Ảnh minh hoạ |
Theo quy định tại Điều 3 Công ước chống tra tấn:
“1. Không một quốc gia thành viên nào được trục xuất, trao trả về hoặc dẫn độ một người cho một quốc gia khác, nơi có nhiều lý do thực tế để tin rằng người đã có nguy cơ bị tra tấn.
2. Để xác định xem có những lý do đó hay không, các nhà chức trách có thẩm quyền phải xem xét mọi yếu tố có liên quan, bao gồm sự tồn tại của một mô hình vi phạm các quyền con người một cách thô bạo, trắng trợn và phổ biến ở quốc gia liên quan, nếu có”.
Bản chất nguyên tắc “không trao trả” thể hiện trong Điều 3 Công ước được hiểu là quốc gia không những không được phép tra tấn công dân hoặc những người dưới quyền tài phán của mình, mà còn không được phép buộc những người nước ngoài trở về hoặc tới một quốc gia khác, nếu người đó có nguy cơ bị tra tấn tại quốc gia đó.
“Trục xuất” được dùng trong tình huống đối tượng nhập cảnh một cách hợp pháp nhưng sau đó bị buộc rời khỏi lãnh thổ.
“Trao trả” dùng trong tình huống đối tượng nhập cảnh bất hợp pháp.
“Dẫn độ” là hành vi cơ quan có thẩm quyền của một quốc gia trao người cho cơ quan có thẩm quyền của quốc gia khác nhằm mục đích xét xử hoặc thi hành án, trong khi người bị trục xuất không bị trao cho cơ quan có thẩm quyền của nước khác và về nguyên tắc, người bị trục xuất có thể chọn quốc gia đến.