Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hình ảnh ấn tượng về Bảo tàng Báo chí Việt Nam trước ngày mở cửa

Lại Tấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bảo tàng Báo chí Việt Nam không chỉ kể chiều dài 155 năm của báo chí Việt với dấu ấn ra đời của tờ Gia Định Báo (ngày 15/4/1865), mà còn sử dụng nhiều kỹ thuật trưng bày của một bảo tàng hiện đại để tái hiện từng câu chuyện nghề báo.

 Đến với Bảo tàng Báo chí Việt Nam (đặt tại trụ sở Hội Nhà báo Việt Nam, đường Dương Đình Nghệ, quận Cầu Giấy, Hà Nội), bước vào gian khánh tiết, người xem sẽ thấy hình ảnh đầu tiên là bức tượng của Chủ tịch Hồ Chí Minh với câu nói: ''Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ''.
 Cùng với đó, trong không gian đầu tiên của bảo tàng, người xem còn được thấy hình tượng Bút sen. Cây bút được tạo nên bởi việc sắp đặt tên của tất cả các tờ báo suốt chiều dài 155 năm báo chí Việt Nam.  
 Ở phần đầu tiên ''Báo chí Việt Nam giai đoạn 1865 – 1925'', người xem sẽ thấy những dấu mốc đặt nền móng cho lịch sử báo chí Việt Nam. Nổi bật trong phần này là các hình ảnh, hiện vật trưng bày về Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX.
 Theo thông tin tại triển lãm, Hà Nội là một địa bàn báo chí sôi nổi, có bản sắc riêng. Báo chí Hà Nội thời kỳ đầu gắn liền với tên tuổi của các tờ: ''Đại Nam Đồng Văn Nhật Báo'', ''Đại Việt Tân Báo'', ''Đăng Cổ Tung Báo'', ''Đông Dương Tạp chí'', ''Nam phong Tạp chí''.
 Tại triển lãm, nhiều hình ảnh, hiện vật cũng cho thấy Hà Nội là địa phương có nền báo chí phát triển sớm với sự xuất hiện của những địa danh như Lai Xá – nơi ghi dấu sự ra đời của nghề ảnh Việt Nam từ thế kỷ XIX. Bên cạnh đó, Thăng Long – Hà Nội có nghề làm giấy thủ công lâu đời. Hầu hết thợ thủ công làm nghề giấy ở Hà Nội là người sản xuất nhỏ, sản phẩm làm ra bán lẻ trực tiếp hoặc bán buôn cho các phú thương. Đây chính là nguồn nguyên liệu quan trọng phục vụ việc in báo sau khi báo giấy ra đời.
 Trong phần 2, ''Báo chí giai đoạn 1925 – 1945'', người xem thấy nhiều hình ảnh, hiện vật về báo chí, gắn liền với hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh. 
 Mở đầu phần này là sự xuất hiện của tờ báo Le Paria – Người cùng khổ. Năm 1922, tờ báo này xuất bản bằng tiếng Pháp ngay tại Paris. Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc phụ trách chính việc tổ chức viết bài, biên tập, toà soạn, sửa morat, in ấn, phát hành. Báo ra được 38 số từ tháng 4/1922 đến tháng 6/1926.
 Ngoài ra, trong phần 2, người xem còn thấy các trưng bày với chủ đề: ''Báo chí yêu nước và cách mạng'', ''Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh từ vấn đề bản xứ đến tuyên ngôn độc lập'', ''Việt Nam độc lập – tờ báo đầu tiên của Việt Minh''.
 Ở phần 3 ''Báo chí Việt Nam giai đoạn 1945 - 1954'' giới thiệu về một thời kỳ ngắn trong lịch sử báo chí nước nhà, song đã để lại những dấu ấn khởi sắc trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Báo chí đã khẳng định được vai trò tích cực trong đời sống kháng chiến và góp phần khắc hoạ được diện mạo, vị thế mới của Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.  
 Trong giai đoạn này, nhiều cơ quan báo chí như: Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam, Việt Nam Thông tấn xã, Báo Cứu Quốc, Sự Thật, Nhân dân, Quân Đội Nhân dân, Tạp chí Cộng sản... và Hội những người viết báo tại Việt Nam (Hội Nhà báo Việt Nam) ra đời, kịp thời gánh vác xứ mệnh của mình. 
 Phần 4 có chủ đề ''Báo chí Việt Nam giai đoạn 1954 – 1975'', đây là giai đoạn có nhiều dấu ấn trong lịch sử nước nhà. Ở miền Bắc, hệ thống báo Đảng địa phương hình thành. Đài Truyền hình Việt Nam ra đời. Ở miền Nam, báo Nhân dân miền Nam, Thông tấn xã Giải phóng, Đài Phát thanh Giải phóng, Báo Giải phóng ra đời. 
 Giai đoạn này, sắc lệnh số 100 SL/002 ngày 20/5/1957 ra đời, tạo thành hành lang pháp lý cho báo chí phục vụ công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Báo chí đề cao việc thông tin kịp thời tình hình chiến sự, cổ vũ các phong trào thi đua yêu nước. 
 Nổi bật trong không gian trưng bày phần 4 là sự xuất hiện của chiếc loa đại, minh chứng cho những trận “đấu loa” quyết liệt ở vĩ tuyến 17. Trong giai đoạn này, tại bờ Bắc, hệ thống loa phóng thanh 25W-50W-250W phát liên tục các chương trình ca nhạc, thơ, kịch, dân ca... hấp dẫn. Khi Mỹ - Diệm gắn những cụm loa Tây Đức, Úc và dàn loa Mỹ công suất lớn đáp trả, bờ Bắc đã tăng cường một chiếc loa đại, công suất 500W, thuận gió để truyền xa 10km đến Cửa Việt, Gio An. Đến khi miền Bắc bị ném bom, loa hai bờ ngừng hoạt động.
 Trong phần 5, ''Báo chí Việt Nam 1975 – nay'', mở đầu là trưng bày về báo chí với sự kiện 30/4 và 1/5/1975.
 Bên cạnh đó, là trưng bày ''Báo chí đổi mới cùng đất nước''.
 Phần trưng bày này có khu vực giới thiệu về Báo chí 63 tỉnh thành trên cả nước. Trong đó, báo chí Hà Nội xuất hiện với nhiều tờ báo như: Kinh tế & Đô thị, Hà Nội Mới, Đài truyền hình Hà Nội...
  Phần cuối của trưng bày tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam là bảng “Tưởng nhớ những người làm báo đã hi sinh vì Tổ quốc và Nhân dân vì sự nghiệp báo chí Việt Nam.
 Sau 3 năm chuẩn bị, với một vài lần dự kiến khai trương rồi lỡ hẹn, Bảo tàng Báo chí Việt Nam sẽ chính thức khai trương trưng bày vào ngày 19/6/2020.