Tuy nhiên, hiện nay môi trường nước hồ đang bị ô nhiễm nghiêm trọng, cảnh quan công viên đang bị xâm hại nặng nề gây mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.
Bịt khẩu trang chạy thể dục quanh hồCó mặt tại công viên hồ Đền Lừ vào chiều ngày 10/7, PV đã ghi nhận tình trạng ô nhiễm đáng báo động. Là điểm vui chơi công cộng tấp nập giữa khu dân cư đông đúc nhưng khi đi dạo quanh hồ luôn có mùi khó chịu, nước ở lòng hồ đặc quánh màu xanh rêu… Đặc biệt, khu vực phía Bắc hồ đã hình thành một bãi nổi - là nơi tập kết phế thải gồm bùn đất, vỏ ốc chết, váng mỡ cục, xác tảo, cỏ dại… Khi đi qua, mùi hôi thối bốc lên đến ngạt thở.Một góc lòng hồ trầm tích đã bồi cao thành bãi nổi. |
Theo một số người dân, hồ Đền Lừ ô nhiễm đã diễn ra từ lâu và ngày càng nghiêm trọng. Mặc dù vậy, do đây là khuôn viên công cộng duy nhất trên địa bàn nên hàng ngày họ vẫn phải lui tới dạo bộ, tập thể dục... Nhiều người đã phải bịt khẩu trang khi chạy bộ quanh hồ. Ông Nguyễn Văn Thái, người dân phường Hoàng Văn Thụ cho hay: “Ý thức bảo vệ môi trường của người dân quanh khu vực hồ rất kém. Ngày rằm, mùng 1 người ta xếp hàng dài để thả đủ các loại cua, ốc, cá… phóng sinh ra hồ. Việc này diễn ra không có sự quản lý, can thiệp kịp thời của cơ quan chức năng nên ô nhiễm là không thể tránh khỏi".
Do là viên công viên mở nên hàng ngày những đường dạo quanh hồ Đền Lừ thu hút hàng nghìn lượt người trong khu vực đến tập thể dục, vui chơi, hóng mát. Chính vì lượng người tập trung đông đúc nên những quán trà đá mọc lên như nấm. Các chủ hàng trải chiếu, kê ghế nhựa kín trên mặt thảm cỏ quanh hồ để phục vụ người có nhu cầu. Những hàng quán này không những làm nhếch nhác cảnh quan, gây mất trật tự mỹ quan đô thị mà còn là nguồn thải rác bừa bãi ra hồ gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, theo tìm hiểu thì nguyên nhân lớn nhất gây nên tình trạng ô nhiễm nặng nề tại hồ Đền Lừ là nước thải của khu dân cư, các nhà hàng, quán ăn ven hồ, chợ tạm Trương Định nằm trong khuôn viên hồ qua các cửa cống chảy thẳng vào hồ.Nâng cao ý thức người dânTheo tìm hiểu, khu vực công viên hồ Đền Lừ trước đây do UBND quận Hoàng Mai quản lý toàn diện. Tuy nhiên, từ giữa tháng 3/2017 việc quản lý, duy trì vệ sinh môi trường hồ Đền Lừ được giao cho Đội quản lý duy trì hồ thuộc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội đảm nhận. Ông Bùi Ngọc Uyên – Đội trưởng Đội quản lý duy trì hồ cho biết, khi tiếp quản hồ Đền Lừ trong hiện trạng có nhiều vấn đề cần giải quyết. Trong đó tình trạng nặng nề nhất là ô nhiễm mùi từ khối lượng lớn ốc, cá chết do người dân phóng sinh xuống hồ, vỏ ốc từ hàng quán quanh hồ đổ ra. Ngoài ra, lượng rác thải, nước thải, váng mỡ... do người dân vứt xuống hoặc theo nước mưa chảy vào hồ cũng rất nhiều, một số đoạn bờ kè đã sụt, sạt, bong tróc... Lâu ngày chưa được nạo vét, lượng trầm tích trong hồ rất dày, có chỗ đã hình thành bãi nổi, có chỗ mực nước chỉ cao 40 - 50cm, điểm sâu nhất mức nước hồ cũng chỉ cao khoảng 1m.Để từng bước giảm thiểu ô nhiễm, ngay sau khi tiếp quản, Đội quản lý hồ thực hiện các giải pháp như thả bè thủy sinh, lắp vòi phun sục khí, làm các ngưỡng ga ngăn chặn hạn chế tối thiểu nước, rác thải vào hồ, phân công công nhân trực vớt rác quanh hồ hàng ngày. Anh Vũ Công Tám – công nhân làm việc tại hồ Đền Lừ cho biết, mỗi ngày anh thường vớt 4 xe đầy rác, trong đó phần lớn là váng mỡ đóng cục tại miệng các cửa cống. “Cứ sau mỗi đợt mưa, tại các cửa cống quanh hồ lại đặc quánh rác, mỡ cục tràn vào chúng tôi vớt không xuể” – anh Tám chia sẻ.Không chỉ duy trì vệ sinh hàng ngày, các đợt vệ sinh tổng lực cũng đã được Công ty Thoát nước Hà Nội huy động. Cuối tháng 5/2017, hàng ngàn bát hương, đồ thờ đã được cẩu vớt. Tuần vừa qua, công nhân tiếp tục tiến hành xúc vớt hàng chục xe gom vỏ ốc, xác tảo chết, váng mỡ. Ông Bùi Ngọc Uyên cho biết thêm, trước sự ô nhiễm nặng nề, hồ Đền Lừ đã được đưa vào trong danh sách các hồ được nạo vét tổng thể vào đầu năm 2018 của Công ty. “Tuy nhiên, cùng với các giải pháp duy trì vệ sinh chúng tôi đang thực hiện, từ nay đến khi được nạo vét, cải tạo tổng thể, rất cần chính quyền địa phương có biện pháp vận động người dân không xả rác, nước thải xuống hồ, có ý thức giữ gìn để môi trường nơi đây không bị ô nhiễm nặng hơn” – ông Uyên kiến nghị.