Hiệu ứng tích cực từ chính sách tỷ giá mới

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Qua hơn một tháng áp dụng tỷ giá trung tâm giữa VND và USD, thị trường ngoại tệ đã ghi nhận tỷ giá USD có sự biến động nhẹ và linh hoạt cho cả hai chiều mua vào - bán ra và tỷ giá trung tâm tăng nhanh hơn so với các tỷ giá khác.

Phối hợp đồng bộ để giữ ổn định

Đơn cử, với việc công bố tỷ giá trung tâm áp dụng ngày 17/2 là 21.895 đồng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã điều chỉnh tăng 3 phiên liên tiếp trong tuần này với mức tăng tổng cộng 34 đồng. Theo đó, các ngân hàng thương mại (NHTM) cũng điều chỉnh tăng mạnh. Vietcombank niêm yết giá USD ở mức 22.375 – 22.445 đồng/USD (mua vào – bán ra), tăng 75 đồng ở chiều mua vào bán ra so với cùng thời điểm sáng 16/2… Những chuyển biến này được coi là điểm mới nổi bật trong chính sách tỷ giá thời gian gần đây, đó là chuyển từ chính sách cố gắng duy trì tỷ giá ổn định trong biên độ khung được đặt ra theo kế hoạch mục tiêu từ đầu năm, thành chính sách tỷ giá trung tâm biến động hàng ngày (theo Quyết định số 2730/2015/QĐ-NHNN do NHNN ban hành). Theo đó, NHNN hàng ngày công bố tỷ giá trung tâm, với biên độ +-3%, còn thứ Năm hàng tuần sẽ công bố tỷ giá tính chéo của đồng Việt Nam với một số ngoại tệ khác để xác định trị giá tính thuế…
Giao dịch tại Ngân hàng Quốc tế Việt Nam. 	Ảnh: Trần Việt
Giao dịch tại Ngân hàng Quốc tế Việt Nam. Ảnh: Trần Việt
Bên cạnh việc điều hành tỷ giá theo cách thức mới, NHNN còn thực hiện các giải pháp đồng bộ khác, trong đó có chính sách đưa lãi suất tiền gửi USD bằng 0% và chính sách can thiệp cung - cầu thị trường ngoại tệ thông qua khi thì bán ra, khi thì mua vào một lượng USD thích hợp để đảm bảo mục tiêu ổn định thị trường ngoại hối, giữ ổn định tỷ giá và tăng dự trữ ngoại tệ quốc gia theo yêu cầu góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

Và những hiệu ứng

Chính sách tỷ giá mới nêu trên được áp dụng sẽ có tác động hai mặt đối với nền kinh tế, cũng như đối với các NHTM và DN. Một mặt, chính sách tỷ giá đã không còn mang tính cố định khá cứng hoặc ổn định khiên cưỡng như trước đây. Và dù chưa thực sự là chế độ tỷ giá thả nổi, nhưng đã mang tính thị trường đậm nét hơn, được điều chỉnh lên/xuống hàng ngày, với mức độ được NHNN tính toán, đảm bảo yếu tố linh hoạt, có quản lý. Cách thức mới này cũng cho phép tỷ giá phản ứng kịp thời hơn với diễn biến trong nước và quốc tế; giảm bớt áp lực bán ngoại tệ can thiệp thị trường và kỳ vọng đầu cơ khác. Đồng thời, tạo hiệu ứng tích cực tăng thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI), hỗ trợ tăng sức cạnh tranh cho hàng xuất khẩu của Việt Nam, triệt tiêu áp lực gây sốc tỷ giá trong bối cảnh thị trường tài chính - tiền tệ quốc tế ngày càng có xu hướng biến động mau lẹ và phức tạp theo hướng giảm giá nhiều đồng tiền của các đối tác thương mại chủ chốt khu vực và quốc tế… Chính sách tỷ giá và quản lý ngoại tệ mới đang và sẽ khiến nhiều NHTM giảm được chi phí trả lãi tiền gửi và tăng cơ hội mua vào lượng USD trên thị trường; Có thêm kỳ vọng kinh doanh ngoại hối dựa trên mặt bằng cung - cầu và giá cả thị trường linh hoạt và biến động mau lẹ hơn. Thị trường tài chính phái sinh, nhất là thị trường quyền chọn, hợp đồng mua - bán ngoại tệ tương lai và các giao dịch kỳ hạn giữa các tổ chức tín dụng với các khách hàng thường xuyên sẽ phát triển, tăng hàng chục lần về quy mô so với trước đó. Theo đó, DN cũng sử dụng nhiều hơn công cụ phái sinh, giúp bảo hiểm tỷ giá tốt hơn cho DN.

Mặt khác, chính sách tỷ giá mới đòi hỏi phải tăng năng lực và trách nhiệm nhiều hơn cho công tác dự báo tỷ giá và thị trường tiền tệ triển vọng. Một số ngân hàng và DN có thể chịu rủi ro tỷ giá cao hơn nếu năng lực phân tích chính sách và phản ứng thị trường chậm được cải thiện, coi nhẹ sử dụng các công cụ phòng ngừa rủi ro tỷ giá. Thậm chí, một số ngân hàng có thể chịu áp lực khó huy động USD mới, trong khi gia tăng áp lực rút tiền gửi USD của các khoản tiền gửi cũ đáo hạn đang được hưởng lãi suất cũ…

Không có một cơ chế tỷ giá hối đoái nào là tối ưu trong mọi trường hợp, mọi lúc, mọi quốc gia nhưng chính sách tỷ giá linh hoạt không chỉ là điều kiện ổn định giá trị VND, mà còn gắn với yêu cầu giữ vững ổn định vĩ mô, hỗ trợ sự ổn định và phát triển của các DN, củng cố niềm tin trên thị trường và hài hòa các lợi ích trong bối cảnh kinh tế hiện nay.

Với chính sách tỷ giá mới theo tinh thần đó, có thể nói, năm 2016, tỷ giá sẽ biến động không quá lớn và mặt bằng lãi suất trung và dài hạn có khả năng giảm nhẹ.