Bìa cuốn sách ''Hồ Gươm linh thiêng & huyền ảo'' của tác giả Phạm Quốc Toàn. |
Hồ Lục Thủy (Hoàn Kiếm) từ sau ngày Vua Lê trả thanh bảo kiếm, tín hiệu kết thúc một thời chinh chiến vì độc lập tự do của đất nước con Lạc cháu Hồng, được coi như trái tim của đất ngàn năm văn hiến, huyết mạch văn hóa dân tộc dồn tụ về đây. Bởi thế, Hồ Gươm nghiễm nhiên luôn ắp đầy sự linh thiêng, độ huyền ảo như hoa thơm trái ngọt “hữu xạ tự nhiên hương”.
Còn hôm nay - mùa Thu năm 2020 Hồ Gươm như đẹp hơn, lung linh hơn, huyền ảo hơn, sau dự án kè Hồ Gươm hoàn thành đúng dịp Thủ đô yêu dấu tròn 1010 năm tuổi; chẵn 66 năm Hà Nội giải phóng; Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội nhiệm kỳ 2020 - 2025. Kè Hồ Gươm là thành quả trực tiếp của một giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học công nghệ của Anh hùng lao động Hoàng Đức Thảo và tập thể người lao động Công ty CP Khoa bọc Công nghệ Viêt Nam (BUSADCO), trụ sở đặt tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Nhà báo Phạm Quốc Toàn cho ra mắt bạn đọc cuốn sách có tiêu đề đã dẫn thật hợp thời điểm.
“Hồ Gươm Linh thiêng & huyền ảo” đẹp như người thiếu nữ đất Hà Thành về nhiều phương diện. Gần 250 trang sách, tác giả dày công, thật tâm đem hết tinh thần và sự thông tuệ vốn có trong sự khiêm nhường, phác thảo chân dung doanh nhân, Anh hùng Lao động Hoàng Đức Thảo cùng một số nhà báo, nhà văn, nhà khoa học… hết mình cống hiến cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây cũng như trong sự nghiệp đổi mới đất nước, hội nhập làm giàu, làm đẹp quê hương xứ sở hôm nay.
Với Anh hùng Lao động Hoàng Đức Thảo, dấu ấn để lại đối với Hà Nội mùa Thu này, đó là công trình kè hồ Hoàn Kiếm mang tính bền vững, bằng công nghệ BUSADCO - sản phẩm công nghệ Việt, trí tuệ Việt - kè bê tông cốt sợi phi kim thành mỏng. Với 150 công nhân lành nghề, lúc cao điểm lên 300 người từ Bà Rịa - Vũng Tàu ra Hà Nội làm nên bờ kè dài 1.500 mét, tựa dáng Rồng ôm, làm cho Hồ Gươm thêm vẻ đẹp lung linh, huyền ảo. 65 ngày (vượt tiến độ 25 ngày) lao động cật lực, tỷ mỷ, thận trọng, coi trọng yếu tố tâm linh từ việc nhỏ đến việc lớn, BUSADCO đã khoác lên hồ Hoàn Kiếm tấm áo mới, góp phần bảo tồn Hồ Gươm và khu di tích văn hóa - lịch sử quốc gia đặc biệt - một danh thắng tâm linh, du lịch của Hà Nội, thành phố Anh hùng, thành phố Hòa bình.
Phần Hai của tác phẩm là những câu chuyện thuộc về nhân tình thế thái của mặt sau nền kinh tế thị trường xoay quanh đâu đó về mua bán, đổi chác, bon chen… không phải ở người ít chữ mà cả người nhiều chữ, hàm nọ chức kia. Cái hay, sự thích thú khi ta đọc, suy ngẫm những câu chuyện “cười chảy nước mắt”, có cái gì đó mà không ít người đọc có chung cảm nhận bị “châm - đốt” đau điếng mà vẫn phải mỉm cười của loài "Ong Vò Vẽ", bút danh quen thuộc của tác giả. Phạm Quốc Toàn khá cao tay khi viết tiểu phẩm châm biếm, thể loại tân văn thấm đẫm chất văn học không mấy dễ dàng, nhẹ nhàng mà đau nhói tựa kim châm, ong đốt.
Người viết bài này đồng cảm, sẻ chia suy nghĩ của nhà báo, nhà thơ Trần Thế Tuyển, nguyên Tổng biên tập báo Sài Gòn Giải phóng đã viết trong lời bạt đầu sách: “Hồ Gươm lung linh&huyền ảo là cuốn sách hay, đáng đọc và suy ngẫm”. Đẹp lắm thay một tác phẩm hầm hập hơi thở cuộc sống của một cây bút rất yêu Hà Nội, dày dạn sự trải nghiệm cuộc đời…