra được. Hơn 10 năm chìm đắm trong ma túy, đã nhiều lần anh quyết tâm cai nghiện làm lại cuộc đời, để lập gia đình và có con như bao người khác nhưng anh hoàn toàn thất bại, đã có lần anh buông xuôi, chấp nhận sống chung với ma túy. Giữa lúc chới với tìm hướng làm lại cuộc đời, anh Tuấn may mắn được giới thiệu đi điều trị cai nghiện tại cơ sở điều trị Methadone quận Nam Từ Liêm. “Đến đây, chúng tôi luôn được đội ngũ cán bộ, bác sĩ đón tiếp chu đáo, đối xử bình đẳng, tư vấn nhiệt tình, được điều trị thay thế bằng Methadone miễn phí trong thời gian dài” - anh Tuấn chia sẻ.

Thế nên, từ năm 2009 đến nay, đều đặn hằng ngày, anh Tuấn đến cơ sở điều trị Methadone quận Nam Từ Liêm để uống Methadone thay thế cho các chất dạng thuốc phiện, bất kể mưa nắng, gió rét hay dịch bệnh. Dù có những hôm bản thân anh ốm, mệt nhưng anh vẫn gắng sức đến cơ sở để được hưởng lợi từ chương trình. Gần 12 năm kiên trì uống Methadone, sức khỏe của anh Tuấn chuyển biến rõ rệt. Từ khi điều trị cai nghiện bằng Methadone, cuộc sống của anh Tuấn dần thay đổi theo hướng tích cực. Thế nhưng, phiền một nỗi, vì mặc cảm, tự ti với bản thân nên đến giờ, anh vẫn chưa dám lập gia đình dù đã bước sang tuổi 53.

Nhiều lợi ích từ điều trị Methadone

Bác sĩ Mai Thị Bích Hồng - Phụ trách cơ sở điều trị Methadone, TTYT quận Nam Từ Liêm cho biết, cơ sở được triển khai từ năm 2009, đến nay đã có những thành công nhất định với hơn 300 bệnh nhân tham gia điều trị, có đợt cao điểm lên đến 400 bệnh nhân.

Việc điều trị bằng thuốc Methadone đem lại nhiều lợi ích cho người bệnh. Chính người bệnh là người cảm nhận rõ nhất về hiệu quả của mô hình điều trị thay thế bằng Methadone. Để điều trị hiệu quả, thành công, ít nhất, mỗi người bệnh họ phải kiên trì điều trị từ 3 - 5 năm. Với bệnh nhân khi đã điều trị vào giai đoạn ổn định liều, sức khỏe của họ được phục hồi dần dần, tâm lý được cải thiện. Với những bệnh nhân vẫn còn các dấu hiệu thèm nhớ đến thuốc, cơ sở sẽ phối hợp điều trị, có thể tăng liều hoặc hỗ trợ tâm lý, đánh giá bệnh nhân.

Những năm đầu triển khai, tại cơ sở có những bệnh nhân mới sử dụng thuốc Methadone, họ đã dùng tới khoảng 2 triệu đồng tiền mua heroin/ngày. Thế nhưng, nhiều bệnh nhân trong những ngày đầu khởi liều họ đã giảm và ngừng sử dụng heroin. Hầu hết sức khỏe của bệnh nhân được phục hồi dần dần sau thời gian điều trị khoảng hơn một năm, tâm lý của họ vững vàng hơn. Sau khi điều trị, sức khỏe của họ phục hồi rất tốt, tâm lý ổn định cùng với sự hỗ trợ của gia đình, nhờ đó, họ đã giảm liều đáng kể. Hiệu quả của chương trình điều trị ổn định dần trong những năm tiếp theo.

Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân điều trị tại cơ sở được đội ngũ y bác sĩ khám, đánh giá, phát hiện thêm một số bệnh nền như viêm gan C, lao, HIV... trong đó, nhiều nhất là bệnh viêm gan C. Tỷ lệ viêm gan C trong nhóm tiêm chích ma túy khoảng hơn 50%, còn HIV khoảng hơn 30%. Với những trường hợp này, các bác sĩ thường xuyên khám, đánh giá và tư vấn cho bệnh nhân để họ có liều tốt nhất. Hiện nay, với bệnh viêm gan C chưa có chương trình miễn phí, chỉ có chương trình điều trị tự túc hoặc TTYT chỉ có một số chương trình hỗ trợ về thuốc.
Thực tế, có những bệnh nhân, gia đình có điều kiện thì đã được điều trị khỏi hẳn. Tuy nhiên, một số bệnh nhân nghèo, không có kinh phí để điều trị nên khi mắc các bệnh nền đã ảnh hưởng đến sức khỏe của họ. Hiện tại, với những bệnh nhân đồng nhiễm viêm gan C, cơ sở sẽ làm các xét nghiệm cho bệnh nhân theo BHYT. Nếu bệnh nhân cần phải điều trị, cơ sở sẽ chuyển tuyến lên Bệnh viện Đa khoa Đống Đa.

“Trước tình hình dịch bệnh hiện nay, cơ sở đã đề xuất, xin ý kiến chỉ đạo trực tiếp của Ban Giám đốc TTYT, với những trường hợp khó, tình huống khó, cơ sở có hội chẩn với tuyến trên là Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội. Đặc biệt, cơ sở sẽ theo dõi sát những bệnh nhân có các yếu tố nguy cơ, đi về từ vùng dịch, liên kết chặt chẽ với các vùng dịch để bệnh nhân không bị gián đoạn uống thuốc” - bác sĩ Hồng cho hay.

"Trước tình hình dịch Covid-19, cơ sở Methadone đã triển khai đúng các hướng dẫn của Bộ Y tế, thực hiện nghiêm khuyến cáo 5K với những bệnh nhân đến các cơ sở y tế uống thuốc hằng ngày.

Hiện tại, TTYT vẫn khám, phân luồng quy trình, tuy nhiên theo văn bản của Bộ Y tế, nếu trước đây, bệnh nhân được khám và đánh giá trực tiếp thì bây giờ, chúng tôi có các phương pháp khác như tư vấn qua điện thoại với những trường hợp có vấn đề bất thường hoặc cơ sở giãn lịch khám. Còn với bệnh nhân mới, cơ sở vẫn tiếp nhận, khám bình thường.

Trước khi khám, đánh giá để đưa bệnh nhân vào chương trình, cơ sở vẫn thực hiện các thủ tục theo đúng quy định của Bộ Y tế về khám, sàng lọc Covid-19. Trung bình mỗi ngày, cơ sở tiếp nhận, khám điều trị cho hơn 300 bệnh nhân, trong đó có bệnh nhân điều trị mới và bệnh nhân duy trì uống thuốc." - Bác sĩ Mai Thị Bích Hồng – Phụ trách cơ sở điều trị Methadone, TTYT quận Nam Từ Liêm


Thực tế, tại cơ sở điều trị Methadone, TTYT quận Nam Từ Liêm, có những bệnh nhân điều trị 11 năm, đến nay, họ vẫn kiên trì đến uống thuốc hàng ngày. Hiện có những bệnh nhân uống liều rất thấp khoảng 0,5mg hoặc 1mg, sắp tới, họ sẽ nghỉ uống Methadone và ra khỏi chương trình.

Đặc biệt, nhiều bệnh nhân mới đến điều trị chưa có vợ nhưng sau điều trị một thời gian ổn định, họ lập gia đình, có công ăn việc làm ổn định với thu nhập cao và vẫn duy trì cuộc sống bình thường.