Kinhtedothi - Nhiều gia đình có người thân “dính” vào đường dây bán hàng đa cấp lừa đảo; hàng nghìn căn hộ tại các dự án nhà ở gặp khó khăn, chậm trễ trong cấp sổ đỏ; hay chỉ vì hàng xóm không hợp tác nên không thể nộp hồ sơ cấp sổ đỏ… là những trường hợp, câu chuyện mà chúng tôi đã gặp, đã viết gần đây. Đòi lại tiền từ đa cấp, tại sao không? Tháng 3/2016, chị Nguyễn Phương Liên (trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã đến tòa soạn báo Kinh tế & Đô thị gửi đơn phản ánh về việc Thăng Long Group (trụ sở chính tại quận Cầu Giấy) bán hàng đa cấp lừa đảo. Theo phản ánh, ông Nguyễn Mạnh Sơn (bố của chị Liên) là nạn nhân bị dụ dỗ mua hàng tại Văn phòng đại diện của công ty ở TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh. Cảm thấy việc bán hàng đa cấp của DN này không bình thường, ông Sơn quyết định không tham gia, đồng thời gửi đơn xin chấm dứt hợp đồng nhưng bị DN từ chối nhận đơn. Từ một nạn nhân, ông Sơn lại bị chính đường dây bán hàng đa cấp tố cáo đã vay tiền mà không trả, đồng thời bị công an triệu tập để làm rõ việc vay tiền giữa ông với đường dây bán hàng đa cấp.
Sau khi tiếp nhận đơn thư, báo Kinh tế & Đô thị đã vào cuộc, tìm hiểu vụ việc, mở rộng điều tra và đăng tải hàng loạt tin, bài phản ánh về Thăng Long Group có dấu hiệu lừa đảo. Ngày 6/4, ông Sơn đã được DN này chủ động mời lên làm việc, thanh lý hợp đồng, hoàn trả 100% số tiền đã tham gia. Ngày 8/4, chị Nguyễn Phương Liên đã viết thư cảm ơn báo Kinh tế & Đô thị: “Với sự hỗ trợ và bảo vệ công lý của Báo, qua nghiệp vụ điều tra riêng đã liên tiếp phản ánh một cách có hệ thống đầy đủ, đúng thực tế những dấu hiệu vi phạm pháp luật trong hoạt động bán hàng đa cấp của Thăng Long Group, mà gia đình tôi là một trong những nạn nhân điển hình. Sự vào cuộc kịp thời này đã buộc Thăng Long Group phải chủ động tổ chức buổi làm việc với gia đình tôi. Đồng thời, phải hoàn trả 100% số tiền, xóa bỏ giấy vay nợ khống và thực hiện thanh lý hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp đã ký”. Cầu nối giữa cơ quan chức năng với bạn đọc Trên địa bàn Hà Nội, hàng loạt dự án nhà ở chậm trễ trong việc cấp sổ đỏ dẫn đến sự bức xúc của người dân. Cụ thể, phản ánh đến báo Kinh tế & Đô thị hồi tháng 2/2016, các hộ dân tại Dự án Khu nhà ở cho người có thu nhập thấp Đại Mỗ (quận Nam Từ Liêm) cho biết, sau khi nộp hồ sơ cấp sổ đỏ lên Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội, các hộ lại nhận được thông báo “trả hồ sơ, chưa thể thực hiện được việc cấp sổ đỏ”. Sau khi Báo phản ánh thắc mắc của người dân tới Sở TN&MT Hà Nội, lãnh đạo Sở đã trực tiếp trả lời trên báo Kinh tế & Đô thị, số ra ngày 8/4. Theo đó, do chủ đầu tư Dự án Khu nhà ở Đại Mỗ chưa nộp đầy đủ các giấy tờ, Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội đã có Văn bản yêu cầu chủ đầu tư bổ sung Văn bản nghiệm thu Phòng cháy chữa cháy và Hồ sơ thiết kế được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Chủ đầu tư hiện đã bổ sung các nội dung trên, vì vậy, các hộ gia đình mua nhà tại dự án này có thể đến Văn phòng Đăng ký đất đai thực hiện thủ tục cấp sổ đỏ. Đây cũng là thực tế tại nhiều dự án nhà ở. Sau khi báo chí vào cuộc, chủ đầu tư dự án nhà ở mới chủ động hoàn thiện, nộp hồ sơ pháp lý đến cơ quan chức năng. Tại Hà Nội, công tác cấp sổ đỏ lần đầu đã cơ bản hoàn thành đối với các hộ đủ điều kiện. Tuy nhiên, có những trường hợp không vướng mắc, nhưng chính quyền từ chối tiếp nhận hồ sơ chỉ vì hộ liền kề không ký xác nhận, như trường hợp ông Nguyễn Đức Kính (phường Phương Liên, quận Đống Đa) phản ánh đến Báo. Tiếp nhận phản ánh của công dân, lãnh đạo Sở TN&MT Hà Nội đã trực tiếp trả lời nội dung này trên báo Kinh tế & Đô thị, số ra ngày 1/6. Sau khi Báo đăng, hồ sơ cấp sổ đỏ của ông Kính đã được chính quyền tiếp nhận nên ông rất phấn khởi, đã trực tiếp đến Báo cảm ơn… Đây có thể được coi là những thắng lợi bước đầu trong quá trình báo Kinh tế & Đô thị đồng hành cùng bạn đọc, trong đó, có đóng góp không nhỏ từ các loạt bài điều tra thấu tình, đạt lý. Hơn nữa, Báo còn là cầu nối giữa chính quyền, cơ quan chức năng với bạn đọc.
Sau khi báo Kinh tế & Đô thị phản ánh, chính quyền tiếp nhận hồ sơ cấp sổ đỏ, ông Nguyễn Đức Kính (phường Phương Liên, quận Đống Đa) đã trực tiếp đến Báo cảm ơn. |