Điều nên làm là động viên, chia sẻ
Tại không gian - trước là lớp học của nam sinh xấu số, mỗi người bạn của em đều có cảm xúc đau buồn và chênh vênh. Nơi em ngồi, các bạn cùng nhau viết thư, gấp những cánh hoa sen trắng bằng giấy để gửi đến bạn lời chúc bình yên, thanh thản ở một nơi rất xa.
Sau nhiều tháng học online, bạn bè mới học trực tiếp cùng nhau trên 3 tuần lễ, nay đã lại nói lời chia xa trong nỗi xót xa. Việc ra đi của em đã tạo cú sốc quá lớn, để lại khoảng trống tâm hồn đối với các bạn cùng lớp, nhà trường, thầy cô và phụ huynh, nhất là khi những hình ảnh, clip về em bị các trang mạng xã hội đăng tải kèm lời bình luận, phán xét không đúng mực.
Chia sẻ với VTV1, nhà giáo Trần Thùy Dương- Hiệu trưởng trường THPT Hà Nội- Amsterdam ngậm ngùi: Cuộc sống vẫn tiếp diễn. Điều chúng ta nên làm là động viên, chia sẻ gia đình, người thân của em và đưa ra những thông điệp tích cực cho những người còn sống chứ không phải để tìm và quy trách nhiệm cho bất cứ ai; không nên làm việc gì tiêu cực vì sẽ tạo hiệu ứng và ảnh hưởng không tốt.
“Tôi rất tiếc khi qua nay, một số trang mạng xã hội đã chia sẻ những hình ảnh theo tôi là chưa phù hợp như clip, bức thư của em học sinh; đồng thời đổ lỗi, quy trách nhiệm cho người này, người kia. Tôi nghĩ rằng đó là hành vi không mang tính nhân văn bởi chúng ta hãy đặt địa vị vào chính chúng ta- những bậc cha mẹ có con đi học; làm sao chúng ta có thể ứng xử như thế được?....”- nhà giáo Trần Thùy Dương nói.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Phạm Tuấn Linh- Hội cha mẹ học sinh trường THPT Hà Nội- Amsterdam cho biết: “Điều tôi thấy đau lòng là sự vô cảm của một bộ phận không nhỏ dư luân xã hội hiện nay, thay vì động viên, chia sẻ, an ủi; họ lại cho mình quyền được phán xét, đánh giá khi chưa tìm ra nguyên nhân…”.
Được biết, ngay ngày hôm qua, nhiều học sinh đã khóa các trang mạng xã hội của mình trước những thông tin không tốt về bạn. Em Bùi Trung Công, một học sinh bày tỏ: “Quyền được biết là quyền mà mọi người nên có nhưng chỉ nên biết chứ không nên soi mói, đào bới thông tin cá nhân của họ. Gia đình bạn ấy đã khổ rồi, đừng làm người nhà bạn khổ thêm nữa…”.
Rà soát, xử lý một số trường hợp lan truyền thư và clip nạn nhân
Liên quan đến vụ việc trên, được biết, Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (PTTH và TTĐT), Bộ TT&TT đã gửi yêu cầu cho các nền tảng mạng xã hội không đăng clip và bức thư, bởi đây là quyền riêng tư của gia đình nạn nhân. Việc đăng tải cũng vi phạm về bảo vệ quyền trẻ em.
Ngoài việc yêu cầu các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới rà soát, gỡ bỏ các nội dung nói trên, Cục PTTH và TTĐT cũng đã có các yêu cầu gửi trong các group để chỉ đạo chung các trang thông tin điện tử và mạng xã hội trong nước.
Hiện nay, 3 đơn vị thuộc Bộ TT&TT là Cục PTTH và TTĐT, Cục Báo chí và Cục An toàn thông tin đang phối hợp rà soát, xử lý trường hợp một số cá nhân, tổ chức phát tán, lan truyền thông tin về hình ảnh cá nhân, bức thư của nam sinh nói trên.
Theo lực lượng chức năng, hành vi phát tán thư và hình ảnh của nạn nhân trên mạng xã hội là không thể chấp nhận. Công an TP Hà Nội đã chỉ đạo các lực lượng nghiệp vụ phối hợp cùng Công an quận Hà Đông tiến hành xác minh, làm rõ và xử lý nghiêm cá nhân nào đã thực hiện việc phát tán clip và thư của nạn nhân.
Khoảng 3 giờ 30 ngày 1/4, Công an phường Phú La (quận Hà Đông) nhận được thông tin tại sảnh toà chung cư Văn Phú Victoria có một thi thể nam sinh rơi từ tầng cao xuống đất. Ngay sau đó, lực lượng chức năng đã có mặt phối hợp cùng các đơn vị nghiệp vụ tập trung điều tra về vụ việc.