Hình thành nhiều bãi trông giữ xe không phép: Chính quyền cơ sở thiếu trách nhiệm

Bài, ảnh: Ngọc Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, UBND TP Hà Nội đã có những chỉ đạo rất quyết liệt việc quản lý, ngăn ngừa vi phạm về sử dụng sai mục đích đất nông nghiệp, đất dự án…

Tuy nhiên, chính quyền cơ sở ở nhiều nơi vẫn chưa làm hết trách nhiệm của mình trong lĩnh vực này dẫn tới thực trạng xuất hiện nhiều bãi trông giữ xe không phép trên địa bàn.

Ngang nhiên hoạt động

Hiện nay, nhiều phường trên địa bàn Hà Nội đang xảy ra tình trạng tự ý chuyển đổi, sử dụng đất sai mục đích, kinh doanh kiếm lời bất chấp quy định của pháp luật. Ví dụ như trên mặt đường Võ Chí Công, phường Xuân La (Tây Hồ), phân khu A5, dự án Khu đô thị (KĐT) Tây Hồ Tây 2 với hàng chục nghìn mét vuông đất nông nghiệp, từ lâu đã trở thành bãi trông giữ xe, cửa hàng kinh doanh… Phó Chủ tịch UBND phường Xuân La Lê Tiến thông tin: “Tuy nằm trong khu vực dự án nhưng lô đất có mặt tiền 1.094m, rộng 50m này vẫn là đất nông nghiệp, đất thổ cư của hơn 260 hộ dân, chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng”. Ông Tiến cũng thừa nhận, hiện khu vực này đang mọc lên 3 bãi xe tĩnh và nhiều cửa hàng kinh doanh nhỏ lẻ.
 Bãi trông giữ xe không phép tại 162 Trần Quang Khải. 
Lô đất số 162 Trần Quang Khải, phường Lý Thái Tổ (Hoàn Kiếm) rộng hàng nghìn mét vuông là vị trí xây dựng trụ sở của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nhưng chưa triển khai thi công. Từ tháng 1/2018 tới nay, một bãi trông giữ ô tô với quy mô đến trên 50 xe mỗi ngày đã công nhiên hoạt động dù không được cấp phép. Phó Chủ tịch UBND phường Lý Thái Tổ Nguyễn Quỳnh Tiến cho biết: “Chúng tôi đã nhiều lần kiểm tra, xử phạt, yêu cầu giải tỏa nhưng bãi xe vẫn “lén lút” hoạt động”. Cách nhìn nhận hoạt động của bãi xe mà vị lãnh đạo phường Lý Thái Tổ bày tỏ có phần khiên cưỡng. Bởi, bãi xe này nằm ngay ngã ba Lò Sũ - Trần Quang Khải, chỉ cách trụ sở UBND phường khoảng 50m.

Còn trên địa bàn phường Bùi Thị Xuân (Hai Bà Trưng), vỉa hè nhiều tuyến phố đã bị tư nhân chiếm trọn làm điểm trông giữ xe máy, bất chấp gây cản trở người đi bộ và bức xúc cho Nhân dân. Ví dụ như ngay trước cửa trụ sở Chi cục Thuế quận Hoàn Kiếm hay xung quanh tòa nhà Vincom Bà Triệu; phố Triệu Việt Vương; Bùi Thị Xuân… Những điểm trông giữ phương tiện trái phép, không phép này tồn tại ngày qua ngày, tiền chảy vào túi một số cá nhân, hệ lụy để lại cho người dân Thủ đô gánh chịu.

Đối phó với cấp trên và dư luận

Khi trao đổi với phóng viên, đại diện chính quyền một số địa phương cho rằng đã làm… đúng quy trình. Thực tế là điểm vi phạm nào cũng bị lập biên bản xử phạt, yêu cầu chấm dứt hoạt động nên nói chính quyền không biết hay không xử lý là không đúng. Nhưng nhiều chuyên gia cho rằng, cách xử lý không quyết liệt, dứt khoát, để vi phạm dây dưa, tồn tại kéo dài thì chỉ mang tính chất đối phó với cấp trên và dư luận Nhân dân mà thôi.

Chuyên gia giao thông Đặng Chí Nga nhìn nhận: “Muốn quản lý tốt phải ngăn chặn ngay từ khi vi phạm chưa phát sinh hoặc xử lý phải triệt để, quyết liệt. Để xảy ra rồi mới lập biên bản và cho… tồn tại tiếp thì có tác dụng gì?”. Ý kiến này không phải là không có cơ sở. Lấy ví dụ như những dãy nhà xưởng, mái che trông giữ phương tiện tại phân khu A5. Theo cách lý giải của lãnh đạo phường Xuân La, đó là nhà để nông cụ, phục vụ làm nông nghiệp của người dân có từ trước. Nhưng liệu có người nông dân nào lại dựng nhà để nông cụ được kết cấu bằng mái tôn khung thép, trải dài hàng nghìn mét vuông ngay trên chính mảnh ruộng của mình? Và tại sao, dãy nhà xưởng đó có thể yên ổn mọc lên khiến lãnh đạo phường Xuân La phải than: “Địa phương rất bối rối trong việc xử lý vi phạm”.

Liên quan đến vấn đề này, đại diện Thanh tra Sở GTVT Hà Nội cho biết, khi phát hiện, lực lượng Thanh tra GTVT có thể lập biên bản, thông báo, đề xuất với chính quyền địa phương tìm biện pháp xử lý. Nhưng thẩm quyền quản lý đất đai và tiến hành cưỡng chế giải tỏa, rào chắn ngăn chặn vi phạm tái diễn… lại nằm trong tay chính quyền cơ sở. Vậy có hay không tình trạng thẩm quyền này đang bị “lãng quên” một cách có chủ đích, để mặc cho vi phạm tồn tại?