Chúc mừng năm mới

Hình ảnh vươn mình của dân tộc trong Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa

Trần Oanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lễ kỷ niệm 236 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (1789 - 2025) - Lễ hội gò Đống Đa được tổ chức trong 3 ngày, từ 2 - 4/2/2025 (tức từ ngày mùng 5 - 7 tháng Giêng) với nhiều hoạt động đặc sắc.

Điểm khác biệt là năm nay Lễ kỷ niệm 236 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa được tổ chức vào buổi tối ngày 2/2/2025 (mùng 5 tháng Giêng Âm lịch) tại Công viên Văn hóa Đống Đa, thay vì vào buổi sáng như mọi năm. Nhân dịp này, phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với GS.TS.NGND Nguyễn Quang Ngọc - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam về ý nghĩa, phục dựng, bảo tồn chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa trong tình hình hiện nay.

GS.TS.NGND Nguyễn Quang Ngọc
GS.TS.NGND Nguyễn Quang Ngọc

Khơi dậy tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”

Thưa ông, việc hàng năm chúng ta tổ chức Lễ hội gò Đống Đa mang ý nghĩa lịch sử như thế nào ạ?

- Lễ hội gò Đống Đa thực chất là giỗ trận Đống Đa đã có từ lâu. Sau khi chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa năm 1789, lúc đó quân Thanh chết ngổn ngang nơi chiến trường, Vua Quang Trung đã ra lệnh cho thu nhặt và chôn cất ở dưới chân các gò đống của trường thi Bác cử Đống Đa xưa, mà nhà thơ đương thời Ngô Ngọc Du trong bài “Loa Sơn điếu cổ” đã mô tả đấy là biểu tượng võ công tuyệt vời của dân tộc Việt Nam ta: “Thành Nam thập nhị kình nghê quán/ Chiếu diện anh hùng đại võ công” (Phía Nam thành, 12 gò xác giặc/ Rạng rỡ anh hùng đại võ công).

Giỗ trận Đống Đa trước hết là Khải hoàn ca thần thánh của Thăng Long đời Tây Sơn, đúng như nhà thơ đương thời Ngô Ngọc Du mô tả: “Ba quân đội ngũ chỉnh tề tiến/Trăm họ chật đường vui tiếp nghênh/Mây tạnh, mù tan, trời lại sáng/Đầy đường già trẻ mặt như hoa/Chen vai, thích cánh cùng nhau nói/Cố đô vẫn thuộc núi sông ta”. Giỗ trận Đống Đa đồng thời là hoài niệm, là tưởng nhớ, là tái hiện chiến công kỳ diệu của người Anh hùng áo vải cờ đào Quang Trung – Nguyễn Huệ, không chỉ hiện thực hóa khát vọng hòa bình cháy bỏng của cả dân tộc, mà còn là kết tinh các giá trị nhân văn, nhân ái, vị tha của người Thăng Long - Hà Nội xưa.

Sau khi đại thắng, thu dọn chiến trường, quân dân Thăng Long không chỉ chôn cất tử sĩ Tây Sơn theo nghi thức trang trọng, mà xác quân Thanh cũng được quy tập chu đáo và lập đàn cúng tế với tấm lòng nhân đạo bao la: “Nhặt xương phơi mà vun đống mồ kia/… Lập đàn tế, hướng bên dòng sông đó/Lòng ta rộng thương chung giống Bắc/ Xuất của kho mà đắp mảnh xương tàn…” (Vũ Huy Tấn: Văn tế tướng sĩ quân Thanh chết trận).

Tướng nhà Thanh là Sầm Nghi Đống đặt chỉ huy sở trên gò đất cao nhất trong khu Đống Đa gọi là Loa Sơn (chỗ trường Đại học Công đoàn hiện nay).

Trước cuộc tấn công như vũ bão của quân Tây Sơn, Sầm Nghi Đống thấy không còn đường thoát đã thắt cổ tự sát. Hàng trăm thân binh trung thành cũng tự sát theo. Đạo quân xâm lược cả vạn tên đã bị chết, bị thương, bị bắt và tan rã hoàn toàn. Ghi tạc lại sự kiện có một không hai này, Quang Trung cho lập đền Thái Thú trên đỉnh Loa Sơn để cầu cúng cho hồn vía Sầm Nghi Đống và đoàn quân xâm lược bất hạnh “đừng vơ vẩn trời Nam/ Bỏ đất khách mà về quê cũ” (Vũ Huy Tấn: Văn tế tướng sĩ quân Thanh chết trận).
Đấy chính là tinh thần cơ bản, ý nghĩa sâu xa của giỗ trận Đống Đa cổ truyền.

Trước đây, giỗ trận Đống Đa có quy mô không rộng lớn, chủ yếu do người dân làng Khương Thượng và các làng xung quanh khu vực gò Đống Đa thực hiện. Đến năm 1946, nhà sử học Trần Huy Liệu là Bộ trưởng Bộ Thông tin Tuyên truyền được giao đứng ra tổ chức giỗ trận Đống Đa mang dáng dấp của một lễ hội quốc gia, vừa tiếp nối truyền thống vừa yếu tố của lễ kỷ niệm hiện đại. Từ sau ngày tiếp quản Thủ đô (1954), lễ hội gò Đống Đa trở thành cuộc mít tinh kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa và tùy theo yêu cầu của từng năm có các hình thức tái hiện lịch sử trận quyết chiến chiến lược trong không gian lịch sử - văn hóa Đống Đa.

Vậy thưa ông, lễ hội Gò Đống Đa còn mang ý nghĩa giáo dục giới trẻ như thế nào?

- Trận Ngọc Hồi – Đống Đa hay nói khác đi là chiến dịch giải phóng Thăng Long Xuân Kỷ Dậu là một trận quyết chiến chiến lược; huy động cao độ lực lượng của cả nước và chúng ta đã làm nên một kỳ tích trong lịch sử đánh tan 29 vạn quân Thanh trong một trận chiến, khi vận mệnh đất nước đang bị đe dọa từ cả chủ nghĩa phong kiến phương Đông lẫn chủ nghĩa tư bản phương Tây, bị tấn công từ cả bên trong lẫn bên ngoài, cả phía Nam lẫn phía Bắc... Trong hoàn cảnh đất nước lâm nguy, “ngàn cân treo sợi tóc” như thế, mà tổ tiên ta dưới sự lãnh đạo của người anh hùng “áo vải, cờ đào” đã vươn lên để làm nên một chiến công thần kỳ, tiêu diệt 29 vạn quân xâm lược, bảo vệ toàn vẹn chủ quyền quốc gia lãnh thổ.

Lễ hội gò Đống Đa năm 2024. Ảnh: Thanh Hải
Lễ hội gò Đống Đa năm 2024. Ảnh: Thanh Hải

Và điều rất quan trọng nữa là chúng ta đánh tan được ý chí xâm lược của quân Thanh để có hòa bình, xây dựng đất nước, phát triển đất nước. Chiến công này đã trở thành đỉnh cao của chủ nghĩa anh hùng Việt Nam, chủ nghĩa yêu nước Việt Nam thời kỳ quân chủ.

Đó chính là cơ sở nền tảng để chúng ta bảo vệ đất nước, xây dựng đất nước trong giai đoạn tiếp theo và cho đến ngày nay. Bài học của chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa đã khơi dậy tinh thần yêu nước, truyền thống “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” không chỉ trong đánh giặc ngoại xâm mà còn trong xây dựng và bảo vệ đất nước. Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa là nguồn lực to lớn, quan trọng cho sự phát triển bền vững Thủ đô và đất nước.

Phục dựng, sáng tạo trên phông nền lịch sử

Trong thời kỳ hiện đại 4.0, công nghệ số thì việc phục dựng chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa như thế nào cho phù hợp với tình hình hiện nay, thưa ông?

- Lễ hội gò Đống Đa là lễ hội tái hiện lịch sử nên rất cần phải bám sát các sự kiện lịch sử, tình tiết lịch sử, chứng cứ lịch sử. Chúng ta sáng tạo trên một phông, nền là sự thật lịch sử đích thực. Chiến dịch Ngọc Hồi - Đống Đa Xuân Kỷ Dậu là cơ sở dữ liệu, cơ sở thông tin hết sức phong phú, đặc sắc cho những người làm nghệ thuật, công nghệ có thể thỏa sức sáng tạo.

Tôi lấy ví dụ, trong trận Ngọc Hồi - Đống Đa, người ta có nói tới câu chuyện “hỏa long trận”, tức là trận rồng lửa Đống Đa. Trận rồng lửa Đống Đa đã làm cho quân Thanh hồn siêu phách lạc và nhanh chóng tan rã là có thật.

Trước đây dân gian tưởng tượng ra câu chuyện Nhân dân 9 xã ở quanh vùng Đống Đa đã dùng rơm rạ bện thành hình rồng, tẩm dầu đốt lửa ném vào trong đồn quân Thanh tạo thành trận rồng lửa. Đấy là một cách giải thích hợp lý theo dân gian. Nhưng ngày nay, có chuyên gia nghiên cứu về vũ khí thời Tây Sơn lại cho rằng hỏa long trận Đống Đa là một loại hỏa hổ chế biến bằng phốt pho không chỉ đốt cháy doanh trại, tiêu diệt quân Thanh bằng sức nóng, nó còn đốt oxy, khiến hàng loạt quân Thanh nhanh chóng bị chết ngạt.

Hỏa hổ thời Tây Sơn đã đạt tới trình độ cao của kỹ thuật sản xuất vũ khí trên thế giới đương thời và là thế mạnh trội vượt của quân Tây Sơn trong trận chiến.

Có tư liệu trong thời Tây Sơn ta nhập khẩu rất nhiều lưu huỳnh và có cả cơ sở để xét đoán lúc này quân Tây Sơn đã khai thác phân dơi ở Hoàng Sa để chế biến thành phốt pho chế tạo hỏa hổ đánh trận Đống Đa Xuân Kỷ Dậu.

Nếu như bây giờ, với khoa học công nghệ hiện đại, chúng ta có thể khôi phục một cách chính xác những sự kiện lịch sử diễn ra hết sức phong phú, linh hoạt và vô cùng sinh động từ cuối thế kỷ XVIII, thì chắc chắn sẽ là hình thức tái tạo (hay sáng tạo) lịch sử sẽ trở nên kỳ diệu.

Nếu như lễ hội gò Đống Đa tái hiện, tái tạo hay sáng tạo được những sự kiện lịch sử, những hiện tượng hay những tình tiết lịch sử như câu chuyện hỏa long trận thì chắc chắn nó sẽ thu hút được sự quan tâm của mọi lớp người, của du khách cả trong và ngoài nước, giá trị của nó theo đó tăng lên gấp bội.

Vậy theo ông, bên cạnh việc tổ chức lễ hội gò Đống Đa thì vấn đề bảo tồn cần được thực hiện như thế nào để phát huy giá trị lịch sử, văn hóa, truyền thống của dân tộc?

- Tôi nghĩ rằng, những di sản văn hóa mà tổ tiên để lại thì chúng ta phải có trách nhiệm bảo tồn và phát huy giá trị của nó. Bảo tồn và phát huy giá trị ấy không chỉ trong mấy ngày lễ hội là đỉnh cao của sự kiện mà chúng ta cần phải giáo dục thường xuyên cho mọi người có ý thức về truyền thống văn hóa, lòng tự hào dân tộc.

Theo đó, trong Công viên Văn hóa Đống Đa có các di tích, bảo tàng, nhà trưng bày, nhà lưu niệm... Nhưng cái hay hơn chính là các câu chuyện về từng di tích, từng thửa đất, những gò đống trong công viên như Loa Sơn, gò Điện Thí, núi Cây Cờ (hay núi Cắm Cờ), núi Kéo Cồng, gò Đầu Lâu, gò Đống Thiêng, gò Trung Liệt… Đó là những cái còn ở trên mặt đất, trong lòng đất, trong lòng người và trong tâm thức con người nữa...

Tất cả những cái đó nếu được khai thác triệt để, được tập hợp lại, tổ hợp lại thành những câu chuyện kể về chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa thì sẽ hay, phong phú và sống động.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

 

 

Chúng ta cần nghiên cứu, sáng tạo biến toàn bộ khu Đống Đa thành công viên lịch sử - văn hóa, công viên di sản để lưu lại, kể lại các câu chuyện, giữ lại các dấu tích, di sản và phát huy giá trị về di sản, chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa Xuân Kỷ Dậu. Chúng ta cũng nên có những hình thức biểu diễn tái hiện trận chiến Ngọc Hồi - Đống Đa để người dân được xem tận mắt. Và đó cũng là điều tuyệt vời nhất để Công viên Văn hóa Đống Đa trở thành điểm đến thu hút không chỉ người dân trong vùng, không chỉ người Hà Nội, mà càng ngày càng đông du khách trong nước và quốc tế.
GS.TS.NGND Nguyễn Quang Ngọc