Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hiệu quả vượt trội nhờ nuôi trùn quế

Tùng Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhằm tận dụng chất thải chăn nuôi và phụ phẩm trồng trọt, xử lý triệt để vấn đề môi trường tại trang trại, chị Trương Kim Hoa, chủ nhân của Trang trại Hoa Viên (huyện Thạch Thất) đã nghiên cứu, tìm đến giải pháp từ trùn quế.

Phân hữu cơ Đại Ngàn của Trang trại Hoa Viên được giới thiệu tại hội chợ.
Bà chủ của Trang trại Hoa Viên cho biết, đã nghiên cứu, ứng dụng công nghệ enzyme vào xử lý chất thải tạo ra nguồn thức ăn sạch để nuôi trùn quế. Quy trình cho ra 3 sản phẩm gồm: Phân trùn quế, trùn quế giống và trùn quế thịt. Phân trùn quế là một loại phân hữu cơ đặc biệt có hàm lượng dinh dưỡng cao và cân đối. Thử nghiệm trên diện tích rau hữu cơ tại Trang trại Hoa Viên cho thấy, sản phẩm không chỉ dễ hấp thụ mà còn có khả năng loại trừ các độc tố, nấm và vi khuẩn có hại trong đất.
Thực tế, đây không phải là lần đầu tiên trùn quế được ứng dụng trong xử lý chất thải chăn nuôi. Tuy nhiên, Trang trại Hoa Viên đã tự lai tạo giống trùn quế có khả năng kháng bệnh tốt, sức tiêu hủy chất hữu cơ vượt trội. Đặc biệt là có thể thích nghi với điều kiện thời tiết khắc nghiệt ở miền Bắc. Chị Trương Kim Hoa cho biết, với nghiên cứu mới từ ứng dụng trùn quế, hàng năm Trang trại Hoa Viên đã xử lý được khoảng 30.000 tấn chất thải nông nghiệp. Điều đáng khích lệ, phân trùn quế của Trang trại Hoa Viên đã được Tổ chức CERES quốc tế của Cộng hòa Liên bang Đức chứng nhận đủ điều kiện cho sản xuất hữu cơ theo tiêu chuẩn Mỹ và châu Âu, đồng thời được Bộ NN&PTNT cấp chứng nhận lưu hành toàn quốc với thương hiệu “Phân hữu cơ Đại Ngàn”.

Theo chị Trương Kim Hoa, nhờ nuôi trùn quế, toàn bộ chất thải nông nghiệp của Trang trại Hoa Viên đã được xử lý triệt để. Sản phẩm thu được từ nuôi trùn quế được tái sử dụng tại chỗ, giúp hạ giá thành nông sản, thực phẩm. Đặc biệt là góp phần giải quyết bài toán môi trường trong nông nghiệp… Dù bước đầu mang lại hiệu quả tích cực, tuy nhiên mô hình nuôi trùn quế tại Trang trại Hoa Viên chỉ dừng ở quy mô hẹp, là đề tài thử nghiệm. Để nhân rộng mô hình, chị Trương Kim Hoa cho rằng, các sở, ngành của Hà Nội cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ về giống, vật tư và kỹ thuật nuôi trùn quế. Cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, nhân rộng mô hình đến các hộ dân, cần xây dựng chuỗi liên kết giữa DN, hợp tác xã và nông hộ nuôi trùn quế nhằm mang lại thu nhập ổn định cho bà con nông dân. Đây sẽ là giải pháp bền vững tiến tới giải quyết triệt để bài toán môi trường trong sản xuất nông nghiệp đang rất nóng hiện nay.