Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hình ảnh hiếm thấy tại phiên tòa xét xử “trùm” đa cấp Liên Kết Việt

Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - TAND TP Hà Nội đã triệu tập 6.053 bị hại đến tham dự phiên tòa. Đây là con số kỷ lục về số lượng người tham gia trong một phiên tòa.

Hôm nay, 21/12, TAND TP Hà Nội tổ chức xét xử sơ thẩm vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty CP Liên Kết Việt, đồng thời, triệu tập hơn 6.000 bị hại đến tham dự phiên tòa. Dự kiến phiên tòa kéo dài trong 10 ngày kể cả ngày nghỉ.

TAND TP Hà Nội tổ chức xét xử sơ thẩm vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty CP Liên Kết Việt. Các bị cáo bị xét xử về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" là lãnh đạo của Công ty Liên Kết Việt và các thành viên nhóm phát triển thị trường. HĐXX gồm 5 người, do thẩm phán Trần Nam Hà (Phó chánh Tòa Hình sự) ngồi ghế chủ tọa.

Từ sáng sớm, hàng trăm bị hại đã đến tham dự phiên tòa. Tòa bố trí nhiều bàn làm việc để kiểm tra giấy tờ của người được triệu tập. An ninh phiên tòa cũng được siết chặt, các bị hại trước khi vào phòng xử đều được kiểm tra an ninh. 
 Phần lớn bị hại đến tham dự phiên tòa là người lớn tuổi
Do số lượng bị hại rất lớn trong một phiên tòa, hơn 6.000 người, TAND Hà Nội đã kê ghế ngoài hành lang, lắp nhiều máy chiếu, màn hình để phục vụ quá trình xét xử vụ án. Tuy nhiên, trong ngày 21/12, mới có hơn 500 bị hại tới dự phiên tòa. 
Bà Lê Thị Ước (70 tuổi, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên) cho biết, từ 3 giờ sáng, bà đã bắt nhiều chặng xe ôm, xe khách mới có thể đến dự được phiên tòa lúc 7h30 sáng 21/12 
Cả gia đình bà Lê Thị Ước nộp tiền mua 8 mã sản phẩm của đa cấp Liên Kết Việt với số tiền 70 triệu đồng. Bà cho biết, do các hình ảnh Liên Kết Việt cung cấp mạo danh là công ty thuộc quân đội nên cả gia đình đều tin tưởng. Bà đại diện cho gia đình đến tham dự phiên tòa. 

Theo cáo trạng, Lê Xuân Giang thành lập và điều hành Công ty CP Tập đoàn thiết bị y tế BQP (Công ty BQP nhưng không phải viết tắt của Bộ Quốc phòng) và Công ty Liên Kết Việt. Trong đó, Công ty Liên Kết Việt được cấp giấy phép kinh doanh bán hàng đa cấp với hàng hóa do Công ty BQP sản xuất. Trong thời gian từ tháng 3/2014 – 11/2015, các bị cáo trên đã sử dụng thủ đoạn gian dối, tạo dựng và cung cấp thông tin sai lệch để tạo lòng tin về hoạt động kinh doanh của Công ty Liên Kết Việt và Công ty BQP. 

Các bị cáo nói rằng Liên Kết Việt là công ty con của Công ty BQP, Công ty BPQ lại là công ty của Bộ Quốc phòng. Giang cùng các lãnh đạo của công ty đều là cán bộ của Bộ Quốc phòng. Các sản phẩm kinh doanh đều là sản phẩm liên doanh, liên kết sản xuất với các doanh nghiệp, cơ quan uy tín của Bộ Quốc phòng. Đồng thời, làm giả cả Bằng khen của Thủ tướng, UBND TP Hồ Chí Minh để nâng cao vị thế công ty. Các bị cáo đã lôi kéo các bị hại bỏ tiền tham gia vào hệ thống kinh doanh đa cấp của Công ty Liên Kết Việt nhằm được hưởng hoa hồng cũng như các chương trình khuyến mãi trái pháp luật. 

Khi đã lấy được lòng tin của nhiều người, nhóm của Giang lôi kéo mọi người vào hệ thống kinh doanh đa cấp với chiêu bài nộp 7 triệu đồng sẽ nhận về tiền thưởng lên đến 409 triệu đồng. Công ty cũng đưa ra các mức thưởng cho nhà đầu tư mời được nhiều người như ô tô trị giá 1 tỷ đồng, căn nhà trị giá 1,8 tỷ đồng... Với cách thức, phương pháp, thủ đoạn như trên, sau 1 năm hoạt động, đến tháng 11/2015, Lê Xuân Giang và đồng phạm đã mở rộng mạng lưới phát triển được 34 chi nhánh, văn phòng đại diện, đại lý tại 27 tỉnh, thành, lôi kéo được hơn 68.000 người tại 49 tỉnh, thành phố tham gia hệ thống kinh doanh đa cấp. Tổng cộng, các bị cáo đã lừa đảo, chiếm đoạt hơn 1.121 tỷ đồng và phải chịu trách nhiệm hình sự đối với số tiền này.