HLV ngoại & chiếc cối xay Việt Nam

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Hầu hết các HLV nước ngoài đến Việt Nam, đi, rồi lại trở lại sau một thời gian nhất định. Đó là vì cái tình, vì đam mê chinh phục một nền bóng đá, hay chỉ vì đó là những sự lựa chọn bất đắc dĩ?

KTĐT - Hầu hết các HLV nước ngoài đến Việt Nam, đi, rồi lại trở lại sau một thời gian nhất định. Đó là vì cái tình, vì đam mê chinh phục một nền bóng đá, hay chỉ vì đó là những sự lựa chọn bất đắc dĩ?

Alfred Riedl là người trở lại nhiều nhất, 4 lần cả thảy sau những cuộc ra đi đầy giông bão. Vital đến năm 2004, ra đi cuối năm, và trở lại sau 4 năm. Chatchai, Kiatisak cũng thuộc trường hợp này khi họ đã và sẽ chuẩn bị quay lại với V-League sau một thời gian gián đoạn. Rồi Tamas Viczko đến, đi và quay lại chỉ trong 2 năm. Và giờ là Tavares, người đến lần đầu năm 1995, ra đi sau ít ngày, trở lại năm 2004, bị sa thải sau vài tháng, và chuẩn bị trở lại.

Hầu hết các sự trở lại đều ít nhiều gây sốc (Alfred Riedl, Chatchai, Tavares), không đem lại những kỳ vọng lớn lao (Tamas), và đều thất bại (trừ Kiatisak mới đang chuẩn bị trở lại).

Trong số các sự trở lại ấy, có cả những sự xuống cấp về mặt cương vị, như HLV Alfred Riedl từ chỗ là HLV trưởng ĐTQG rồi trở lại chỉ làm CLB sau khi 3 lần thất bại với mục tiêu đưa BĐVN giành HCV. HLV Tavares chuẩn bị trở lại cũng là sự xuống cấp như thế, khi ông sẽ làm HLV ở The Vissai Ninh Bình.

Với một nền bóng đá sính ngoại như Việt Nam, việc trong khoảng 15 năm qua mới chỉ tiếp nhận và làm việc cùng với chưa đầy 20 HLV ngoại, rõ ràng là một con số có vấn đề. Nhất là khi sự hạn chế về số lượng ấy lại xảy ra khi các CLB  thay HLV như thay áo, các HLV rất ít người góp phần nâng tầm cho một nền bóng đá. Những thất bại kể trên tự nó đã là một sự đánh giá xác thực.

Cái giá để mua lấy sự thất bại đó cũng không rẻ, không giảm đi sau mỗi lần thất bại mà nó tuần tự tăng tiến theo thời giá, như một sự ăn theo của một V-League lạm phát tới mức 3-4 con số. Chẳng hạn, khi ông Vital còn ở Đông Á (năm 2004), ông ta chỉ nhận lương vài ngàn USD/tháng. Còn khi ông ký hợp đồng với Bình Dương, lương của ông hiện đang nhận mức 13.500 USD/tháng sau thuế.

Liệu sự quanh quẩn trong cách thuê HLV ngoại ở BĐVN có được nhìn nhận như là một sự hạn chế trong mối quan hệ của các ông chủ, của các nhà môi giới, khi mà mức lương mà chúng ta chi trả đã tiếp cận với mặt bằng của khá nhiều nền bóng đá khác?

BĐVN có phải giống như một chiếc cối xay trong hình ảnh của truyền thống VN khi người ta không thể đi ra xa hơn cái cối xay ấy để hành nghề và kiếm tiền?