Hiệu trưởng Hà Nội kể chuyện dạy tiếng Anh cho hơn 2.000 học sinh Mèo Vạc

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Tại hội nghị tổng kết năm học 2022 – 2023 ngành giáo dục Hà Nội, Hiệu trưởng Hệ thống Trường Marie Curie Nguyễn Xuân Khang đã kể câu chuyện xúc động về dự án dạy tiếng Anh trực tuyến cho học sinh lớp 3 tại huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang.

Nhà giáo Nguyễn Xuân Khang cho rằng, đây là một tình huống sư phạm đặc biệt trong cuộc đời 50 năm công tác trong ngành giáo dục của mình cũng như với ngôi trường Marie Curie 30 năm tuổi.

Cụ thể, tháng 8/2022, trong chuyến cùng học sinh giáo viên nhà trường lên thăm huyện Mèo Vạc, nhà giáo Nguyễn Xuân Khang biết được thông tin: Cả huyện Mèo Vạc chỉ có duy nhất một giáo viên tiếng Anh cấp tiểu học; trong khi tiếng Anh là môn bắt buộc từ lớp 3.

Hình ảnh học tiếng Anh trực tuyến tại lớp học huyện Mèo Vạc
Hình ảnh học tiếng Anh trực tuyến tại lớp học huyện Mèo Vạc (Ảnh: NTVC)

Chưa hết ngạc nhiên, vị Hiệu trưởng ngoài 80 tuổi nhận được lời đề nghị từ Trưởng phòng (GD&ĐT) huyện Mèo Vạc Bùi Văn Thư “nhờ trường Marie Curie hỗ trợ dạy tiếng Anh trực tuyến cho huyện trong 1 năm”. 

Quá bất ngờ với đề nghị trên, nhà giáo Nguyễn Xuân Khang xin phép chưa trả lời và nói cần thời gian suy nghĩ.

Sự hào hứng với môn Tiếng Anh của học sinh huyện Mèo Vạc
Sự hào hứng với môn Tiếng Anh của học sinh huyện Mèo Vạc (Ảnh: NTVC)

Cả đêm hôm đó, vị hiệu trưởng không thể chợp mắt; vừa muốn làm nhưng lại rất lo. Nếu thực hiện, chắc hẳn sẽ rất khó khăn vì đây không phải chương trình ngoại khóa bổ trợ mà là chương trình chính khóa lớp 3 của cả một huyện; thực hiện trong ít nhất 1 năm học, trong khi chỉ 2 tuần sau đó là năm học 2022-2023 bắt đầu.

Và rồi, vượt trên tất cả, ngay hôm sau, người thầy ấy đã trao đổi với Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mèo Vạc và nhận lời.

Học sinh lớp 3 huyện Mèo Vạc chăm chú học Tiếng Anh qua màn hình
Học sinh lớp 3 huyện Mèo Vạc chăm chú học Tiếng Anh qua màn hình (Ảnh: NTVC)

Cụ thể, Trường Marie Curie thống nhất dạy trực tuyến 3 tiết/tuần. 1 tiết còn lại sẽ do huyện tự thu xếp, điều động giáo viên tiếng Anh cấp 2 xuống tăng cường, chủ yếu làm công tác kiểm tra định kỳ.

Về phía nhà trường, nhà giáo Nguyễn Xuân Khang nhanh chóng lên kế hoạch triển khai dự án. Theo đó, dự án day tiếng Anh cho học sinh lớp 3 huyện Mèo Vạc do nhóm 25 giáo viên, trong đó có 22 giáo viên trực tiếp giảng dạy, 3 giáo viên làm công tác điều phối.

Ngày 9/9/2022, nhóm thực hiện dự án tổ chức dạy thử, kiểm tra thiết bị điểm đầu (Hà Nội) điểm cuối (các trường tiểu học tại Mèo Vạc), đường truyền. Có một số trục trặc nhỏ về mic, kết nối máy tính với màn hình nhanh chóng được khắc phục. Ngày 12/9/2022, dự án triển khai đồng loạt cho tất cả 76 lớp 3 tại các trường tiểu học của huyện Mèo Vạc.

Cô giáo Trường Marie Curie hướng dẫn học trò huyện Mèo Vạc trong chuyến lên thăm trường
Cô giáo Trường Marie Curie hướng dẫn học trò huyện Mèo Vạc trong chuyến lên thăm trường (Ảnh: NTVC)

Ngày 16/9/2022, đoàn Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD&ĐT đi công tác Mèo Vạc, Hà Giang; ngẫu nhiên dự tiết học tiếng Anh của dự án và lập tức đánh giá cao hiệu quả của tiết học.

"Tối 16/9, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học Thái Văn Tài nhắn tin cho tôi và nhận xét: “Tiết học rất thú vị và hiệu quả". Tôi rất xúc động. Tuy không coi đó là lời động viên khích lệ nhưng hai từ "thú vị" và "hiệu quả" trong tin nhắn của Vụ trưởng là tiêu chí để tôi và các giáo viên tham gia dự án thực hiện suốt năm học", nhà giáo Nguyễn Xuân Khang nói.

Học kỳ 1 diễn ra theo đúng kế hoạch. Thầy cô ở Hà Nội, học trò ở Mèo Vạc- nơi dân tộc H'Mông chiếm 90% tổng số học sinh. Toàn bộ hình thức giảng dạy, giao lưu, trò chuyện giữa thầy và trò đều qua màn hình máy tính.

Niềm vui cô- trò buổi gặp gỡ
Niềm vui cô- trò buổi gặp gỡ (Ảnh: NTVC)

“Hết học kỳ 1, nhóm dự án trực tiếp lên Mèo Vạc, lần đầu tiên nhìn thấy tận mắt gần 3.000 học trò của mình ngoài đời thực. Trong cuộc hội ngộ đầu tiên, cô trò ôm nhau sung sướng. Suốt 4 tháng trời chỉ thấy nhau qua màn hình, bây giờ cô ngửi được mồ hôi của học trò, trò ngửi được mùi thơm của cô giáo. Cảnh tượng ấy thật xúc động… Cô trò ăn với nhau một bữa cơm rồi trở về, tiếp tục việc dạy và học qua máy tính", nhà giáo Nguyễn Xuân Khang hồi tưởng.

Kết thúc năm học, dự án được đánh giá thành công đặc biệt. 2.609 học sinh lớp 3 Mèo Vạc hoàn thành môn học theo yêu cầu đề ra. Đặc biệt, trong đó có 4 học sinh tham gia kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh tại Hà Giang và được thưởng.

Sự thú vị và hiệu quả của dự án còn thể hiện ở chỗ, không chỉ khiến học sinh hào hứng mà nó đã thu hút sự tham gia của nhiều giáo viên chủ nhiệm và hiệu trưởng các nhà trường huyện Mèo Vạc cùng ngồi học tiếng Anh với học trò. 

Theo nhà giáo Nguyễn Xuân Khang, từ hiệu quả của chương trình và sự tín nhiệm của lãnh đạo, thầy trò huyện Mèo Vạc, dự án tiếp tục thực hiện thêm một năm nữa với lứa học sinh này ở lớp 4. Theo đó, năm học 2023-2024, dự án sẽ tăng thêm 1 lớp học, từ 76 lên 77 lớp và được bàn bạc kế hoạch vào ngày 19/8 tới.

Một điều cần chia sẻ là các cô tham gia dự án đa số có tuổi đời còn rất trẻ. Các cô đến với học trò bằng nụ cười trong sáng, tấm lòng thương yêu, sự nhiệt huyết của người thầy. Trong các giáo viên tham gia giảng dạy trực tuyến, có một cô giáo đang học tập tại Úc.