Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hình hài mới của Đảo Ngọc và “Giấc mơ Phú Quốc”

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cơ sở hạ tầng của Phú Quốc đang ngày càng được hoàn thiện và đây sẽ là nền tảng để Đảo Ngọc chuyển mình trở thành “vùng đất giàu có” như chính cái tên đã được người xưa đặt cho Phú Quốc.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận Phú Quốc là đô thị loại 2 thuộc tỉnh. Ảnh: VGP/Lê Sơn
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận Phú Quốc là đô thị loại 2 thuộc tỉnh. Ảnh: VGP/Lê Sơn
Tiếp nối những chủ trương, chính sách phát triển hạ tầng cho Phú Quốc trong thời gian qua, Thủ tướng vừa đồng ý chủ trương đầu tư Dự án xây dựng Cảng hành khách quốc tế tại Phú Quốc, trên cơ sở đề nghị của UBND tỉnh Kiên Giang và ý kiến của các bộ, ngành.

Được biết, Cảng này sẽ được xây dựng tại thị trấn Dương Đông và có thể tiếp nhận tàu chở 5.000-6.000 hành khách. Việc xây dựng cảng này là cần thiết, nếu không nói là cấp thiết trên cơ sở dự báo, nhu cầu hành khách đường biển quốc tế tới Phú Quốc có thể lên tới 105.000 - 190.000 hành khách/năm giai đoạn 2020; 350.000 - 550.000 hành khách/năm giai đoạn 2030.

Là huyện đảo có diện tích lớn nhất và đông dân nhất cả nước, Phú Quốc hội tụ đủ các các điều kiện về vị trí địa lý, khí hậu thủy văn, điều kiện tự nhiên, kinh tế-xã hội để phát triển kinh tế biển, đặc biệt là dịch vụ du lịch đa dạng, tổng hợp; tạo sự lan tỏa thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội vùng ĐBSCL và cả nước.

Theo định hướng phát triển được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Phú Quốc sẽ là khu kinh tế đặc biệt; là trung tâm du lịch nghỉ dưỡng sinh thái chất lượng cao của khu vực và thế giới; là trung tâm thương mại, dịch vụ cao cấp và giao thương lớn của cả nước, khu vực và thế giới; là trung tâm khoa học công nghệ cao của quốc gia và khu vực; trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học của khu vực; có vị trí đặc biệt quan trọng về quốc phòng-an ninh.

Với định hướng phát triển đó, trong những năm qua, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng được sự quan tâm và hỗ trợ  đặc biệt quan trọng của Trung ương, Chính phủ và các Ban, Bộ, ngành, của tỉnh, huyện đảo Phú Quốc đã được tập trung đầu tư một bước rất quan trọng về cơ sở hạ tầng.

Đó là sân bay đạt tiêu chuẩn quốc tế bảo đảm hoạt động cả ngày đêm cho tất cả các loại máy bay dân dụng; điện lưới quốc gia; hệ thống viễn thông; hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ với trục đường chính xuyên đảo, đường quanh đảo và các tuyến đường nhánh; hệ thống cung cấp nước sạch; tàu cao tốc và phà vận tải đảm bảo vận chuyển hàng hóa, xe ô tô và hành khách từ đất liền ra đảo, hệ thống dịch vụ tài chính-ngân hàng; hệ thống hạ tầng văn hóa xã hội...

Có thể nói, những công trình nói trên đã tạo nên cái khung cơ bản cho cơ sở hạ tầng Đảo Ngọc, vừa như một tiền đề, vừa như một bảo đảm cho sự phát triển của Phú Quốc trong thời gian tới.

Cùng với đó là nhiều cơ chế chính sách và các quy hoạch, chiến lược được Chính phủ phê duyệt và ban hành theo hướng ưu đãi cao nhất trong khuôn khổ quy định hiện hành, tạo điều kiện thuận lợi để phát huy tiềm năng, lợi thế của Phú Quốc.

Mới đây, ngày 15/11 vừa qua, UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức lễ công bố Quyết định số 1676/QĐ-TTg ngày 17/9/2014 của Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đảo Phú Quốc là đô thị loại 2 thuộc tỉnh.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao sự phát triển vượt bậc của Phú Quốc trên các mặt của đời sống kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Việc Phú Quốc được công nhận đô thị loại 2 thuộc tỉnh là niềm vui chung của tỉnh Kiên Giang và cả nước. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để Phú Quốc phát triển toàn diện theo các mục tiêu đã đề ra.

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh trong thời gian tới, tập trung khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế để nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh xây dựng Phú Quốc thành trung tâm du lịch lớn, gắn kết chặt chẽ giữa phát triển du lịch với bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia. Huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại để Phú Quốc thành đô thị kiểu mẫu.

Tỉnh cần chủ động, phối hợp với các bộ, ngành rà soát, điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Phú Quốc phát triển mạnh mẽ, hướng tới một đô thị phát triển bền vững, gắn phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, an sinh xã hội, phát triển văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ..
Tuyến đường Dương Đông-An Thới tại Phú Quốc. Ảnh: TTXVN
Tuyến đường Dương Đông-An Thới tại Phú Quốc. Ảnh: TTXVN
Sau khi công bố Phú Quốc là đô thị loại 2, tỉnh sẽ tiếp tục tiến hành các thủ tục để thành lập thành phố biển Phú Quốc trực thuộc tỉnh. Đây cũng là bước đi quan trọng trong lộ trình tiến tới thành lập khu hành chính-kinh tế đặc biệt Phú Quốc trong thời gian tới.

Tại lễ công bố nói trên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thanh Nghị cho biết trong thời gian tới, tỉnh và huyện Phú Quốc sẽ tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, hoàn thiện hệ thống hạ tầng vẫn là một trong những trọng tâm phát triển trong thời gian tới của Phú Quốc.

“Xây dựng chương trình phát triển đô thị Phú Quốc thật chi tiết, khả thi” là nhiệm vụ trọng tâm đầu tiên được ông Nguyễn Thanh Nghị nhắc tới, với các kế hoạch, danh mục dự án và xác định cụ thể nguồn lực đầu tư để có biện pháp huy động các nguồn lực đầu tư cho đô thị Phú Quốc. Trong quá trình chỉ đạo, điều hành sẽ ưu tiên bố trí tập trung nguồn lực để đầu tư phát triển đô thị Phú Quốc để nhanh chóng hoàn thiện các tiêu chí đô thị loại II theo mức cao nhất, tạo điều kiện vững chắc cho Phú Quốc là thành phố biển đảo, đặc khu kinh tế trong tương lai.

Vấn đề quy hoạch được nhắc đến nhiều trong phát biểu của vị Phó Chủ tịch Kiên Giang. Ông khẳng định đô thị Phú Quốc sẽ được phát triển theo đúng định hướng, theo quy hoạch và có kế hoạch; giữ gìn đặc trưng riêng của Phú Quốc; luôn đi cùng với việc bảo vệ tài nguyên, môi trường, cảnh quan.

Trong thời gian tới, tỉnh sẽ chủ động phối hợp với Bộ Xây dựng rà soát, đánh giá lại Quy hoạch chung xây dựng Phú Quốc để có đề xuất Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh cho phù hợp. Tỉnh Kiên Giang và Phú Quốc sẽ khẩn trương lập và phê duyệt các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết để phục vụ cho công tác quản lý và thu hút đầu tư.

Cụ thể hơn nữa, sẽ sớm ban hành quy chế quản lý quy hoạch và kiến trúc cảnh quan cho cả đô thị Phú Quốc và cho từng khu vực đô thị. Triển khai công tác thiết kế đô thị, trước mắt triển khai thiết kế các tuyến chính trong đô thị và các trục cảnh quan quan trọng. Quan tâm hơn nữa để nâng cao chất lượng kiến trúc các công trình xây dựng trên đảo, xây dựng các công trình công cộng phục vụ cộng đồng và khách du lịch…

Những người hoạch định tương lai phát triển cho Phú Quốc muốn một Phú Quốc không chỉ phát triển mà còn phải tạo được dấu ấn riêng biệt và nổi bật, trên bản đồ Việt Nam và cả trên bản đồ thế giới. Có bài báo đã gọi khát vọng đó là “Giấc mơ Phú Quốc”, như hy vọng trong lời bộc bạch của Phó Chủ tịch Phú Quốc Huỳnh Quang Hưng, “trong tương lai gần, Phú Quốc sẽ không thua gì Bali (Indonesia), Phuket (Thái Lan), Jeju (Hàn Quốc)”.

Hình hài mới của Đảo Ngọc đang dần hiện rõ và "Giấc mơ Phú Quốc" ấy sẽ không thành hiện thực nếu không có những khát vọng và ước mơ táo bạo…