Nga không cho biết cụ thể mức độ triệt thoái và thời điểm hoàn tất công việc ấy mà chỉ đưa ra lý do giải thích là cuộc tập trận đã kết thúc.
Đối với Nga, quyết định này chỉ là chuyện nhỏ về phương diện hậu cần quân sự. Trong mấy tháng qua, Nga đã từng vài lần tăng rồi lại giảm, giảm rồi lại tăng số lượng binh lính và vũ khí được triển khai ở vùng biên giới với Ukraine. Nhưng về chính trị và tâm lý thì động thái này lại có hiệu ứng rất độc đáo trong chuyện chính trị an ninh hiện tại của châu Âu. Nó diễn ra trong bối cảnh tình hình là Mỹ và một số đồng minh trong NATO ở châu Âu làm rầm rộ trên thế giới về nguy cơ xảy ra chiến tranh giữa Nga và Ukraine, làm như chiến tranh sắp xảy ra đến nơi và đã tiến hành di tản công dân cũng như nhân viên ngoại giao của họ ra khỏi Ukraine. Mỹ thậm chí còn quả quyết chắc chắn là Nga sẽ tiến hành chiến tranh, đồng thời còn đưa ra thời điểm cụ thể của việc Nga khởi chiến.
Động thái mới nói trên của Nga không làm thay đổi cơ bản gì ở bố trí chiến lược quân sự lâu nay ở Nga, nhưng lại ám chỉ Nga không hề có chủ ý phát động chiến tranh, lại càng không vào thời điểm hiện tại. Qua đó, Nga làm cho mọi phát ngôn của phía bên kia về Nga mưu tính chiến tranh, sắp phát động chiến tranh hay gia tăng nguy cơ bùng phát chiến tranh đều không đáng được tin cậy và đều do họ tự suy diễn hoặc chủ ý dựng nên để làm tổn hại thể diện và hạ thấp uy tín của Nga.
Nhưng qua đó cũng còn có thể nhận thấy chủ ý của Nga là chơi cuộc chơi an ninh hiện tại dài dài với Mỹ và NATO nên rất linh hoạt quyền biến giữa hạ hỏa và gia tăng áp lực.