Triển khai chương trình, rác thải sinh hoạt trên địa bàn huyện Đông Anh sẽ được phân thành 3 loại: Rác hữu cơ, rác tái chế và rác còn lại. Sau phân loại, rác hữu cơ được tái sử dụng làm thức ăn cho gia súc, ủ phân bón cho cây trồng... Trong khi đó, rác tái chế được thu gom riêng và bán cho những người thu mua.
Theo báo cáo của Sở TN&MT Hà Nội, tính đến ngày 30/3/2022 trên địa bàn huyện Đông Anh đã có 23 xã, thị trấn tham gia thực hiện chương trình thu gom, phân loại và xử lý rác tại nhà. Trong đó có 3 xã đã triển khai 100% các thôn trong xã, gồm Liên Hà, Dục Tú và Việt Hùng; 20 xã, thị trấn còn lại mỗi xã, thị trấn triển khai đến ít nhất một thôn hoặc tổ dân phố làm điểm. Đến hết tháng 2/2022 đã có 7.621 người tham gia triển khai mô hình phân loại và xử lý rác hữu cơ. Số hộ tham gia đăng ký tăng 146,81% so với giai đoạn đầu (5.191 người).
Theo báo của Phòng TN&MT huyện Đông Anh, năm 2021, lượng rác thải sinh hoạt phát sinh là 227 tấn/ngày; trong khi đó, lượng rác thải sinh hoạt phát sinh trong năm 2020 là 239 tấn/ngày. Tổng lượng rác thải sinh hoạt phát sinh năm 2021 thấp hơn so với năm 2020 khoảng hơn 12 tấn/ngày do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc phân loại và xử lý rác thải tại hộ gia đình. Kết quả kiểm kê từ hộ gia đình cho thấy, việc xử lý rác tại nhà, đặc biệt là rác hữu cơ từ nhà bếp đã giúp giảm khoảng 50 – 70% khối lượng rác của mỗi hộ gia đình trước khi đổ. Khi tiến hành kiểm kê rác 9 xã tại huyện Đông Anh (với 309 hộ gia đình), lượng rác hữu cơ được phân loại xử lý tại hộ gia đình là 59%, rác tái chế thu gom cho ve chai 12% và rác còn lại để đổ là 29%.
Những con số về lượng rác giảm sau phân loại và xử lý tại 3 xã Liên Hà, Dục Tú và Việt Hùng là minh chứng rõ ràng cho nỗ lực của các hộ gia đình tại Đông Anh. Đến nay, số người tự phân loại và xử lý rác tại nhà trên địa bàn huyện Đông Anh tiếp tục tăng lên. Nhiều hộ gia đình đã coi việc làm này như một thói quen trong cuộc sống thường nhật.