Hiểu về Công ước chống tra tấn: Về nghĩa vụ cấm các hành vi tra tấn

Phương Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để kịp thời ngăn chặn tội phạm hoặc khi có căn cứ chứng tỏ người bị buộc tội sẽ gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc sẽ tiếp tục phạm tội hoặc để bảo đảm thi hành án, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong phạm vi thẩm quyền của mình có thể áp dụng các biện pháp...

Cụ thể: Giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt, tạm giữ, tạm giam, bảo lĩnh, đặt tiền để bảo đảm, cấm đi khỏi nơi cư trú, tạm hoãn xuất cảnh...

Bên cạnh đó, Chương XXXVI Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 cũng quy định các biện pháp ngăn chặn để bảo đảm xem xét yêu cầu dẫn độ hoặc thi hành quyết định dẫn độ (Điều 502).

 Ảnh minh hoạ

Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 có nhiều quy định mới tiến bộ hơn Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 về các biện ngăn chặn và các biện pháp khác như: sau khi giữ người, bắt người, nhận người bị giữ, bị bắt, cơ quan, người có thẩm quyền phải thông báo ngay cho gia đình người bị giữ, bị bắt, chính quyền xã, phường, thị trấn nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức 28 nơi người đó làm việc, học tập biết.

Trường hợp người bị giữ, người bị bắt là công dân nước ngoài thì phải thông báo cho Cơ quan ngoại giao của Việt Nam để thông báo cho Cơ quan đại diện ngoại giao của nước có công dân bị giữ, bị bắt. Nếu việc thông báo cản trở truy bắt đối tượng khác hoặc cản trở điều tra thì sau khi cản trở đó không còn, người ra lệnh giữ người, lệnh hoặc quyết định bắt người, Cơ quan điều tra nhận người bị giữ, người bị bắt phải thông báo ngay (Điều 116).

Khi tạm giam bị can, Cơ quan điều tra có trách nhiệm phải kiểm tra căn cước của người bị tạm giam và thông báo ngay cho gia đình người bị tạm giam, chính quyền xã, phường, thị trấn nơi người bị tạm giam cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người bị tạm giam làm việc, học tập biết (Điều 119).

Người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang và người bị bắt theo quyết định truy nã có quyền yêu cầu người bào chữa tham gia ngay từ khi bắt đầu quá trình tố tụng để bảo đảm quyền lợi, trong đó có quyền không bị bức cung, dùng nhục hình (Điều 74).

Thời hạn tạm giữ không quá 3 ngày, trong trường hợp cần thiết có thể được gia hạn nhưng không quá 03 ngày và trong trường hợp đặc biệt, có thể gia hạn tạm giữ lần thứ hai nhưng không quá 03 ngày. Mọi trường hợp gia hạn tạm giữ đều phải được Viện kiểm sát phê chuẩn.

Trong khi tạm giữ, nếu không đủ căn cứ khởi tố bị can thì phải trả tự do ngay cho người bị tạm giữ. Thời gian tạm giữ được trừ vào thời hạn tạm giam. Một ngày tạm giữ được tính bằng một ngày tạm giam (Điều 87 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 và Điều 118 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015).

Thời hạn tạm giam bị can để điều tra không quá 2 tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng, không quá 3 tháng đối với tội phạm nghiêm trọng, không quá 4 tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Việc gia hạn tạm giam được thực hiện theo quy định của pháp luật (Điều 173 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015).

Điểm tiến bộ của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 so với Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 là số 29 lần gia hạn tạm giam giảm từ 2 lần xuống còn 1 lần đối với tội phạm nghiêm trọng và rất nghiêm trọng, giảm từ 3 lần xuống còn 2 lần đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, làm giảm tổng số thời gian mà bị can có thể bị tạm giam.

Đây là một bước tiến trong bảo đảm quyền con người của bị can của pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam. Luật thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015 có một số quy định về tạm giữ, tạm giam tiến bộ hơn trước đây như: người bị tạm giữ, người bị tạm giam được bố trí theo khu và phân loại như sau:

Người bị tạm giữ; người bị tạm giam; người dưới 18 tuổi; phụ nữ; người nước ngoài; người thực hiện hành vi phạm tội có tính chất côn đồ; giết người; cướp tài sản thuộc loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; tái phạm nguy hiểm; người phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia; người đang chờ chấp hành án phạt tù; người thường xuyên vi phạm nội quy của cơ sở giam giữ.

Người mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A; người bị kết án tử hình; người có dấu hiệu mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình nhưng chưa được giám định, đang chờ kết quả giám định hoặc đang chờ đưa đi cơ sở bắt buộc chữa bệnh.

Người bị tạm giữ, người bị tạm giam là người đồng tính, người chuyển giới; phụ nữ có thai hoặc có con dưới 36 tháng tuổi ở cùng; người mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A; người bị kết án tử hình; người có dấu hiệu mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình nhưng chưa được giám định, đang chờ kết quả giám định hoặc đang chờ đưa đi cơ sở bắt buộc chữa bệnh có thể được bố trí giam giữ ở buồng riêng.

Luật đã dành một chương (Chương V) quy định về chế độ của người bị tạm giữ, người bị tạm giam là người dưới 18 tuổi, phụ nữ có thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi.